Để vận hành tòa án điện tử, phải có 3 yếu tố
“Tòa án nhân dân tối cao nhận thấy việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là vấn đề lớn…”, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, khi giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, theo Văn phòng Quốc hội.
Giải trình về ý kiến cần cần thận trọng, chặt chẽ khi đưa vào dự thảo Nghị quyết những nội dung về phạm vi, điều kiện áp dụng, ông Bình cho biết, ở nhiều tòa án quốc tế đã đưa vào hệ thống hạ tầng pháp lý cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến với nhiều cách thức khác nhau như: ban hành đạo luật về tố tụng hoặc ban hành đạo luật riêng về tố tụng điện tử; giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn…
Theo ông Nguyễn Hoà Bình, việc thực hiện phiên tòa trực tuyến sẽ được triển khai ở các địa phương đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Ảnh: Quốc hội |
Qua tham khảo kinh nghiệm của các tòa án quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa vào dự thảo các quy chế và sự lựa chọn của Tòa án, cụ thể là ban hành một thông tư liên ngành giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng nhằm tạo hạ tầng pháp lý cho việc thực hiện phiên tòa trực tuyến. Tuy dự thảo Thông tư về thực hiện phiên tòa trực tuyến được soạn thảo đến lần thứ 4 nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Việc hoàn thành dự thảo vẫn đang được triển khai kỹ lưỡng, thận trọng…
Về nguồn lực đảm bảo cho thực hiện phiên tòa trực tuyến, ông Bình cho biết, hiện các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã hỗ trợ Tòa án nhân dân tối cao để triển khai hình thức xét xử này. Việc thực hiện phiên tòa trực tuyến sẽ được triển khai ở các địa phương đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương cần được bố trí nguồn lực hợp lý cho việc triển khai phiên tòa trực tuyến, nên cần được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội.
Theo ông Bình, để triển khai phiên tòa trực tuyến phải có 3 yếu tố.
Thứ nhất là phải có hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm: máy móc thiết bị, đường truyền và các phần mềm.
Thứ hai là phải có nhân lực về công nghệ thông tin như: kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin, đội ngũ tòa án và các cơ quan khác sử dụng công nghệ thông tin, cũng như công chúng sử dụng công nghệ thông tin khi có các vụ việc liên quan đến tòa án.
Thứ ba là hạ tầng pháp lý cho việc sử dụng công nghệ thông tin. Về hạ tầng pháp lý thì có thể ban hành một đạo luật riêng và việc xây dựng một đề án này đã được Tòa án nhân dân tối cao hoàn thành với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các bộ, ban, ngành.
Cũng theo ông Bình, Tòa án nhân dân tối cao đã báo cáo với Chính phủ về xây dựng đề án để bố trí nguồn lực cho việc triển khai phiên tòa trực tuyến. Việc xây dựng đề án với mục đích quản trị nội bộ tòa án ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý nhân sự, quản lý hồ sơ vụ án, tài chính, điều hành tòa án, bồi dưỡng và đào tạo nhân sự... Việc xây dựng đề án còn để cung cấp cho nhân dân những tiện ích, dịch vụ công về tư pháp như: công khai bản án, hệ thống pháp luật, giới thiệu án lệ, giải thích pháp luật, trợ giúp pháp lý.../.
Bình luận