Đã có giải pháp hạn chế việc sử dụng tài khoản không chính chủ để có hành vi vi phạm pháp luật
Cử tri phát hiện tài khoản không chính chủ thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, khi Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.
Cụ thể, về vấn đề Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phản ánh, cử tri phát hiện một số tài khoản không chính chủ thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là vấn đề NHNN rất quan tâm. Thời gian qua, NHNN đã thực hiện một số giải pháp ngăn chặn và hạn chế tình trạng này, đó là thường xuyên rà soát, chỉnh sửa, cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm |
“Vừa qua, NHNN đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, đã bổ sung một số quy định rất chặt chẽ khi người dân mở tài khoản tại ngân hàng phải sử dụng căn cước công dân có gắn chip; trường hợp không có căn cước công dân gắn chip phải đến trực tiếp mở tài khoản để xác định chính chủ. NHNN cũng đã ban hành Quyết định yêu cầu áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng/một giao dịch hoặc giá trị trên 20 triệu đồng/một ngày, giúp hạn chế việc sử dụng tài khoản không chính chủ để có hành vi vi phạm pháp luật…”, bà Hồng cho hay.
Cũng theo Thống đốc, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác phòng chống, ngăn ngừa hành vi gian lận trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải triển khai các giải pháp theo dõi việc giao dịch; kiểm soát đánh giá trong và sau khi khách hàng mở tài khoản, để kịp thời phát hiện những tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ, từ đó có giải pháp phù hợp. Đặc biệt, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, tổ chức hội nghị về an ninh, an toàn trong thanh toán, thực hiện Đề án 06 kết nối dữ liệu của công dân, làm sạch dữ liệu để hạn chế tình trạng tài khoản không chính chủ.
Bất cập, vướng mắc về tiếp cận tín dụng
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay là chứng minh nguồn gốc xuất xứ, do phần lớn các đơn vị kinh doanh vàng là doanh nghiệp tư nhân, chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp theo yêu cầu của quản lý nhà nước. Do đó, tài sản, hàng hóa, vốn kinh doanh còn chưa rõ ràng. Ví dụ số vàng của gia đình từ nhiều đời để lại được đưa vào kinh doanh, mà không ghi trong vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cũng không kê khai. Các doanh nghiệp đề xuất cho phép họ tự kê khai lại hàng hóa tồn kho theo một thời điểm mà nhà nước quy định, bảng kê khai này là căn cứ để xác định nguồn gốc vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hóa xuất nhập doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ các quy định về quản lý liên quan.
|
Liên quan đến vướng mắc trong tiếp cận tín dụng, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, cử tri phản ánh người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nguyên nhân cơ bản là do các ngân hàng thương mại có khuynh hướng lo ngại phát sinh nợ xấu, không thu hồi được nguồn vốn trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Mặt khác, lãi suất cho vay ưu đãi giảm, nhưng tiêu chí cho vay theo quy định của ngành ngân hàng không thay đổi, một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất... Vì vậy, đề nghị Chính phủ, NHNN cần tiếp tục quan tâm cải cách hành chính trong lĩnh vực tín dụng, xây dựng các tiêu chí, điều kiện cho vay đối với các chính sách liên quan thuận lợi hơn so với điều kiện cho vay thông thường. Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận tín dụng hơn, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội.
Cùng vấn đề liên quan, ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, đã quy định các đối tượng và chính sách ưu đãi. NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025. Qua quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã phát sinh một số vướng mắc, hạn chế được đại biểu Quốc hội đã nêu. Cơ quan chủ trì đang báo cáo, đánh giá, tổng kết, tham mưu đề xuất Chính phủ sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo sửa đổi, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Nghị định số 28/2022/NĐ-CP cho phù hợp./.
Bình luận