Từ khóa: quản lý nhà nước, du lịch, hoạt động du lịch, du lịch Điện Biên

Summary

In the national socio-economic development strategy, tourism has been identified by the Party and State as an integrated service economic sector, which is highly inter-sectoral, inter-regional and culturally content-intensive. Therefore, state management of tourism plays a very important role for each locality and region. The article analyzes the current situation of state management of tourism of the Dien Bien provincial government, proposing some solutions to improve state management of tourism of the Dien Bien provincial government in the coming time.

Keywords: state management, tourism, tourism activities, Dien Bien tourism

GIỚI THIỆU

Tỉnh Điện Biên là địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí quan trọng đặc biệt đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước. Theo đó, du lịch Điện Biên cũng nằm trên các hành lang du lịch quan trọng mang tầm quốc gia. Nơi đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng nổi bật về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử và du lịch biên giới. Vì vậy, Điện Biên là một trong những nơi trọng điểm phát triển du lịch của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về du lịch của chính quyền tỉnh Điện Biên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải có những nghiên cứu nhằm đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

KHÁI QUÁT CHUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH

Quản lý nhà nước về du lịch là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh liên tục bằng quyền lực pháp luật dựa trên cơ sở nền tảng của thể chế chính trị nhất định đối với các quá trình, các hoạt động du lịch nhằm đạt được hiệu quả và mục tiêu kinh tế - xã hội do Nhà nước đặt ra.

Dưới góc độ quản lý kinh tế, quản lý nhà nước về du lịch được hiểu là hoạt động, là quá trình chỉ đạo, điều hành, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh du lịch bằng việc thông qua hệ thống pháp luật, các chủ thể quản lý nhà nước (các cơ quan có thẩm quyền) tác động đến các đối tượng quản lý trong hoạt động du lịch, hướng hoạt động du lịch phát triển theo mục tiêu kinh tế - xã hội do Nhà nước đặt ra. Như vậy, xác lập cơ chế quản lý nhà nước về du lịch là xây dựng, triển khai thực hiện các quy định về mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý hành chính ở Việt Nam và mỗi cơ quan riêng lẻ. Mối quan hệ này được xem xét dưới nhiều góc độ qua các thành tố sau: (i) Chủ thể quản lý nhà nước về du lịch là các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch; Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện) cùng các ngành liên quan: môi trường, bảo hiểm, công an, y tế, lao động…; (ii) Khách thể quản lý nhà nước về du lịch là các quan hệ xã hội vận động và phát triển trong lĩnh vực du lịch, các hoạt động của con người…; (iii) Đối tượng quản lý nhà nước về du lịch, bao gồm: tài nguyên du lịch; các hoạt động du lịch; khách du lịch; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Trong đó, hoạt động du lịch được hiểu là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch.

Mục tiêu quản lý nhà nước về du lịch của chính quyền cấp tỉnh: Định hướng cho hoạt động du lịch phát triển tích cực, vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song vẫn giữ gìn các giá trị truyền thống và bảo tồn tài nguyên du lịch của đất nước; Hình thành và hoàn thiện môi trường pháp lý toàn diện, ổn định cho hoạt động du lịch trong cả nước, cho từng vùng và từng địa phương cụ thể; Dung hòa mối quan hệ và lợi ích giữa du lịch với các ngành kinh tế khác; đảm bảo hài hòa về quyền lợi giữa cộng đồng dân cư, nhà đầu tư du lịch và khách du lịch.

Nội dung quản lý nhà nước về du lịch của chính quyền cấp tỉnh bao gồm: Hoạch định phát triển các hoạt động du lịch; Tổ chức hoạt hoạt động du lịch trên địa bàn; Phát triển kết cấu hạ tầng du lịch trên địa bàn; Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn; Kiểm tra, kiểm soát hoạt động du lịch trên địa bàn.

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Những kết quả đạt được

Về hoạch định phát triển hoạt động du lịch. Trong những năm qua, chính quyền Điện Biên đã triển khai hoạch định hoạt động du lịch trên địa bàn dựa trên các định hướng của Trung ương được ghi nhận trong các văn bản, như: Luật Du lịch Việt Nam (số 44/2005/QH11, ngày 14/6/2005); Nghị quyết số 92/2014/NQ-CP, ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch; Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT, ngày 31/10/2013 về Hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu. Tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-UBND, ngày 03/3/2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc phê duyệt Đề án là nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết về phát triển du lịch của Trung ương, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 07/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu năm 2025: Lượng khách du lịch năm 2025 đạt trên 1,45 triệu lượt, trong đó có 300 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 2.380 tỷ đồng. Năm 2030: Lượng khách du lịch đạt trên 2,65 triệu lượt, trong đó 600 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 5.000 tỷ đồng, đóng góp trên 10% GRDP bình quân của Tỉnh.

