Dịch vụ công: Tiền đầu tư nhiều, mà chất lượng chẳng bao nhiêu!
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi công bố nghiên cứu “Chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ở một số tỉnh tại Việt Nam - Một số quan sát và khuyến nghị” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) tổ chức tại Hà Nội.
Chất lượng, tỷ lệ sử dụng nhiều dịch vụ công còn thấp
Kết quả khảo sát trong 2 tháng (từ 7- 9/2016) tại 7 địa phương của Việt Nam (gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Trà Vinh, Cao Bằng, Hà Giang, Đắk Nông) đã đưa đến một góc nhìn độc lập về nhận biết chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân tại một số địa phương.
Theo đó, tuy ngân sách cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ngày càng được ưu tiên và độ phủ của chính sách không ngừng được cải thiện, song chất lượng của các dịch vụ này còn yếu, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng không đồng bộ với hỗ trợ về dịch vụ. Do đó, người dân không biết đến các hỗ trợ và không được giám sát chất lượng các hỗ trợ này.
Cung ứng dịch vụ công còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa: KT)
Cụ thể, về y tế, báo cáo cho biết, Việt Nam đứng thứ 2 từ dưới lên vào năm 2007 và thứ 5 từ trên xuống vào năm 2014 trong số các nước ASEAN về chi tiêu công cho y tế trên tổng chi về y tế. Tỷ lệ này có tăng lên theo thời gian (31% vào năm 2007 và 54,1% vào năm 2014), tuy vậy, khó khăn về đội ngũ bác sĩ ở tuyến cơ sở vừa thiếu vừa yếu ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ở nhóm cận nghèo còn thấp (55%) dù được hỗ trợ từ 70% mệnh giá bảo hiểm trở lên.
Về giáo dục, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo có xu hướng tăng, tăng từ 4,1% (2001) lên 5,7% (2012). Với mức chi này, tỉ lệ chi tiêu công cho giáo dục Việt Nam ở mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, chi tiêu công cho giáo dục trên tổng chi cho giáo dục của Việt Nam đứng thứ 2 từ trên xuống trong khu vực ASEAN. Hiện, khoảng 82% là chi tiêu công cho giáo dục là từ ngân sách, còn 18% là từ các nguồn đóng góp khác, nhưng phần lớn là đóng góp của người dân. Tuy nhiên rất ít người dân được biết đến các dự án, các quyết định, phân cấp trong việc sử dụng, quản lý các nguồn ngân sách.
"Cần đánh giá chất lượng dịch vụ nào là quan trọng nhất, loại hình hỗ trợ nào là quan trọng nhất. Bởi khi ngân sách hạn chế, cần thực hiện thắt chặt chi ngân sách, hoặc cắt giảm chi ngân sách thì chúng ta thiếu tiêu chi để xem lĩnh vực nào cần cắt nhiều, lĩnh vực nào cắt ít để tránh hưởng đến quá trình thực hiện, dẫn đến việc quá trình cắt giảm chi ngân sách đều bị cào bằng theo tỷ lệ tương đối giống nhau". Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Đáng chú ý, những số liệu trên cho thấy, các nhu cầu đầu tư để cải tiến chất lượng giáo dục còn rất hạn chế. Các cơ sở đào tạo được giao tự chủ tài chính nhưng lại không được giao tự chủ mức thu học phí, do đó việc tự chủ tài chính là không thực chất.
Bên cạnh đó, về giao thông công động, trong vòng 10 năm 2005 đến năm 2015, lượng đóng góp của người dân trong các công trình giao thông công cộng ở địa phương, tăng lên từ 1% - 15% tổng số vốn các đường liên thôn liên xã được sửa chữa, thi công trong thời gian qua, nhưng việc người dân tham gia xây dựng quy hoạch và giám sát các công trình này còn hạn chế, hời hợt và nhiều nơi chỉ là hình thức. Chỉ từ 0,24%-0,47% người dân biết về chương trình hỗ trợ vốn từ ngân sách cho hoạt động trợ cước, trợ giá vận chuyển và cung cấp phương tiện vận chuyển, vốn được ưu tiên cho khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, con số này rất thấp.
Cần tăng cường vai trò giám sát của người dân
Nhiều chuyên gia đánh giá, cách tiếp cận vấn đề của nhóm nghiên cứu khá lạ và mới. Bởi lẽ, trước đây các báo cáo về chi tiêu công chỉ đề cập đến trị giá chi tiêu, và thực hiện tổng kết về mức độ đạt được bao nhiêu % độ phủ. Hoặc thống kê xem đã xây được bao nhiêu trạm y tế, bao nhiêu trường học, chi lương cho giáo viên là bao nhiêu.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là khảo sát, phản ánh và sự hài lòng về những chương trình chính sách hỗ trợ hoặc, ưu tiên của người dân tại các báo cáo khác chưa có nhưng tại báo cáo chưa đề cập. Báo cáo cũng chỉ ra, quy trình đang làm về việc người dân tham gia vào giám sát, quản lý chi tiêu công trong cách dịch vụ cơ bản hiện cơ bản triển khai còn hình thức.
Chính vì vậy, một trong những điểm mới của dự án là có cách tiếp cận mới trong khảo sát. Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, rất nhiều chương trình hỗ trợ thông tin không đầy đủ. Vì vậy, hầu hết khi người dân được hỏi có biết mục tiêu hỗ trợ của các chương trình như hỗ trợ về y tế, giáo dục… hay không thì họ đều trả lời là không biết.
"Đây là điểm rất đáng tiếc. Bởi chính sách của Nhà nước đã được xây dựng và thực hiện khá bài bản nhằm đảo đảm cho người dân tiếp cận về y tế, giáo dục đầy đủ hơn, chất lượng hơn, nhưng hầu hết người dân lại không được biết mục tiêu của chương trình này. Vì vậy, họ đơn thuần là hưởng lợi từ hoạt động ấy nhưng việc góp ý, kiến nghị để điều chỉnh các hình thức hỗ trợ lại chưa được tham gia nhiều", ông Dương đánh giá.
Đặc biệt, ông Nguyễn Anh Dương nhận định, chất lượng dịch vụ công ở Việt Nam tương đối tốt, đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, các chương trình có quá nhiều loại hỗ trợ khác nhau trong khi nguồn lực hạn chế nên hỗ trợ còn thiếu tập trung, cách thức thực hiện còn nhiều bất cập.
Bổ sung quan điểm này, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam nhấn mạnh, câu chuyện nhà nước và các bộ về việc giảm chi tiêu công, tăng hiệu quả các chất lượng mới đi vào hiệu quả thực chất. Chính người dân là người sử dụng dịch vụ, người dân cần có tiếng nói quyết định. Bởi lẽ, người dân đóng thuế hàng ngày để trả cho dịch vụ công, tuy nhiên bản than chúng ta, con cái chúng ta có hài lòng về dịch vụ hay không thì rất ít kênh để người dân nói lên tiếng nói.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để bảo đảm và tăng cường chi ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và giao thông công cộng hiệu quả, cần điều chỉnh cách thức triển khai chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng theo hướng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân. Đặc biệt, Nhà nước cần huy động người dân tham gia với vai trò bình đẳng hơn trong quá trình xây dựng quy hoạch, đóng góp chi phí, thực hiện và giám sát các dự án đầu tư công và trong phân bổ ngân sách nhà nước để nâng cao hiệu quả của các dịch vụ thiết yếu./.
Bình luận