Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 sẽ tham vấn về nhiều chủ đề “nóng”
“Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung, như: làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, khi chủ trì cuộc họp với các cơ quan chuẩn bị tổ chức "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022", theo Văn phòng Quốc hội.
Cũng theo ông Hải, Diễn đàn kinh tế sẽ là hoạt động thường niên của Quốc hội do Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước; chuyên gia của các tổ chức quốc tế; doanh nghiệp; hiệp hội...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính (ảnh: Quốc hội) |
Thành công của Diễn đàn kinh tế lần thứ nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - Diễn đàn kinh tế năm 2021, tạo ra thông điệp về tự cường, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia, năng lực quản trị doanh nghiệp và đoàn kết sát cánh vượt qua khó khăn, thách thức.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về mặt nội dung, các tham luận đã được chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng, các tài liệu đều đáp ứng yêu cầu về mặt hàn lâm, chuyên sâu và khoa học. |
“Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung, như: làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022. Diễn đàn còn tập trung trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề ‘nóng’ của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế…”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Cũng theo ông Hải, Diễn đàn năm nay còn tập trung thảo luận các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022… nhằm tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước; chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thông qua Diễn đàn, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thêm luận cứ để thẩm tra; đại biểu Quốc hội sẽ có thêm thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ Tư của Quốc hội sắp tới…/.
Bình luận