Dịch Covid-19 khiến DN thủy sản sụt giảm từ 35%-50% đơn hàng
Đây là kết quả khảo sát các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) về tác động của dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn hai tuần đầu tháng 3/2020.
Các doanh nghiệp thủy sản sụt giảm từ 35%-50% đơn hàng.
Lượng hàng tồn kho lớn
Theo Vasep, qua khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Tới thời điểm này, đa số các doanh nghiệp đã bị sụt giảm từ 35%-50% đơn hàng (do bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu).
Cụ thể, theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trong tháng 1/2020, gần toàn như toàn bộ hoạt động xuất khẩu cá tra mới bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ tháng 3 này, khu vực ảnh hưởng bắt đầu lan rộng sang khu vực châu Âu, tại một số nước, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch, nhà hàng và khách sạn đều đã đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát. Đơn hàng mới chưa được ký lại, hàng tồn kho lớn.
Đến giữa tháng 3/2020, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại. Cho tới thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp thủy sản đều bị ảnh hưởng sản xuất do thiếu nguyên liệu (ngoại trừ doanh nghiệp cá tra), tuy nhiên, các đơn hàng phục vụ cho ngành dịch vụ thực phẩm (Food Service) cũng bị đình trệ, chỉ duy trì đơn hàng cho phân khúc bán lẻ...
Đáng chú ý, đã có từ 35%-50% đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được, lượng tồn kho tại cả nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu đều lớn, kho lạnh đã đầy và không còn đủ sức chứa, cho dù tại nhiều nước nhập khẩu, nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán từ 25%-30%, nhưng cũng không thể kích cầu.
Mặc dù hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang gặp rất nhiều khó khăn ở hầu hết các thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì công ăn việc làm cho công nhân, phân chia lại lịch làm việc cho phù hợp với mức lương giảm tương ứng, đào tạo tay nghề cho người lao động để có khả năng làm việc đầy đủ các mặt hàng.
Tình hình tương tự này cũng đang diễn ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản. Nhiều doanh nghiệp đưa ra nhận định rằng, tháng 1/2020 mới là thời điểm bắt đầu cho giai đoạn ách tắc trong hoạt động thương mại thủy sản. Từ tháng 3 này khi dịch bệnh tăng tốc và lan tỏa ở mức độ chóng mặt sẽ kéo theo những hệ quả nặng nề ngày càng trầm trọng hơn.
Đặc biệt, những ngày gần đây, những thông tin về việc nhiều trường hợp đang bị cách ly theo dõi bệnh Covid-19 tại Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang gây ảnh hưởng tâm lý, gây hoang hoang cho người lao động và cả doanh nghiệp. Điều này càng tác động lớn hơn tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại nhiều địa phương.
Các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh kế hoạch chế biến
Mới đây, các doanh nghiệp thủy sản đã đề xuất các chính sách để tiếp cận vốn, giảm chi phí để vượt qua Covid-19. Cụ thể, các doanh nghiệp đề xuất ngân hàng cần có gói tín dụng lãi suất ưu đãi (nhỏ hơn 5%/năm) cho các doanh nghiệp sản xuất vay và giảm thiểu phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ, đồng thời giảm lãi suất tiền vay cho tất cả các khoản vay giải ngân từ ngày 01/02/2020.
Đồng thời, đề xuất các ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ. Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản cũng yêu cầu được miễn, giảm nhiều loại phí, như: phí chuyển khoản trong/ngoài hệ thống, phí tiền nước ngoài vào tài khoản doanh nghiệp, phí báo tiền về thuộc TT/TTR (điện chuyển tiền), phí dịch vụ nộp/rút tiền mặt... trong tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh hiện nay, Vasep khuyến nghị tùy vào diễn biến thực tế, các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch chế biến và thông tin cho các vùng nuôi điều chỉnh thời vụ, sản lượng nguyên liệu cho phù hợp, tránh tình trạng dư thừa nguyên liệu, gây thiệt hại cho cả người nuôi và doanh nghiệp.
Cùng với đó, thường xuyên cập nhật thông tin từ các đối tác để tranh thủ thông quan các đơn hàng đặt trước ngay khi được phép, giảm thiểu chi phí bảo quản, kho bãi.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần hết sức bình bĩnh để tuyên truyền, truyền thông cho cán bộ, nhân viên và người công nhân nhận thức đúng đắn hơn về tình hình, đồng thời tiếp tục duy trì thực hiện chống dịch theo hướng dẫn và khuyến cáo của Bộ Y tế, duy trì ổn định sản xuất, chung tay cùng Chính phủ và cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn này./.
Bình luận