Trả lời của Tòa án tối cao chỉ có ý nghĩa tham khảo, chứ không phải định hướng xét xử vụ án
Công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử để nhân dân giám sát
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, đặt câu hỏi chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cho biết, theo Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH15, ngày 27/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có nêu, trong công tác xét xử tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các cái giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án để đảm bảo trong tố tụng, trong xét xử và chấp hành nghiêm thời hạn tố tụng. Vậy Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết là trong thời gian qua đã triển khai những giải pháp đột phá nào để thực hiện tốt các nội dung trên?
Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao |
Trả lời câu hỏi chất vấn trên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án đã triển khai 17 giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử như: thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; tăng cường đảm bảo áp dụng pháp luật trong xét xử; đổi mới các phiên tòa; nâng cao chất lượng bản án; công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử để nhân dân giám sát; tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến kịp thời; tăng cường hòa giải; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng và các cơ quan liên quan để giải quyết vụ án; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó giao chỉ tiêu cho các thẩm phán mỗi năm có ít nhất 1 phiên tòa rút kinh nghiệm để luật sư, viện kiểm sát, điều tra viên cùng tham gia để nhận xét những mặt được, chưa được của các thẩm phán để nâng cao chất lượng xét xử của thẩm phán…
Các cấp xét xử chịu trách nhiệm về việc đưa ra phán quyết của mình
Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định (Hà Giang), cho biết, thời gian qua, nhiều vụ việc, vụ án được Tòa án nhân dân cấp tỉnh chuyển đến Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi quá lâu hoặc không có văn bản trả lời đã gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay mức chi bồi dưỡng phiên tòa cho Hội thẩm nhân dân là 90.000 đồng, như vậy là quá thấp và không còn phù hợp với thực tế. Do đó, đề nghị Toà án nhân dân tối cao cho biết giải pháp để khắc phục hai vấn đề trên?
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc xin ý kiến Tòa án Tối cao chỉ là tham khảo |
Trong phần trả lời của mình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, nguyên tắc hoạt động của Tòa án là độc lập. Các cấp xét xử chịu trách nhiệm về việc đưa ra phán quyết của mình. Trả lời của Tòa án tối cao chỉ có ý nghĩa tham khảo, chứ không phải định hướng xét xử vụ án. Việc tuân thủ thời hạn tố tụng thuộc các hội đồng xét xử.
Về tiền bồi dưỡng cho hội thẩm nhân dân, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là Nghị định của Chính phủ, trong thời gian tới, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có quy định về chi phí tố tụng.
Đặt vấn đề chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cho biết, ngày 25/7/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có Quyết định giám đốc thẩm số 11/2022 đối với vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến, Thanh Bình và Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai. Trong đó có 4 nội dung kiến nghị xem xét hành vi có dấu hiệu tội phạm cụ thể: Hành vi huy động vốn trái quy định của Ngân hàng Nhà nước nếu có căn cứ xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức chính trị, thì các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm vẫn có thể khởi tố; hành vi sử dụng giấy chứng nhận giả để hợp thức hóa các hồ sơ làm giả với đích chiếm đoạt tài sản… Ngày 26/4/2023, cơ quan điều tra đã có văn bản gửi kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao chuyển hồ sơ và kiến nghị đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai hoặc cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp nhận, điều tra các hành vi nêu trên. Ngày 22/6/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh đã có văn bản số 103 kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét các kiến nghị, tuy nhiên đến nay Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa có phản hồi. Sau đó, các kiến nghị tiếp tục được gửi đến Tòa án nhân dân tối cao đề nghị phân công cơ quan điều tra thực hiện các nội dung kiến nghị trong Quyết định giám đốc thẩm… Đại biểu Bùi Xuân Thống và Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, chuyển các kiến nghị này để các cơ quan tiếp tục thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật.
Theo chương trình, sáng nay (ngày 22/8) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội./.
Bình luận