Bộ Công thương khẳng định đảm bảo cung ứng đủ điện trong mùa cao điểm và điều hành ổn định thị trường xăng dầu trong 2 quý đầu năm và các tháng tới

Đảm bảo vận hành cung ứng đủ điện

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tính đến ngày 30/5 tăng trưởng 11,72% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 30/5), tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tăng trưởng 12,27% so với cùng năm 2023. Đặc biệt, trong ngày 29/5 vừa qua, do nhu cầu phụ tải tăng cao, sản lượng hệ thống điện ngày ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm (1,008 tỷ kWh), cao hơn 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong bối cảnh tình hình thủy văn không thuận lợi, các nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao hơn so với dự báo. Kết hợp với giải pháp tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc, tình hình cung ứng điện toàn hệ thống trong các tháng đầu năm 2024 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là các dịp nghỉ lễ, Tết.

Đảm bảo cung ứng đủ điện và xăng dầu trong 2 quý đầu năm và các tháng tới
Họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Công Thương

Để đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, đã chỉ đạo EVN rà soát, cập nhật các yếu tố đầu vào như tốc độ tăng trưởng phụ tải điện, thời tiết (nhiệt độ, thủy văn), tiến độ nguồn-lưới điện, khả năng cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu), sự tăng trưởng mạnh của các nhóm ngành công nghiệp kết hợp với nhu cầu sử dụng điện tăng cao khi nền nhiệt độ tăng. Bộ Công Thương nhận định, tăng trưởng phụ tải điện nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn so với kịch bản được dự báo từ cuối năm 2023.

Để đảm bảo cung cấp điện phù hợp với thực tế vận hành, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT về việc phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024 và Chỉ thị 05/CT-BCT về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành công điện số 3424/CĐ- BCT về việc tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Liên quan đến vấn đề cung ứng điện, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Công Thương, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu cho biết, về lâu dài, để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực đã xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện các Thông tư về khung giá lưới điện, chất thải, sinh khối… hoàn thiện cơ sở pháp lý cho phát triển các nguồn điện cho phát triển sản xuất và sinh hoạt trong thời gian tới.

Nhận định về nhu cầu sử dụng điện trong mùa hè năm nay, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, năm nay nhu cầu điện rất cao, tính đến giữa tháng 6, sản lượng tiêu thụ là trên 141,tỷ KWWh giờ, tương đương 45,6% so với kế hoạch. Tuy nhiên, nhờ lượng nước trữ được và các kế hoạch cung ứng điện mùa khô được chuẩn bị kỹ lưỡng chủ động ngay từ đầu năm và cập nhật liên tục, theo ông Hữu, với tình hình như hiện nay thì năm nay không bị thiếu điện như năm ngoái.

Khẳng định năm nay sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực lập tổ phản ứng nhanh để đảm bảo trong các trường hợp không để gián đoạn, chuẩn bị mọi điều kiện đảm bảo cung ứng đủ điện. Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, nhận thức được việc đảm bảo cung ứng điện trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phục hồi là sức ép lớn cho ngành điện, thời gian qua, bộ đã tổ chức đoàn, tổ đi kiểm tra giám sát các nguồn nhiên liệu cho chạy điện gồm nước, than, khí, đồng thời kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình vận hành, rút kinh nghiệm để điều hành.

Về vấn đề thời điểm tăng giá điện, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trước đây cơ sở chính sách để xem xét điều chỉnh giá điện là Quyết định số 24/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và đã có hiệu lực. Dựa trên nội dung nêu tại Quyết định 05, nếu đủ cơ sở, yếu tố để giảm giá điện khi các chi phí đầu vào giảm 1% thì sẽ phải giảm ngay. Còn để tăng giá thì chỉ được tăng khi các khoản chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng tương ứng ở các mức 3%, 5% hay cao hơn nữa sẽ do từng cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh và theo chu kỳ 3 tháng một lần.

Điều hành ổn định thị trường và giá bán các mặt hàng xăng dầu

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 31/5/2024), giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 22 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng E5RON92 có 11 lần tăng và 11 lần giảm giá, mặt hàng xăng RON95 có 12 lần tăng và 10 lần giảm giá, mặt hàng dầu diesel có 10 lần tăng và 12 lần giảm giá, mặt hàng dầu hỏa có 11 lần tăng và 11 lần giảm giá, và mặt hàng dầu mazut có 15 lần tăng và 7 lần giảm giá.