Tổ chức hoạt hoạt động du lịch trên địa bàn: Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016-2022, tỉnh Điện Biên đã đón 3 triệu lượt khách lên tham quan, du lịch và tìm hiểu di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, tăng 52% so với giai đoạn 2011-2015. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 133% so với giai đoạn 2011-2015; giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm 5,78% trong GRDP của Tỉnh. Đến hết năm 2022, trên địa bàn Tỉnh có 215 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 2.954 buồng/5.139 giường và 11 bản văn hóa có khả năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch; 04 homestay, 16 điểm vui chơi, giải trí có khả năng phục vụ cùng lúc 83.000 lượt khách; có trên 120 nhà hàng có quy mô phục vụ cùng lúc từ 100 đến 1.300 khách [1]. Năm 2023, tỉnh Điện Biên đón 1 triệu lượt khách du lịch; khách quốc tế hơn 7.500 lượt, số lượng tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng trên 27% so với cùng kỳ năm trước [4].

Phát triển kết cấu hạ tầng du lịch trên địa bàn. Những năm vừa qua, Tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực, cả ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, việc định hướng phát triển du lịch dựa trên đầu tư phát triển hạ tầng, mời gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án, công trình, tạo ra các sản phẩm du lịch ở Điện Biên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là trong việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các công trình thuộc hệ thống Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Du khách đến Điện Biên không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới của miền đất này với những cây cầu, tuyến đường rộng rãi, sạch đẹp dẫn tới các khu di tích, điểm tham quan, du lịch; nhiều công trình tầm vóc khang trang mới được xây dựng, như: Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; bức tranh panorama về trận chiến Điện Biên Phủ có tổng diện tích hơn 3.200m2 tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ...

Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn: Để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, từ năm 2003, tỉnh Điện Biên đã lựa chọn 8 bản để xây dựng thành mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch. Mỗi bản được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; chọn các hộ gia đình có điều kiện phù hợp để xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Từ đó đến nay, phong trào làm du lịch cộng đồng đã phát triển ra nhiều thôn, bản tại nhiều địa bàn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch của cộng đồng cho các thôn bản có tiềm năng. Nhiều gia đình đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa; chỉnh trang đường, ngõ; phục dựng một số lễ hội truyền thống để phục vụ khách du lịch; khôi phục các nghề sản xuất thủ công truyền thống. Nhờ đó, đến nay có nhiều thôn bản đã phát triển loại hình du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như: Du lịch cộng đồng bản Che Căn (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ); Mường Then (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên); Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ)... Mới đây nhất, điểm du lịch cộng đồng bản văn hóa Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) đã chính thức đón khách du lịch. Đây là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn huyện vùng cao, biên giới Nậm Pồ.

Kiểm tra, kiểm soát hoạt động du lịch trên địa bàn: Trong thời gian qua. Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các Đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống, phòng trọ, nhà nghỉ, khách sạn; kinh doanh quà lưu niệm, các sản phẩm gạo Điện Biên, măng khô, thịt sấy khô, mật ong, các loại rượu, các loại thảo mộc... thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... không để hiện tượng tăng giá, ép giá khách du lịch, đảm bảo bình ổn giá cả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các hoạt động du lịch và trong thời gian tổ chức các Lễ hội du lịch. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cũng thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra chất lượng phục vụ tại các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, quán ăn… để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn Tỉnh.

Những tồn tại và hạn chế

Bên cạnh những thành tựu, quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn tồn tại một số hạn chế đó là:

Thứ nhất, sản phẩm du lịch của Điện Biên tuy có phát triển và thu được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng còn thiếu tính độc đáo, hấp dẫn; dịch vụ du lịch chưa đa dạng, phong phú. Sản phẩm du lịch phân bố không đồng đều, một số tuyến, điểm du lịch mới hình thành, nhưng chưa bổ sung dịch vụ thu hút du khách. Quy mô sản phẩm du lịch của Tỉnh còn nhỏ, cần nâng cao chất lượng và cần có đề án, kế hoạch cụ thể để duy trì ổn định và phát triển.

Thứ hai, xúc tiến và tổ chức hoạt động du lịch còn chưa thật chuyên nghiệp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch còn yếu. Sự liên kết giữa các thành phố, huyện trong khai thác tuyến, điểm du lịch chưa chặt chẽ. Việc gắn du lịch với các làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, qua khảo sát thực tế tỷ lệ du khách quốc tế thăm quan làng nghề thấp.

Thứ ba, một số kết cấu hạ tầng, điểm du lịch, môi trường du lịch ở một số lĩnh vực đã xuống cấp, đặc biệt là môi trường tự nhiên với tình hình biến đổi khí hậu. Việc quản lý bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa còn chưa bắt kịp với phát triển của hoạt động du lịch. Tỉnh nói chung và các điểm du lịch nói riêng còn thiếu các khu vệ sinh đạt chuẩn.

Thứ tư, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chậm đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành còn thấp so với nhu cầu ngày càng phát triển. Đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên của thành phố còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Các thành phố, huyện trên địa bàn Tỉnh gặp khó khăn về nhân sự chuyên trách du lịch và kinh phí hoạt động du lịch.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Để hoàn thiện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong thời gian tới, bài viết đề xuất một số giải pháp đó là:

Một là, nâng cao hiệu lực của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trong đó, việc xác định các mục tiêu cần phải đáp ứng các yêu cầu đảm bảo phát triển ổn định, bền vững; giải quết hợp lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với ổn định, công bằng và tiến bộ xã hội; thỏa mãn nhu cầu cuộc sống và nâng cao đời sống của người dân địa phương, bảo vệ và giữ gìn môi trường sinh thái, mục tiêu mong muốn phải sát thực tế, không quá cao thiếu hiện thực. Hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh du lịch và trở thành trung tâm dịch vụ du lịch và đầu mối điều phối khách cho toàn vùng.

