Đẩy mạnh phát triển ngân hàng số ở Việt Nam
TS. Đỗ Kim Dư
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên
Email: dokimdu@tueba.edu.vn
Tóm tắt
Ngân hàng số mang đến những lợi ích rõ rệt như giảm chi phí vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho mọi đối tượng. Tuy nhiên, để phát triển ngân hàng số một cách bền vững, Việt Nam cần đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm vấn đề bảo mật, cơ sở hạ tầng công nghệ và sự đồng bộ giữa các chính sách quản lý. Bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình phát triển ngân hàng số tại Việt Nam, cùng những cơ hội và thách thức hiện tại, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
Từ khóa: ngân hàng số, khách hàng, dịch vụ, chuyển đổi số, Việt Nam
Summary
Digital banking brings clear benefits, such as reducing operating costs, improving customer experience, and expanding access to financial services for all subjects. However, to develop digital banking sustainably, Vietnam needs to face many challenges, including security issues, technology infrastructure, and synchronization between management policies. The article provides an overview of the development of digital banking in Vietnam, along with current opportunities and challenges, and proposes solutions to promote digital transformation in the banking industry.
Keywords: digital banking, customers, services, digital transformation, Vietnam
Đặt vấn đề
Ngành ngân hàng Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong việc ứng dụng công nghệ, với sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số. Ngân hàng số không chỉ giúp các ngân hàng cải thiện hiệu quả vận hành mà còn tạo ra những cơ hội mới cho khách hàng trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính. Khách hàng giờ đây có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng thông qua các ứng dụng di động, thanh toán trực tuyến, hay quản lý tài chính cá nhân chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Trong khi đó, các ngân hàng cũng có thể giảm thiểu chi phí cơ sở vật chất và nhân lực, đồng thời gia tăng tính linh hoạt và bảo mật trong quá trình cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Đó là vấn đề bảo mật thông tin, sự thiếu hụt hạ tầng công nghệ, và việc tạo dựng niềm tin từ phía khách hàng. Chính vì thế, để ngân hàng số có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, cần phải có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ trong việc xây dựng một môi trường pháp lý và kỹ thuật vững chắc.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÂN HÀNG SỐ Ở VIỆT NAM
Những kết quả đạt được
Trong những năm gần đây, ngân hàng số đã và đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, phản ánh xu hướng toàn cầu hóa và chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng. Các ngân hàng truyền thống tại Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử và ngân hàng số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đồng thời giảm thiểu chi phí hoạt động và cải thiện hiệu quả công việc. Với xu thế hội nhập toàn cầu, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu mà các ngân hàng thương mại đang nỗ lực thực hiện để có thể trở thành ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam (Phan Thị Cúc và cộng sự, 2022).
Quá trình chuyển đổi số đã tạo nên những thay đổi rõ nét trong ngành ngân hàng, nhất là lĩnh vực thanh toán điện tử. Các mô hình tiên tiến như Super App và Banking-as-a-Service không chỉ mở rộng quy mô khách hàng, mà còn nâng cao trải nghiệm người dùng. Những xu hướng này cho thấy sự linh hoạt của các ngân hàng Việt Nam trong việc thích ứng với nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ tài chính hiện đại (MB, 2025).
Ngân hàng số tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong năm 2024 với sự gia tăng đáng kể của các giao dịch không dùng tiền mặt. Theo số liệu thống kê, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 49,95%, cho thấy xu hướng chuyển đổi từ thanh toán truyền thống sang các phương thức thanh toán điện tử ngày càng phổ biến. Đây là kết quả của sự phát triển công nghệ tài chính, nỗ lực của các ngân hàng trong việc số hóa dịch vụ, cũng như các chính sách thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt của Chính phủ. Bên cạnh đó, giao dịch qua các kênh số như: internet và điện thoại di động cũng chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, số lượng giao dịch qua kênh internet tăng 56,60%, trong khi giao dịch qua điện thoại di động tăng tới 61,14% (MB, 2025). Điều này phản ánh sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng khi ngày càng ưu tiên sử dụng các ứng dụng ngân hàng số, ví điện tử và các nền tảng thanh toán trực tuyến thay vì giao dịch trực tiếp tại quầy. Việc sử dụng các công nghệ hiện đại, như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và blockchain đã giúp các ngân hàng cung cấp dịch vụ nhanh chóng, an toàn và tiện lợi hơn.
Không chỉ số lượng giao dịch tăng, mà giá trị giao dịch qua các kênh số cũng có sự tăng trưởng nhất định. Cụ thể, giá trị giao dịch qua internet tăng 5,80%, trong khi giá trị giao dịch qua điện thoại di động tăng 11,65% (MB, 2025). Điều này cho thấy mức độ tin tưởng của người dùng đối với các giao dịch ngân hàng trực tuyến ngày càng cao, từ những giao dịch nhỏ lẻ đến những giao dịch có giá trị lớn. Với sự phát triển này, có thể khẳng định rằng ngân hàng số đang trở thành xu hướng tất yếu tại Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính và thúc đẩy nền kinh tế số phát triển bền vững.
