Đảo đảm môi trường tại hai nhà máy Alumin Tây Nguyên
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh điều này khi đi kiểm tra, làm việc với 2 nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng) trong hai ngày 12-13/1.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra, làm việc với 2 nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng)
Tân Rai dự kiến bắt đầu có lãi ngay từ năm 2017
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), dự án Tân Rai đã đi vào vận hành, sản xuất thương mại từ tháng 10/2013. Dự kiến theo phương án đầu tư, Dự án Tân Rai sẽ lỗ kế hoạch trong 4 năm đầu đi vào sản xuất, kinh doanh.
Đó là chưa kể từ ngày 1/1/2016, đã phát sinh thêm thuế xuất khẩu alumin 2%, giá tính thuế tài nguyên bauxit của tỉnh Lâm Đồng tăng từ 140.000 đồng/tấn lên 170.300 đồng/tấn quặng nguyên khai, nên đã làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.
Mặc dù vậy, bằng những nỗ lực của Vinacomin trong việc áp dụng các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng và quản trị chi phí đã giảm giá thành sản phẩm alumin từ 5,183 triệu đồng/tấn năm 2014 xuống còn 4,666 triệu đồng/tấn năm 2015 và xuống còn 4,107 triệu đồng/tấn năm 2016 (giá thành phân xưởng).
Với giá xuất khẩu alumin của thị trường hiện nay trên 300 USD/tấn alumin, Dự án bắt đầu tự cân bằng thu chi, thời gian lỗ kế hoạch của Dự án Tân Rai dự kiến sẽ không bị tăng và bắt đầu có lãi ngay từ năm 2017.
Tại Dự án Tân Rai, giá trị thực hiện là 15.218 tỷ đồng, không vượt tổng mức đầu tư dự án đã duyệt (15.414 tỷ đồng). Hiện công trình đã nghiệm thu quyết toán và giải ngân đạt khoảng 12.683 tỷ đồng.
Dự án cũng đã nộp ngân sách trung ương và địa phương là 1.875 tỷ đồng (trong quá trình đầu tư xây dựng là 850 tỷ đồng và từ năm 2013 đến nay là 1.025 tỷ đồng).
Tại Dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), cho đến nay cũng đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng.
Dự án Nhà máy Alumin Tân Rai và Nhân Cơ có cùng công suất 650.000 tấn alumin/năm. Nhà máy Tân Rai đã hoàn thành và đi vào sản xuất ổn định từ tháng 10/2013. Năm 2016 đạt công suất 600.000 tấn và năm 2017 đạt công suất thiết kế 650.000 tấn/năm.
Chất lượng quặng nguyên khai, quặng tinh và alumin đã đạt và vượt theo thiết kế và tiêu thụ tốt trên thị trường.
Hiện sản phẩm alumin/hydrat đã được bán đến các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng sang các khu vực tại thị trường Trung Đông, Malaysia...
Từ ngày 30/9/2016, Nhà máy đã được đưa vào chạy thử có tải đồng bộ và ngày 16/12/2016 đã ra sản phẩm alumin đầu tiên. Tính đến ngày 31/12/2016 đã sản xuất được 45.711 tấn hydrat và 6.154 tấn alumin.
Cần lưu ý đến vấn đề đảm bảo môi trường
Tại đây, Phó Thủ tướng khẳng định, việc triển khai thực hiện 2 dự án Alumin cũng đã giúp giải quyết nhiều việc làm, tạo ra chuyển dịch kinh tế, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên vốn đặc biệt khó khăn.
Qua thực tế kiểm tra tại nhà máy, việc hoàn nguyên sau khai thác được thực hiện đúng quy định; các chỉ số môi trường được quan trắc chặt chẽ, các hồ chứa bùn đỏ bảo đảm an toàn tuyệt đối.
“Đây là bài học cho tất cả các cơ sở cộng nghiệp khác khi đầu tư xây dựng phải đặt vấn đề bảo đảm môi trường lên hàng đầu”, Phó Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần tiếp tục rà soát lại dự án, kể cả dự án đang hoạt động hay đang chạy thử để tối ưu hoá, đặc biệt là khắc phục những nhân tố làm mất an toàn, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Khắc phục thất thoát lãng phí trong khai thác tài nguyên, nâng cao hiệu quả thu gom khoáng sản, hạn chế thất thoát trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, khai thác, chi phí, nguyên nhiên vật liệu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc bảo đảm môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, không thể chủ quan.
“Phải kiểm soát chặt chẽ chất thải, lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc, hoàn nguyên các khu vực khai thác, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Khi 2 nhà máy đi vào hoạt động ổn định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện 2 dự án. Nghiên cứu quy hoạch khu vực phát triển tổ hợp quy hoạch nhôm, trên cơ sở đó mở rộng tổ hợp, trong đó có nhiều dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm thứ cấp liên quan đến ngành nhôm để thực hiện các ngành công nghiệp khác, làm nền tảng phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Để bảo đảm phát triển bền vững, Phó Thủ tướng yêu cầu TKV và 2 nhà máy phối hợp tốt với địa phương để hỗ trợ đời sống, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Cùng với đó phải chăm lo đời sống cho người lao động, nâng cao thu nhập, phát triển nhà ở cho công nhân.
“Phải tạo ra mô hình chuẩn về chăm lo đời sống cho người lao động để người lao động yên tâm gắn bó với nhà máy. Trước mắt, phải tập trung chăm lo Tết cho công nhân, đồng bào khu vực dự án. Không để gia đình nào không có Tết”, Phó Thủ tướng yêu cầu./.
Bình luận