Hứa hẹn nhiều chuyển biến cho sản xuất, kinh doanh của Việt Nam

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, VIFTA có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, đây là quốc gia có trình độ công nghệ rất phát triển bao gồm: công nghệ sản xuất, chế biến công nghiệp; công nghệ mới; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ nông sản xuất nông nghiệp… Họ cũng là quốc gia đang cần rất nhiều các sản phẩm làm nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh cũng như lương thực phẩm, thực phẩm.

Đánh giá cao việc ký kết VIFTA, chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp tối ưu hóa cơ hội hợp tác
Việc ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel

Trong khi đó Việt Nam là nước sản xuất chính các sản phẩm nông nghiệp. Việc ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Việt Nam và Israel có nền kinh tế bổ sung cho nhau. VIFTA là một bước đi chiến lược của cả hai quốc gia, hứa hẹn sẽ thúc đẩy thương mại song phương và thắt chặt quan hệ kinh tế, cung cấp cho các doanh nghiệp ở cả hai quốc gia khả năng tiếp cận tốt hơn với thị trường của nhau và hơn thế nữa, tạo ra lợi ích đôi bên cùng có lợi. Trong đó, về phía Việt Nam, Hiệp định VIFTA hứa hẹn mang lại nhiều chuyển biến cho cả ngành sản xuất cũng như kinh doanh của Việt Nam.

“Tuy nhiên, việc ký kết mới chỉ là bước đầu. Để tận dụng tối đa các cơ hội từ FTA này mang lại còn rất nhiều việc phải làm. Về phía cơ quan chức năng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiệp định VIFTA một cách sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội, tổ chức sản xuất kinh doanh, các hiệp hội để từ đó, các hiệp hội, ngành nghề, địa phương có thể xem xét về những lợi thế, khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan… từ FTA mang lại.

Bên cạnh đó, về phía các doanh nghiệp có thể nhìn thấy cơ hội liên kết, xuất khẩu sang thị trường Israel. Bởi lẽ, mặc dù công nghiệp chế biến, chế tạo của họ rất cao, nhưng họ đang bị giới hạn bởi đặc tính riêng của một quốc gia xa mạc, do đó, họ cần nhiều các sản phẩm nhiệt đới trong đó có Việt Nam”, ông Thịnh nhận xét.

Đánh giá cao việc ký kết VIFTA, chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp tối ưu hóa cơ hội hợp tác
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Vị chuyên gia lưu ý các doanh nghiệp cần đi sâu tìm hiểu và xem xét khả năng hợp tác và tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh là những gì để từ đó có những lộ trình cho từng doanh nghiệp, ngành nghề, mặt hàng. Trên cơ sở đó, phát huy được ưu điểm, tận dụng được các mặt mạnh và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của chúng ta trong thời gian vừa qua còn nhiều khó khăn.

“Thực tế, việc tận dụng các ưu đãi từ các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất ít, chỉ đâu đó khoảng 30%. Đây là sự lãng phí. Do đó, Bộ Công Thương cùng với vai trò của các Thương vụ, các Đại sứ quán cần phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp,… đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tận dụng tối đa các lợi thế từ các FTA nói chung và Hiệp định VIFTA nói riêng”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Đảm bảo thanh toán an toàn, quay vòng vốn nhanh

Còn theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, với đánh giá của Bộ Công Thương về thị trường Israel không đông dân, nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng rất lớn, một năm vào khoảng 25 tỷ USD, thì việc ký kết Hiệp định là tiềm năng rất lớn bởi nhiều mặt hàng Israel có nhu cầu thì Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy hải sản…

“Đối với quan hệ buôn bán của Việt Nam và Israel, các đối tác của ta từ trước đến nay thường là sòng phẳng, làm ăn nghiêm túc. Ngoài ra, hai nước có thể hỗ trợ nhau vấn đề hàng hóa, đầu tư công nghệ cao – đây là những lĩnh vực mà Israel rất có thế mạnh. Đây là điều kiện để ta bổ sung năng lực sản xuất trong nước. Đặc biệt, tiềm năng xuất nhập khẩu của Việt Nam - Israel còn rất lớn. Hiện xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD và ta đang nhập siêu. Cho nên FTA Việt Nam - Israel là cơ hội để gia tăng kim ngạch thương mại và cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên.

Đánh giá cao việc ký kết VIFTA, chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp tối ưu hóa cơ hội hợp tác
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

"Tôi cho rằng các doanh nghiệp, dưới sự giúp đỡ của Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel phải tìm hiểu thật kỹ về thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, Israel có một đặc điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý là có nhu cầu nhập các mặt hàng có thể đưa vào bếp ngay cho các bà nội trợ, tức là hàng hóa chế biến sâu. Bên cạnh đó, thị trường này cũng đòi hỏi các mặt hàng phải có thương hiệu, có chất lượng. Đây là điều mà doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tiếp cận dần để có thể làm quen và chiếm lĩnh thị trường”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, đối với một thị trường xa như Israel, vấn đề thanh toán đòi hỏi các ngân hàng và cơ quan chức năng hai bên phải có sự vào cuộc để đảm bảo thanh toán an toàn, quay vòng vốn nhanh, giúp xuất nhập khẩu tăng lên. Dự kiến 5 năm tới, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước có thể tăng lên và đạt từ 4-6 tỷ USD.