Năm 2024, cùng với hoàn thiện hành lang pháp lý và hạ tầng công nghệ tạo nền móng cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số ngân hàng, ngành Ngân hàng đặc biệt chú trọng công tác an ninh, an toàn đối với các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng trong bối cảnh tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp (Lan Chi, 2025). Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hành lang pháp lý cho ngân hàng số ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính. Các văn bản quan trọng như: Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển ngân hàng số. Đặc biệt, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN, ngày 04/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC), giúp đơn giản hóa quy trình đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến, từ đó thúc đẩy sự phổ biến của ngân hàng số. Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang tích cực đầu tư vào công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing) và blockchain nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Những ngân hàng lớn như: Vietcombank, BIDV, VietinBank hay Techcombank… đã triển khai hàng loạt sản phẩm số, như: ngân hàng số hoàn toàn trên nền tảng di động (Mobile Banking), thanh toán qua QR Code, ví điện tử và công nghệ nhận diện sinh trắc học. Nhờ đó, tỷ lệ giao dịch trực tuyến gia tăng nhanh chóng, góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào giao dịch tại quầy. Sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ thống ngân hàng. Những hợp tác chiến lược giữa ngân hàng và Fintech giúp mở rộng hệ sinh thái tài chính số, cung cấp các dịch vụ tài chính thuận tiện hơn cho người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống còn hạn chế.
Một số khó khăn và hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình phát triển ngân hàng số tại Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức, cụ thể như sau:
Một là, hạn chế về hành lang pháp lý và chính sách quản lý. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với sự phát triển ngân hàng số ở Việt Nam là hệ thống pháp lý chưa theo kịp tốc độ thay đổi của Fintech. Dù NHNN đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, như Thông tư số 16/2020/TT-NHNN cho phép mở tài khoản từ xa bằng eKYC, nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống trong quy định về giao dịch số, bảo mật dữ liệu và quyền lợi khách hàng trong môi trường số. Ví dụ: Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho các dịch vụ tài chính phi ngân hàng (như ngân hàng số thuần túy không có chi nhánh vật lý), tiền điện tử hay ứng dụng blockchain trong ngành ngân hàng. Ngoài ra, chính sách quản lý đối với các công ty Fintech vẫn chưa thực sự rõ ràng, gây khó khăn cho việc hợp tác giữa ngân hàng và Fintech. Nhiều ngân hàng thương mại e ngại khi hợp tác với Fintech, do chưa có cơ chế pháp lý đảm bảo về quyền lợi và trách nhiệm của các bên. Điều này có thể làm chậm quá trình đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng số.
Hai là, thách thức về công nghệ và hạ tầng số. Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng số, đặc biệt là về hệ thống bảo mật, lưu trữ dữ liệu và khả năng xử lý giao dịch lớn. Dù nhiều ngân hàng đã đầu tư vào các công nghệ mới, như: AI, Big Data, điện toán đám mây (Cloud Computing), nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa khả năng ứng dụng công nghệ thực tế và nhu cầu của khách hàng. Một số ngân hàng vẫn sử dụng hệ thống công nghệ cũ, gây ra tình trạng gián đoạn hoặc chậm trễ trong giao dịch trực tuyến, ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Bên cạnh đó, rủi ro về bảo mật và an toàn thông tin cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Các cuộc tấn công mạng, gian lận tài chính và lừa đảo trực tuyến đang gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư mạnh vào hệ thống phòng vệ an ninh mạng. Tuy nhiên, không phải tất cả ngân hàng đều có đủ nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng cao để đối phó với các mối đe dọa này một cách hiệu quả.
Ba là, thói quen sử dụng tiền mặt và mức độ chấp nhận ngân hàng số của người dân. Mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh tại các thành phố lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt. Điều này gây ra rào cản lớn trong việc mở rộng ngân hàng số đến toàn bộ dân số. Nhiều người chưa quen với việc sử dụng ứng dụng ngân hàng trên điện thoại thông minh hoặc vẫn có tâm lý e ngại về tính an toàn của giao dịch trực tuyến. Ngoài ra, mức độ phổ cập tài chính số chưa đồng đều, khi nhiều người dân chưa có đủ hiểu biết về các dịch vụ ngân hàng số hoặc không có đủ giấy tờ để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến. Đây là một thách thức lớn đối với các ngân hàng khi muốn mở rộng thị phần và tăng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ số.
