Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cũng phải “nâng chuẩn”!
Nhận định này được ông Phan Đức Hiếu đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp 2018: Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi, do Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 07/12/2017.
60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi
Đánh giá về sự phát triển của khối tư nhân nói riêng, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, dưới sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, hội nhập của Việt Nam trong nền kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã ngày càng phát triển với gần 620 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tỷ trọng trong GDP khoảng 40% và khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển. Khu vực này cũng đang thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm...
Tuy nhiên, theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính ngân hàng, thì sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa tương xứng.
TS. Ánh cho biết, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ kinh doanh; trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp.
Cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động, giải thể và phá sản.
“Đóng góp của khối là trên 40% GDP, nhưng có đến 35% GDP trong đó là hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh và hộ làm nông nghiệp, hơn 600 nghìn doanh nghiệp còn lại chỉ đóng góp khoảng 6%-7% GDP, đây là chưa tương xứng”, ông Ánh nhấn mạnh.
Các đại biểu tại Diễn đàn |
Cũng đưa ra số liệu về sự yếu kém của khối doanh nghiệp hiện nay, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dù hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 600 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng trên 60% doanh nghiệp vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên (11 tháng năm 2017 có 116 ngàn doanh nghiệp thành lập mới), nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng chưa giảm như kỳ vọng…
“Hiện nay cứ 3 doanh nghiệp mới, thì lại có 2 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động. Điều này cho thấy, sức sống của khối doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đang rất yếu kém”, ông Phòng nhấn mạnh.
Vì sao nên nỗi?
Nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả được ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chăn nuôi Chế biến và XNK (APROCIMEX) đưa ra tại hội thảo, đó là do doanh nghiệp gặp quá nhiều rào cản.
Ông Lý cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do chính sách. “Rủi ro chính sách, nhất là rủi ro tài chính hiện còn lớn hơn cả rủi ro về thời tiết, làm cho doanh nghiệp trở tay không kịp”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Tiếp đó là khó khăn về nguồn vốn. “Vốn đâu ra để thực hiện ý tưởng trong nền kinh tế không có tích luỹ tư bản chủ nghĩa, doanh nghiệp tư nhân đi lên từ hai bàn tay trắng?”, ông Đoàn đặt câu hỏi.
Cuối cùng là về vấn đề thị trường, ông Đoàn cho biết, trong khi thế giới là thị trường mở, thì thị trường của Việt Nam còn tủn mủn, việc xúc tiến, hỗ trợ phát triển thị trường được giao cho Bộ Công Thương chưa ổn, thậm chí chưa có những sản phẩm mũi nhọn cho từng thị trường mũi nhọn…
Cũng ở góc độ doanh nghiệp, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Hóa chất nông nghiệp TP. Hà Nội thì cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp nằm ở việc xin giấy phép kinh doanh và chưa được tạo điều kiện để có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Thắng chia sẻ rằng: "Thời gian vừa qua, công ty tôi tập trung ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Để triển khai việc này, chúng tôi đã chịu rất nhiều rủi ro về thời gian, chi phí và con người. Tuy nhiên, tất cả những điều đó khi triển khai thực tế thì “về mo” hết, bởi khi vào thực tế chúng tôi gặp khó khăn trong cấp giấy phép kinh doanh và không có thị trường để tiêu thụ…Điều này đã làm thui chột rất nhiều các nhà khoa học và nói thật chúng tôi không dám làm nữa!".
Còn ở góc độ chuyên gia, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại cho rằng, hiện nay mọi người đang lầm tưởng việc phát triển kinh tế tư nhân là vai trò của Chính phủ, mà quên đi nhiệm vụ của doanh nghiệp là cũng phải cố gắng để phát triển.
Ông Hiếu cho biết, hiện nay, nội tại của doanh nghiệp cũng có nhiều vấn đề mà bản thân doanh nghiệp phải tự hoàn thiện, như: kỹ năng quản trị (quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam đang ở mức rất thấp”; về định hướng khách hàng (Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 113/128 quốc gia); khả năng hấp thụ công nghệ (đang xếp thứ 93/128 quốc gia); Phát minh sáng chế (xếp thứ 91/128 quốc gia).
Trước thực trạng này, ông Hiếp cho rằng, nếu doanh nghiệp còn tư tưởng đứng chờ Chính phủ, thì không thể nào phát triển được.
Cần phải làm gì?
Để tháo gỡ các khó khăn trên, ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen cho rằng rất cần sự quan tâm tháo gỡ từ Quốc hội, Chính phủ, như: sửa đổi bổ sung bộ Luật Đất đai thuận lợi trong việc sở hữu và đền bù giải tỏa mặt bằng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các luật thuế có liên quan đến doanh nghiệp tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Đồng thời, tiếp tục ban hành các nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nghị quyết về giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển … tạo mạnh mẽ để Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế phù hợp để định hướng kinh doanh của doanh nghiệp và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước quan tâm khuyến khích động viên và tôn vinh khen thưởng những doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích phát triển kinh tế làm giàu cho đất nước.
“Đồng thời cắt giảm mạnh mẽ thủ tục rườm rà và chi phí không cần thiết tạo niềm tin tưởng cho doanh nghiệp phát triển bền vững bước tiếp những bước tiếp theo”, ông Vẻ nhấn mạnh.
Còn ông Phan Đức Hiếu thì cho rằng, chỉ mình Chính phủ cải cách thôi thì chưa đủ, doanh nghiệp cũng cần cải cách, để không bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.
Do vậy, theo ông Hiếu, doanh nghiệp tư nhân cần phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình, bằng cách tự đổi mới, chủ động sáng tạo, chớp cơ hội từ tái cơ cấu nền kinh tế.
"Ngay từ bây giờ nếu là doanh nghiệp phải quên đi thói quen kinh doanh cảm tính. Để cạnh tranh không thể có cách nào khác phải nâng cao năng lực của mình bằng hoặc hơn đối thủ. Đây là điều mà các doanh nghiệp tư nhân phải làm để tồn tại", ông Hiếu nhấn mạnh.
Còn theo TS. Ánh, đa dạng hóa nguồn lực tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng để kinh tế tư nhân “thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục phát triển thị trường tài chính của Việt Nam, như: thị trường tài chính tiền tệ, định chế tài chính mới, tín dụng ngân hàng và bảo hiểm….
Đối với doanh nghiệp, ông Ánh đưa ra lời khuyên, đó là cần mở rộng các nguồn vốn ngoài nguồn vốn của ngân hàng, như: vốn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu Chính phủ...
Còn theo Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, thể chế là một vấn đề quan trọng. Chính vì vậy, trước khi các doanh nghiệp dự định sáng tạo hoặc đưa ra một ý tưởng gì thì hãy tìm hiểu những điều kiện về thị trường, tài chính, thể chế về vấn đề đó và xem có gặp trường hợp gì khó khăn hay không rồi hãy thực hiện.
Trước bối cảnh thế giới hội nhập kinh tế sâu rộng, ông Bùi Ngọc Sơn cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nâng chuẩn của mình lên, bởi vì những cam kết cao về sản xuất hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
“Đồng thời, các doanh Việt Nam cần phải tự nâng kỷ luật kinh doanh nhằm tránh bị kiện tụng và/hay bị trừng phạt ở các thị trường quan trọng như Nhật Bản, EU...”, ông Sơn nhấn mạnh./.
Bình luận