Tác động của giá xăng dầu lên nền kinh tế

Giá xăng dầu trong nước từ đầu năm 2022 đến nay đã tăng liên tiếp 7 lần với tổng cộng khoảng 6.500 đồng/lít, đặc biệt mới đây đã tăng tới gần 3.000 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 11/3. Tuy vậy, khi giá dầu thế giới có biến động sụt giảm, giá xăng trong nước giảm nhẹ hơn 600 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 21/3.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu trong nước tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào yếu tố diễn biến giá thế giới, cùng đó là cách thức trích lập, chi quỹ bình ổn. Trong thời gian điều hành giá xăng dầu vừa qua, giá xăng dầu thế giới có lúc giảm về gần 100 USD/thùng, nhưng sau đó đã bật tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng.

Hệ quả tất yếu của giá xăng dầu tăng cao là mặt hàng nào cũng đã tăng giá. Cuộc sống của người dân đã khó khăn vì dịch bệnh, nay lại càng khó khăn hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1,42% so tháng 2/2021; bình quân hai tháng đầu năm, CPI tăng 1,68% so cùng kỳ năm 2021; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Nhóm giao thông tăng cao nhất với 15,46%, làm CPI chung tăng 1,49 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 47,07%.

Trong thông cáo báo chí phát đi vào ngày 3/3, Bộ Tài chính cũng nhận định, mặt bằng giá cả thị trường trong hai tháng đầu năm 2022 biến động tăng, trong đó ngoài những tác động theo quy luật hằng năm do trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới, trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas. Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có mức tác động lớn nhất đến CPI hai tháng đầu năm. Căn cứ diễn biến giá cả thị trường hai tháng đầu năm và các dự báo cho năm 2022 cho thấy vẫn có nhiều rủi ro cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022.

Để bình ổn thị trường xăng dầu
Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân

Phân tích về nguyên nhân giá xăng tăng và tác động lên nền kinh tế, theo PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, giá xăng tăng do nguồn cung từ Nga bị gián đoạn cục bộ do các lệnh cấm vận Nga từ cuộc chiến với Ukraine, như cầu xăng dầu tăng nhanh do nhu cầu phục hồi kinh tế từ bình thường mới. Cũng không loại trừ yếu tố đầu cơ, găm hàng chờ lên giá và yếu tố tâm lý.

“Việc tăng giá này chỉ mang tính cục bộ vì năm trước có thời điểm xăng dầu rơi giá tự do và không loại trừ đến thời điểm hết ngưỡng tăng, xăng dầu lại rớt giá. Việc tăng giá chóng mặt xăng dầu cùng với nhiều mặt hàng khác như phân bón, sắt thép cùng với nhiều nguồn cung nhập khẩu thiếu hụt từ Nga chưa thể có nguồn thay thế ngắn hạn đẩy giá tăng lên. Giá xăng dầu tăng vừa do hụt cung vừa do tăng cầu cùng tâm lý, đầu cơ cộng hưởng nên bùng lên ngoài dự đoán từ đầu năm”, vị chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

Ông Nguyễn Thường Lạng cũng phân tích, việc tăng giá xăng, dầu ở mức cao như hiện nay có tác động đến tăng cước phí vận tải, chi phí tiêu dùng, logistics, do đó có nguy cơ làm tăng CPI mặc dù CPI chịu tác động từ các mặt hàng khác, như: lương thực, thực phẩm, điện năng...