Bốn là, cạnh tranh từ các công ty Fintech và Big Tech. Các công ty Fintech và tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech), như: Google, Apple, Facebook (Meta) hay Alibaba đang ngày càng mở rộng hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Các nền tảng thanh toán số như: Momo, ZaloPay, ViettelPay hay VNPay đang chiếm lĩnh thị trường với các giải pháp thanh toán tiện lợi, thu hút một lượng lớn người dùng. Điều này tạo áp lực cạnh tranh lớn cho các ngân hàng truyền thống trong việc giữ chân khách hàng và phát triển các dịch vụ số hấp dẫn hơn. Hơn nữa, các ngân hàng truyền thống thường có quy trình vận hành phức tạp và chậm hơn so với các công ty Fintech. Sự khác biệt về mô hình kinh doanh, tốc độ đổi mới và khả năng thích ứng với công nghệ mới khiến nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ Fintech năng động.
Năm là, rủi ro gian lận và an toàn thông tin. Sự phát triển nhanh chóng của ngân hàng số kéo theo nguy cơ gia tăng các hành vi gian lận, lừa đảo trực tuyến và rủi ro an ninh mạng. Các hình thức tấn công như giả mạo website ngân hàng (phishing), đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài khoản (account takeover) hay lừa đảo qua tin nhắn SMS đang trở nên phổ biến hơn. Một số vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra, khiến người dùng mất tiền và làm giảm lòng tin vào ngân hàng số. Mặc dù các ngân hàng đã đầu tư vào các biện pháp bảo mật, như: xác thực hai yếu tố (2FA), nhận diện sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt) và mã hóa dữ liệu, nhưng các hình thức tấn công mạng ngày càng tinh vi, đòi hỏi các ngân hàng phải liên tục cập nhật và nâng cấp hệ thống bảo mật. Đồng thời, người dùng cũng cần được nâng cao nhận thức về an toàn thông tin để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Để đẩy mạnh phát triển ngân hàng số ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách quản lý, trong đó cần có quy định rõ ràng về hoạt động của ngân hàng thuần số, tiền điện tử, cũng như các công nghệ tài chính tiên tiến, như: blockchain hay hợp đồng thông minh. Bên cạnh đó, cần nâng cao cơ chế bảo vệ người dùng, xử lý tranh chấp và phòng chống gian lận trong giao dịch trực tuyến.
Thứ hai, nâng cấp hạ tầng công nghệ và bảo mật nhằm đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru, an toàn. Các ngân hàng cần đầu tư vào công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để tối ưu hóa quy trình hoạt động, đồng thời ứng dụng công nghệ blockchain và sinh trắc học để tăng cường bảo mật thông tin.
Thứ ba, thay đổi thói quen người dùng và thúc đẩy phổ cập tài chính số bằng cách đẩy mạnh giáo dục tài chính, cung cấp các ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời phát triển các dịch vụ tài chính số đơn giản, phù hợp với người dân vùng nông thôn.
Thứ tư, tăng cường hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech nhằm tận dụng công nghệ hiện đại, mở rộng dịch vụ tài chính số. Việc xây dựng mô hình ngân hàng mở (Open Banking), tích hợp API để kết nối với hệ thống Fintech sẽ giúp mang lại trải nghiệm tài chính thuận tiện hơn cho khách hàng.
Thứ năm, cải thiện trải nghiệm khách hàng bằng cách thiết kế ứng dụng thân thiện, tối ưu hóa tốc độ xử lý giao dịch và cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng 24/7 thông qua chatbot AI hoặc tổng đài trực tuyến.
Cuối cùng, để đảm bảo an toàn thông tin, cần tăng cường các biện pháp bảo mật và phòng chống gian lận trong giao dịch ngân hàng số, áp dụng công nghệ mã hóa tiên tiến và liên tục nâng cấp hệ thống nhằm bảo vệ dữ liệu người dùng trước các nguy cơ tấn công mạng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lan Chi (2025), Dấu ấn công nghệ ngân hàng năm 2024: An ninh, an toàn trong cung cấp và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng, truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/dau-an-cong-nghe-ngan-hang-nam-2024-an-ninh-an-toan-trong-cung-cap-va-su-dung-dich-vu-ngan-hang-tren-khong-gian-mang-15235.html.
2. MB (2025), Báo cáo “Tổng quan ngành ngân hàng 2024 và xu hướng phát triển 2025”, https://www.mbbank.com.vn/resources/files/Tin-MB/tin-tuc/Nam-2024/Bao-cao-nghanh-12.2024/mb-report-4th-quarter-full.pdf.
3. Phan Thị Cúc và cộng sự (2022), Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí khoa học và công nghệ - Trường Đại học Bình Dương, 5(4), 61-76.
4. Vũ Văn Thực (2023), Phát triển ngân hàng số ở Việt Nam, truy cập từ https://thitruongtaichinhtiente.vn/phat-trien-ngan-hang-so-o-viet-nam-56289.html.
Ngày nhận bài: 10/02/2025; Ngày phản biện: 18/2/2025; Ngày duyệt đăng: 15/3/2025 |
Bình luận