Cuối cùng là sự tín nhiệm về làm ăn, đây là điều quan trọng với bất cứ đối tác nào. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Israel ký FTA với đối tác ở ASEAN nên doanh nghiệp càng phải giữ chữ tín làm ăn ngay từ đầu. Chất lượng hàng hóa, thanh toán, giao nhận, giao ước trong hợp đồng cũng rất quan trọng.

“Qua FTA này, ta vui mừng phấn khởi bao nhiêu thì càng phải chuẩn bị tốt bấy nhiêu. Vì bất cứ FTA nào cũng có những thách thức đòi hỏi ta phải vượt qua. Trong bối cảnh thương mại ngày càng được mở rộng, rủi ro trong giao thương là điều không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài phải hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp để tìm kiếm các đối tác có uy tín. Khi đã ký kết FTA rồi, thì việc hỗ trợ này càng phải được thực hiện tốt hơn. Những sự việc rủi ro như trên là không ai muốn và cũng không thể tránh được hoàn toàn. Cho nên việc phối hợp để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong quan hệ thương mại là rất quan trọng”, ông Vũ Vinh Phú khuyến nghị.

Ông Phú cũng nhấn mạnh Israel là nước có công nghệ cao, vậy thì ta càng phải phối hợp tốt hơn với họ ở bước đầu tiên là ứng dụng công nghệ cao vào giao thương hàng hóa, để theo dõi đường đi của hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, ký kết hợp đồng chặt chẽ, có nguyên tắc trên cơ sở pháp luật, trên cơ sở hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng qua đã giảm 12%, do đó mở thêm thị trường ngách, thị trường mới là rất quan trọng. Do đó, nếu chúng ta ký kết nhanh và triển khai thực hiện nhanh thì sẽ đem lại triển vọng xuất nhập khẩu rất lớn cho thời điểm quý 4 và những năm tiếp theo.

“Cũng phải khẳng định lại là Israel là thị trường không lớn, song ông bà ta có câu ‘năng nhặt chặt bị’. Do đó, bên cạnh củng cố thị trường cũ, việc mở thêm các thị trường mới sẽ góp phần quan trọng cho việc tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Được biết, không chỉ Israel mà hiện nay Việt Nam đang trong quá trình đàm phán 2 hiệp định thương mại tự do song phương và 1 hiệp định đa phương. Tôi tin rằng Bộ Công Thương và các cơ quan tham mưu sẽ làm tốt vấn đề này để mở thêm thị trường cho hàng hóa Việt, đảm bảo mục tiêu xuất nhập khẩu hàng hóa đã đề ra từ đầu năm. Thêm nữa, tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư là 3 yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng. Do đó tôi tin rằng việc mở rộng thị trường sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đóng góp lớn vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước thời gian tới”, ông Phú nhấn mạnh.

VIFTA mở thêm “cánh cửa” cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam

Đánh giá cao việc Bộ Công Thương chủ động để ký kết VIFTA là nỗ lực rất đáng ghi nhận, PGS TS. Ngô Trí Long cho rằng, việc hai nước ký kết được VIFTA càng làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. “VIFTA được đàm phán trong 7 năm, qua 12 lần trao đổi và đã kết thúc đàm phán vào đầu tháng 4 năm nay. Đáng chú ý, việc ký kết VIFTA diễn ra chỉ 3 tháng sau khi tuyên bố kết thúc đàm phán đã thể hiện rõ vai trò tích cực của Bộ Công Thương. Israel và Việt Nam đã có quan hệ thương mại từ năm 1994. Qua quá trình đó mối quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Thông tin cho thấy, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Israel đang đứng thứ 5, về xuất nhập khẩu đứng thứ 3, sau UAE và sau Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là nỗ lực của Bộ Công Thương, nhằm tạo cơ hội để nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế trong sự hội nhập kinh tế quốc tế. Với FTA thứ 18 này của Việt Nam, tổng số 18 FTA đã được ký kết đến nay đã mở ra nhiều động lực mới cho nền kinh tế phát triển.”, ông Long nhận định.

Mặc dù vậy, ông Long cũng lưu ý mỗi FTA luôn đi kèm giữa cơ hội và thách thức. “Với VIFTA, chúng ta phải xem xét tiềm năng của Israel như thế nào để nhận biết cơ hội. Tôi được biết, Israel là một đất nước nhỏ nhưng lại có một nền kinh tế và hoạt động ngoại thương rất mạnh. Dân số Israel chỉ bằng 1/10 của nước ta, có nghĩa vào khoảng gần 10 triệu dân, nhưng thu nhập bình quân đầu người của họ lại rất cao, vào khoảng 55 nghìn USD/năm.