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên Vietnamplus, TS. Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Những giải pháp điều hành của cơ quan quản lý nhà nước trước biến động giá xăng dầu

Trước tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với mặt hàng này, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai 04 nhóm giải pháp gồm: (1) Công tác tạo nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu kịp thời cho thị trường khi các yếu tố về nguồn từ trong nước và thế giới có diễn biến bất lợi (tăng công suất của nhà máy lọc dầu Bình Sơn; khắc phục sự cố của Nghi Sơn; tăng nhập khẩu để bù đắp nguồn thiếu hụt từ Nghi Sơn thậm chí tính tới kịch bản Nghi Sơn ngừng hoạt động); (2) Công tác điều tiết cung cầu (chỉ đạo bổ sung nguồn hàng thiếu hụt cho các địa phương, cửa hàng thiếu hàng cục bộ); (3) Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nếu vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu đặc biệt là hành vi “găm hàng, chờ tăng giá”; (4) Công tác điều hành giá theo hướng bám sát giá thế giới, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn hàng và duy trì bán hàng liên tục trong hệ thống.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã khẳng định tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 16/3/2022 vừa qua, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong 2 tháng đầu năm luôn được bảo đảm. Trong tháng 3, với lượng cung ứng xăng dầu dự kiến khoảng 3 triệu m3 (gồm tồn kho từ tháng trước chuyển sang là 1,2 triệu m3; sản xuất trong nước là 1,2 triệu m3 và nhập khẩu khoảng 600 nghìn m3) hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu (khoảng 1,8 triệu m3/tháng) và cho phép tồn kho gối đầu sang tháng 4.

Từ đầu năm đến nay, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 – 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Trước đó, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg về bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Ngày 23/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Công văn số 1808/VPCP-KTTH yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành giá xăng dầu; bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, góp phần cân đối cung cầu phục vụ thị trường trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ trong thời gian vừa qua; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Gần đây nhất, trước diễn biến tăng mạnh của giá xăng, dầu, chiều ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn, theo đó, từ ngày 1/4 đến hết năm 2022, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là: Xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít. Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Cần đảm bảo thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh

Hiện nay, xăng dầu đang “cõng” đến 4 loại thuế, phí: thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.

Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cũng như nhiều doanh nghiệp mong muốn Nhà nước xem xét giảm cả bốn loại thuế phí này để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Theo nhiều chuyên gia, cần phải tính toán dài hơi hơn khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn, lên mức 130, thậm chí 150 USD/thùng, khi đó, cần tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như: thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng hay đa dạng hóa nguồn cung. Đó cũng là cách bình ổn thị trường, để phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong giai đoạn khó khăn này.

Cụ thể: theo PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng, trước biến động của giá xăng dầu tăng cao, cần có biện pháp về giảm thuế, phí, mở kho dự trữ, tăng công suất nhà máy lọc dầu và tăng cường khả năng chuyển đổi năng lượng, sử dung ô tô, xe máy, xe đạp điện, giảm thiểu đi lại để tiết giảm chi phí, tăng làm việc onlne…

Đồng thời, cần tìm nguồn cung khác, thậm chí từ Nga thông qua bên thứ 3 để tránh lệnh trừng phạt. Các giải pháp đó sẽ làm dịu căng thẳng nhất là tác động tâm lý “té nước theo mưa” và đầu cơ.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để bình ổn thị trường xăng dầu nội địa, giải pháp cần làm đó là đảm bảo cho thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh. Khi giá xăng dầu thực sự tuân theo diễn biến thị trường, trở nên minh bạch và dễ dự báo hơn, tạo sự đồng thuận và hiệu quả xã hội cao hơn thì việc giá lên hay xuống không cần phải can thiệp nhiều.

Một trong những nguyên tắc cơ bản trong cạnh tranh là phải đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng về giá. Nghịch lý cho thấy, mặc dù giá vốn của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu khác nhau; điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện kinh doanh; lãi, lỗ của các doanh nghiệp cũng khác nhau, nhưng trên thực tế, hệ thống phân phối bán lẻ của nước ta vẫn là hệ thống cửa hàng “một giá”.

TS. Phong cũng đánh giá, với mức giảm thuế bảo vệ môi trường là 2.000 đồng/lít xăng như hiện nay thì giá xăng vẫn cao, bởi vì giá xăng dầu sẽ còn biến động. Nên về lâu dài, “phải để cho thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh, tức là phải có lên có xuống theo diễn biến của thị trường”./.