Hai là, hình thành khu vực tập trung các dịch vụ du lịch (nhà hàng, quán bar, văn phòng lữ hành, cà phê giải khát, mua sắm và vui chơi giải trí) và cải tạo, nâng cấp hạ tầng đô thị, cải thiện môi trường đô thị. Điều này sẽ góp phần thu hút, giữ chân và tăng chi tiêu của du khách. Có thể học tập mô hình của Hà Nội (khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Phố cổ) hoặc TP. Hồ Chí Minh (khu vực Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Huệ); Hình thành khu tập trung thu nhỏ, trong đó tái hiện lại mô hình với nét lịch sử, văn hóa, đời sống sinh hoạt của người dân các địa phương Điện Biên để giới thiệu với du khách về các đặc điểm của Điện Biên.

Ba là, đối với hoạt động lưu trú Điện Biên cần quan tâm đầu tư, xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng, khu nghỉ dưỡng sinh thái có các hoạt động vui chơi giải trí gắn với khu trung tâm mua sắm cao cấp, kinh doanh sản phẩm hạ giá; Đầu tư phát triển hệ thống các cơ sở lưu trú, tập trung phát triển những loại hình lưu trú du lịch mà Điện Biên có thế mạnh như du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Trên góc độ thị trường, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm xây dựng và duy trì hình ảnh sản phẩm lưu trú du lịch Điện Biên là nơi nghỉ hấp dẫn và an toàn.

Bốn là, liên kết để đa dạng tour và xây dựng sản phẩm du lịch. Cần lên kế hoạch chi tiết phát triển sản phẩm - thị trường cho từng sản phẩm cụ thể theo định hướng chung. Kế hoạch chi tiết cần cụ thể hóa từng phân đoạn thị trường cho từng sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên đề và liên kết để một mặt xây dựng sản phẩm sát với nhu cầu thị trường, đúng đối tượng khách sử dụng; mặt khác, thực hiện các biện pháp xúc tiến, quảng bá thị trường đúng tới từng đối tượng. Kế hoạch này cũng chỉ rõ các sản phẩm cụ thể cần phát triển của từng địa phương để thống nhất và hướng dẫn chung cho từng địa phương cũng như cùng các địa phương khác liên kết thực hiện.

Năm là, khuyến khích các nhà đầu tư và người dân địa phương thiết lập quan hệ đối tác với nhau và với các đối tác quốc tế trong các hoạt động du lịch (nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vui chơi giải trí) để đầu tư vào hoạt động du lịch Điện Biên. Hỗ trợ thiết lập quan hệ đối tác với các thương hiệu khách sạn nổi tiếng, tiếp cận tới những điểm du lịch văn hóa trọng điểm, thành lập trường dạy nấu ăn và kinh doanh nhà hàng, khuyến khích khu tập trung kinh doanh những món ăn đường phố của địa phương. Hướng dẫn xếp hạng sao cho khách sạn. Xây dựng các đường dây nóng phục vụ hoạt động du lịch.

Sáu là, áp dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, giám sát định kỳ, kiểm tra, giám sát đột xuất nhằm nhanh chóng phát hiện và xử phạt kịp thời các cơ sở kinh doanh vi phạm trong hoạt động du lịch; Tập trung kiểm tra, thanh tra các điểm nóng về du lịch gây bức xúc, đặc biệt vi phạm về giá dịch vụ, chèo kéo du khách, gây ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm, bãi tắm du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch. Kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hoạt động du lịch. Nếu phát hiện có vi phạm, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc để răn đe. Mức phạt phải đủ nặng, thậm chí cần phải áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép và đình chỉ hoạt của các doanh nghiệp./.

Tài liệu tham khảo

1. Châu Loan (2022), Điện Biên: Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, truy cập từ http://dic.gov.vn/vi/news/Bao-chi-Xuat-ban/Die-n-Bien-Phat-trien-du-lich-tinh-Dien-Bien-den-nam-2025-dinh-huong-den-nam-2030-4843.html.

2. Dương Thị Hạnh (2014), Phát triển du lịch văn hóa ở Lạng Sơn, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Tỉnh ủy Điện Biên (2023), Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 07/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

4. Vũ Lợi (2023), Lần đầu tiên tỉnh Điện Biên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách, truy cập từ https://vov.vn/du-lich/lan-dau-tien-tinh-dien-bien-dat-moc-don-1-trieu-luot-du-khach-post1067692.vov.

Nguyễn Quang Hưng

UBND Thành phố Điện Biên Phủ

ThS. Bùi Gia Huân, ThS. Đoàn Thị Yến

Giảng viên, Học viện Phụ nữ Việt Nam

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)