Đánh giá cao việc ký kết VIFTA, chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp tối ưu hóa cơ hội hợp tác
PGS TS. Ngô Trí Long

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại của Israel bình quân hàng năm khoảng trên 173 tỷ USD, trong đó nhập siêu là chủ yếu. Mặt khác, ta thấy được, Israel là một đất nước diện tích có đến 70% là sa mạc nên nguồn tài nguyên rất khan hiếm. Tuy nhiên, người dân Israel có một trí tuệ cao. Bằng chứng là có rất nhiều giải Nobel trên thế giới thuộc về các nhà khoa học đến từ Israel. Hay con số những người thành công tại Mỹ thì có đến 20% là người Israel. Vậy, với đất nước tuy là nhỏ bé nhưng có một tiềm năng về mặt kinh tế rất mạnh, với tiềm năng này khi ký kết FTA với Israel chúng ta sẽ cần tận dụng cơ hội đó.

Cũng chính vì điều kiện thiên nhiên của Israel rất khó khăn, cho nên hoạt động thương mại của họ chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng. Theo số liệu được công bố, hằng năm, Israel có kim ngạch nhập khẩu khoảng 35 tỷ USD đối với mặt hàng tiêu dùng. Trong khi đó, ngành hàng này lại là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng cần tạo ra những điều kiện để có thể tận dụng thế mạnh tri thức của họ, hay những kỹ thuật công nghệ cao mà Việt Nam có nhu cầu. Đây có thể coi là cơ hội chúng ta vừa xuất khẩu và vừa nhập khẩu”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Theo ông Long, hiện nay hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đang có xu hướng tăng. Nếu như năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu là gần 2 tỷ USD, đến năm 2021 tăng lên 2,3 tỷ USD, thì năm 2022 đã lên đến 2,6 tỷ USD và xu hướng trong năm nay sẽ tăng nữa. “Theo tình hình quan hệ thương mại từ hai chiều, tôi đánh giá điều này có lợi cho hoạt động kinh tế của Việt Nam. Cơ hội lớn cho Việt Nam không chỉ về hoạt động thương mại và cả hoạt động đầu tư. Hiện ta thấy, Israel nhập siêu nhiều hơn là chúng ta xuất siêu. Trong khi đó, lợi thế của FTA đó là thuế quan giảm theo từng giai đoạn nên có lợi thế rất lớn về hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện có khoảng 70 mặt hàng mà Việt Nam có thể xuất khẩu được sang Israel. Đây là lợi thế, cơ hội rất lớn”, ông Long khẳng định.

Bên cạnh những cơ hội, vị chuyên gia này cũng cho rằng, hội nhập chính là sự cạnh tranh, nhưng cạnh tranh trong bối cảnh năng lực của Việt Nam còn hạn chế, vì vậy, phải tìm những mặt hàng có lợi thế để tiếp cận và xuất khẩu. VIFTA là cơ hội rất lớn, mở ra "cánh cửa" cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt nếu doanh nghiệp Việt biết tận dụng thế mạnh, sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam trong hoạt động kinh tế quốc tế.

Mỗi một FTA sẽ đem lại những cơ hội và thách thức khác nhau. Với VIFTA, thách thức ở đây là về năng lực cạnh tranh. Trong quá trình đàm phán, ký kết, Bộ Công Thương là đơn vị thay mặt cơ quan Nhà nước đã tìm ra được những thế mạnh, lợi thế của Việt Nam để ký kết. Trong đó, có những điều thực hiện ngay, có những điều thực hiện theo lộ trình. Do đó, ông Long khuyến nghị để tận dụng VIFTA một cách có hiệu quả doanh nghiệp Việt cần lưu ý một số vấn đề:

Thứ nhất, doanh nghiệp phải chủ động trong vấn đề tìm hiểu những cơ chế, chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt hoạt động phải chuyên nghiệp hơn. Bởi, Israel là một đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, có điều kiện tốt, nếu chúng ta không chuyên nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu thì sẽ khó tiếp cận với họ. Hơn hết, khoa học kỹ thuật của Israel rất phát triển, cho nên những mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam xuất khẩu sang phải chú ý nâng cao chất lượng, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động trong những vấn đề này. “Lời khuyên để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội VIFTA một cách có hiệu quả sẽ có hai vấn đề quan trọng. Một là doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận thị trường và hai là phải có tính chuyên nghiệp trong xuất nhập khẩu”, vị chuyên gia gợi mở./.

Hiệp định VIFTA được khởi động đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Việc VIFTA được ký kết có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.

Hiệp định gồm 15 Chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý – thể chế. Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hoá tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế. Hai bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.