Covid-19 khiến 14% DN trong KCX, KCN TP. HCM giảm doanh thu từ 70% trở lên
Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm 2020, Thành phố có 11.897 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 75,0% của khu vực Đông Nam Bộ và chiếm 30,8% cả nước với số vốn đăng ký là 197.841 tỷ đồng, giảm 12,9% về số doanh nghiệp và giảm 33,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2020, Thành phố còn có 2.015 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 16,41% so với cùng kỳ năm 2019; có 7.257 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 29,91%. Tổng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động lũy kế còn trên hệ thống là 423.676 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 6.196 tỷ đồng.
Còn theo Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza), do ảnh hưởng dịch Covid-19, có 48 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố bị ảnh hưởng, với 1.921 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 318 người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, 1.312 người lao động nghỉ việc không hưởng lương và 5.847 người lao động bị tạm ngừng việc có hưởng lương theo Luật Lao động.
TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo nhu cầu thực tế doanh nghiệp. Ảnh: Internet.
Ghi nhận của Hepza cũng cho thấy, dịch Covid-19 đã khiến cho khoảng 14% doanh nghiệp bị ảnh hưởng doanh thu từ 70% trở lên; 62% doanh nghiệp giảm doanh thu từ 30%-70% và 23% doanh nghiệp bị giảm dưới 30% doanh thu. Đã có 2 doanh nghiệp dự kiến chấm dứt hoạt động, 12 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, trong đó có 7 doanh nghiệp dự kiến sẽ dừng hoạt động trong thời gian từ 1-2 tháng.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cũng cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp của Thành phố đang gặp nhiều khó khăn, trong đó, các nhóm doanh nghiệp, như: du lịch, dịch vụ, lưu trú, vận tải, trung tâm thương mại, giáo dục… vẫn đang phải hoạt động cầm chừng để phòng chống dịch.
Các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh trọng điểm của Thành phố, như: cơ khí, điện, cao su, nhựa, công nghiệp hỗ trợ, đồ gỗ, dệt may, da giày… không phân biệt quy mô đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào sản xuất, xuất khẩu bị đình trệ, giảm đơn hàng, chậm thanh toán, nguy cơ mất tính thanh khoản cao.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những doanh nghiệp gặp khó khăn đã được các ngân hàng thương mại hỗ trợ giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ. Trong đó, giữ nguyên nhóm nợ cho 158.726 khách hàng với dư nợ đạt 48.325 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 17.448 khách hàng với dư nợ đạt 45.096 tỉ đồng. Từ nay đến cuối năm, TP. Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên thực hiện các giải pháp cấp bách để ngăn đà phá sản của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện tăng cường tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất.
Đồng thời, tổ chức kết nối doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp sản xuất với nhà phân phối cũng như doanh nghiệp Thành phố với doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hình thành các mối quan hệ hợp tác kinh doanh.
Các cơ quan, đơn vị sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối, tiêu thụ hàng hóa; thực hiện chương trình bình ổn thị trường, hàng hóa thiết yếu, kiềm chế lạm phát, chương trình kích cầu đầu tư trong sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực, đối tượng cần hỗ trợ ngay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoặc có tác động lớn thúc đẩy nền kinh tế hồi phục sau dịch; tăng cường hiệu quả công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, lừa đảo trong kinh doanh, vi phạm bản quyền và gian lận thương mại…
Khuyến khích đầu tư và hợp tác với các trường đại học, dạy nghề có uy tín trong khu vực và thế giới; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin về thị trường lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh thực hiện chương trình đột phá của Thành phố về cải cách hành chính và nâng cao chỉ số Cải cách hành chính, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó chú trọng đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử; hoàn tất việc rà soát, phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính điện tử đối với lĩnh vực xây dựng, đất đai, dịch vụ công thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục; đẩy mạnh các giải pháp khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng rõ tiêu chí, quy trình thu hồi đất.
Tuyên truyền rộng rãi các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư đối với các công trình trọng điểm, các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư của Thành phố.
Tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích đầu tư vào những ngành, những lĩnh vực kinh tế có lợi thế so sánh, có tiềm năng phát triển nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, bổ sung các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp trở thành chủ thể chính của thị trường khoa học và công nghệ; rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực kinh tế tư nhân của Thành phố.../.
Bình luận