Giá bán các mặt hàng xăng dầu (theo kỳ điều hành ngày 23/5/2024): xăng E5RON92 không cao hơn 22.277 đồng/lít, xăng RON95-III không cao hơn 23.213 đồng/lít, dầu diesel 0,05S không cao hơn 19.837 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 19.902 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3,5S không cao hơn 17.513 đồng/kg.

So với cùng thời điểm năm 2023 (kỳ điều hành ngày 22/5/2023), giá bán trên thị trường (ngày 23/5/2024) của mặt hàng xăng E5RON92 tăng 1.789 đồng/lít, tương đương tăng 8,73%; mặt hàng xăng RON95-III tăng 1.714 đồng/lít, tương đương tăng 7,97%; mặt hàng dầu diesel 0,05S tăng 1.883 đồng/lít, tương đương tăng 10,49%; mặt hàng dầu hỏa tăng 1.933 đồng/lít, tương đương tăng 10,76%, mặt hàng dầu mazut 180CST 3,5S tăng 2.355 đồng/kg, tương đương tăng 15,54%.

Đảm bảo cung ứng đủ điện và xăng dầu trong 2 quý đầu năm và các tháng tới
Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2024, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 22 kỳ điều chỉnh giá

Về công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu và Quỹ bình ổn giá, thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tính toán, xác định, điều hành giá.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, cùng với các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời, đã tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa.

Trong 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 23/5/2024), giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 21 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng RON95 có 12 lần tăng và 9 lần giảm, mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa có 10 lần tăng và 11 lần giảm. Với việc thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh cơ bản không lớn, giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát diễn biến giá thế giới, các doanh nghiệp đã chủ động tính toán được mức giá, lên kế hoạch nhập hàng theo phân giao tổng nguồn tối thiểu năm 2024 của Bộ Công Thương và kế hoạch đăng ký theo từng Quý, nguồn cung xăng dầu cơ bản được đảm bảo.

Do đó tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn, rất ít khi phải dùng đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu. Để đảm bảo ổn định giá xăng dầu thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định. Đối với Quỹ Bình ổn, Bộ sẽ theo dõi, đánh giá và kiến nghị việc tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn hay không giữ Quỹ Bình ổn theo quy định của Luật Giá mới (2023) tại Tờ trình và Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2024.

Bảo đảm nguồn cung mặt hàng xăng dầu

Năm 2024, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCT ngày 02/1/2024 triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các các thương nhân kinh doanh xăng dầu: (i) Thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-BCT của Bộ Công Thương; (ii) Thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất đã đăng ký, chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu phù hợp, bảo đảm cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo sản lượng, thời gian; (iii) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quý đã đăng ký, chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục, nhất là các dịp cao điểm, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối hợp lý nhằm đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng nguồn cung xăng dầu từ 2 nguồn nhập khẩu và sản xuất 4 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 7,888 triệu tấn (tương đương khoảng 9,938 triệu m3/tấn xăng dầu các loại); nhập khẩu chiếm 43,73%, sản xuất trong nước chiếm 56,27%. Trong 4 tháng đầu năm, lượng xăng dầu các thương nhân, nhập khẩu và mua trong nước đạt khoảng 9,2 triệu m3/tấn, đạt 32,35% tổng nguồn tối thiểu phân giao năm 2024; Tiêu thụ xăng dầu các loại 4T/2024 đạt khoảng 8,3 triệu m3/tấn. Tồn kho, ước khoảng 1,8-1,9 triệu tấn/m3 xăng dầu các loại, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Về nguồn cung xăng dầu quý II/2024, tổng nguồn cung xăng dầu từ 2 nguồn sản xuất và nhập khẩu quý II/2024 ước khoảng 7,1 triệu tấn, tương đương khoảng 8,875 triệu m3/tấn xăng dầu các loại (trong đó: Petrolimex và PVOIL ước khoảng 4,035 triệu m3/tấn). Theo báo cáo tổng hợp từ các thương nhân, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước ước thực hiện quý II/2024 khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ước tiêu thụ Quý II năm 2024 khoảng 6,3 triệu m3/tấn (bình quân khoảng 2,1 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho xăng dầu khoảng 1,7-1,8 triệu m3/tấn.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, quý II/2024, nguồn cung về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới; bám sát tình hình sản xuất của hai nhà máy, tình hình nhập khẩu xăng dầu của các thương nhân và tình hình tiêu thụ xăng dầu trong nước để có giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới./.