Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,33% của CPI tháng 10/2024 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Trong đó, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 0,66%, chủ yếu do giá dầu diezen tăng 2,27%; giá xăng trong nước tăng 0,98% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 32,75% do nhu cầu của người tiêu dùng tăng.

Tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%, trong đó, lương thực tăng 0,77%; thực phẩm tăng 0,66% chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung sau mưa bão.

Nhóm giáo dục tăng 0,48%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 0,53% do một số trường mầm non tư thục, cao đẳng, nghề, trung cấp, đại học, sau đại học tăng học phí.

Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,05%, trong đó, phụ kiện máy điện thoại thông minh và máy tính bảng giảm 0,46%; giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,28%; giá máy điện thoại di động thông thường giảm 0,17%. Ngược lại, giá sửa chữa điện thoại tăng 0,4% do chi phí nhân công tăng.

CPI tháng 10/2024 tăng nhẹ
Lạm phát sau 10 tháng vẫn đang được kiểm soát dưới ngưỡng 4%

So với tháng 12/2023, CPI tháng 10 tăng 2,52% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%. Tính chung, bình quân 10 tháng năm 2024, CPI tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 10/2024 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 10 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Theo Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), nguyên nhân gia tăng CPI tháng 10 đến từ nhiều yếu tố, bao gồm giá lương thực, thực phẩm tiếp tục gia tăng do ảnh hưởng bởi mưa bão. Cộng thêm, giá xăng dầu trong nước lên theo giá thế giới và giá nhà ở thuê “đắt đỏ” hơn. Nhìn chung, sự biến động này cho thấy việc duy trì ổn định giá cả cần sự điều hành chính sách linh hoạt và kịp thời.

Như vậy, lạm phát sau 10 tháng vẫn đang được kiểm soát dưới ngưỡng 4%. Chỉ còn 2 tháng cuối năm, nếu không có gì đột biến, khả năng năm nay, lạm phát tiếp tục đạt mục tiêu kiểm soát dưới 4% mà Chính phủ quyết tâm. Còn theo quyết nghị của Quốc hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% là chắc chắn đạt được.

Trên bình diện quốc tế, bối cảnh kinh tế vẫn ẩn chứa những rủi ro tiềm ẩn. Tình hình thế giới vẫn đang phức tạp với nhiều yếu tố bất định, ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả hàng hóa toàn cầu. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương là rất cần thiết để đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế và đảm bảo đời sống người dân, kiểm soát tốt lạm phát trong các tháng cuối năm 2024./.