Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội làm việc tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Sáng ngày 30/7/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng chủ trì buổi làm việc của Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội làm việc tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Mục đích của Buổi làm việc là trực tiếp lắng nghe ý kiến các đồng chí lãnh đạo địa phương trong Vùng về 04 nội dung:
- Tình hình triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên địa bàn. Những nét nổi bật về kết quả đạt được trong phát triển KTXH của vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói chung và từng địa phương nói riêng thời gian qua; đặc biệt là những nét mới, cách vận dụng sáng tạo, mô hình mới, thành công, hiệu quả.
- Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn còn tồn tại cần giải quyết, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính.
- Thực trạng trên do nguyên nhân gì (khách quan và chủ quan)? Chúng ta rút ra những kinh nghiệm gì?
- Bối cảnh, tình hình thời gian tới và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những giải pháp đột phá, sáng tạo để phát triển địa phương, vùng và cả nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên tinh thần phải có tư duy phát triển mới, đột phá, nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội để vượt qua thách thức, hoàn thành mục tiêu Chiến lược là nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Cùng tham dự Buổi làm việc có: đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Đồng chí Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí Bí thư tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Ngoại giao; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; các đồng chí lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các cục, vụ, viện của một số bộ, ngành; các đồng chí chuyên gia cao cấp và thành viên trong Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế xã hội.
Chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông là hai điểm nghẽn lớn nhất đối với sự phát triển của vùng
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Tiểu ban cập nhật dự báo về tình hình, xu hướng phát triển của quốc tế; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là pháp luật về đầu tư; định hướng xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn sau 2025.
Lãnh đạo các địa phương trong vùng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển và nêu đề xuất, kiến nghị với Trung ương.
Lãnh đạo các tỉnh đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, biến động thường xuyên. Tuy nhiên với sự điều hành quyết liệt, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng, nổi bật là Việt Nam trở thành điểm sáng trong phục hồi kinh tế, thu hút đầu tư; tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn mức trung bình của thế giới; lạm phát được kiềm chế dưới 4%, xuất siêu liên tục trong 9 năm…
Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng trưởng GRDP của vùng năm 2023 đạt 6,53%, cao hơn bình quân chung của cả nước (5,05%). GRDP bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 68 triệu đồng, cao hơn vùng Tây Nguyên, thu ngân sách năm 2023 của vùng vượt 17% so với dự toán.
Tuy nhiên, Vùng Trung du và miền núi phía bắc vẫn là vùng "lõi nghèo" của cả nước, nhiều tiềm năng lợi thế chưa được phát huy, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ…
Chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông là hai điểm nghẽn lớn nhất đối với sự phát triển của vùng. Cao Bằng không có trường đại học, không có cơ sở đào tạo chuyên sâu; Sơn La thiếu giáo viên tiểu học; hay thời gian để lãnh đạo tỉnh Điện Biên di chuyển sang Lào Cai dự họp mất 7 tiếng.
Các địa phương kiến nghị Trung ương có chính sách đầu tư phát triển mạnh hệ thống hạ tầng giao thông, trước hết là kết nối dọc, để đến năm 2030 không có tỉnh nào không có cao tốc đi qua, đồng thời tăng tính liên kết ngang; có chính sách đặc thù để phát triển nguồn nhân lực cho vùng.
Trung ương cũng cần quan tâm đẩy mạnh phân cấp cho địa phương về ngân sách, đầu tư công, đất đai, khoáng sản; đầu tư phát triển hạ tầng cửa khẩu quốc tế, mô hình cửa khẩu thông minh; xây dựng các chương trình mục tiêu giai đoạn sau 2025 với số lượng nhóm chính sách gọn hơn, tập trung hơn để các địa phương dễ thực hiện; hỗ trợ các địa phương trong vùng phát triển du lịch cộng đồng, khai thác tiềm năng văn hoá của vùng.
Phải có sự ưu tiên về cơ chế, chính sách, về nguồn lực cho phát triển Vùng và phải được đề cập trong văn kiện
Trong không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, các đồng chí lãnh đạo địa phương đã tập trung đề xuất các nội dung phục vụ xây dựng văn kiện Báo cáo Kinh tế - Xã hội.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Thường trực Trưởng Tiểu ban ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các thành viên Tiểu ban và các đại biểu dự họp; yêu cầu Tổ Biên tập nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Tiểu ban, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Kinh tế - Xã hội, trình các cấp có thẩm quyền.
Phó Thủ tướng Chính phủ đã tóm lược một số nội dung chính của Buổi làm việc như sau:
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước và Chính phủ chưa bao giờ xem nhẹ vai trò, vị trí chiến lược của Vùng. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, môi trường của cả nước. Trong thời gian gần đây, Vùng đang phải đối mặt những nguy cơ thiệt hại lớn do thiên tai, do vậy, chắc chắn phải có sự ưu tiên về cơ chế, chính sách, về nguồn lực cho phát triển Vùng và phải được đề cập trong nội dung văn kiện.
Thứ hai, điểm nghẽn lớn nhất cho sự phát triển Vùng là cải cách thể chế, chưa đáp ứng kịp thời, chưa thông thoáng; phân cấp, phân quyền chưa hiệu quả; chưa đủ hành lang pháp lý khi được phân cấp. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này, có thể Vùng chưa cần thiết phải xây dựng những cơ chế đặc thù cho phát triển. Dù vậy, việc xây dựng cơ chế đặc thù cho phát triển toàn vùng cần được quan tâm, nghiên cứu.
Thứ ba, một điểm nghẽn lớn nữa là nguồn nhân lực có chất lượng, có đủ số lượng ở cả khu vực công và khu vực tư nhân. Thiếu nhân lực chất lượng cao dẫn tới khó có thể thu hút được các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư tại Vùng. Đồng thời, cần chú trọng đến công tác đào tạo nghề, bảo đảm phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ làm công tác dân tộc.
Thứ tư, phải thúc đẩy liên kết vùng, liên kết tỉnh mạnh hơn nữa, thực chất hơn nữa, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước làm cơ sở cho sự liên kết này.
Thứ năm, các cơ quan Trung ương và địa phương sẽ cần rà soát, đánh giá lại việc phân bổ chỉ tiêu phát triển cho địa phương một cách hợp lý, tránh áp đặt như chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu về phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch…
Thứ sáu, cần có các cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để giữ được rừng, người làm rừng sống được từ rừng và giàu lên rừng. Đặc biệt cần có cơ chế, chính sách phù hợp đối với xây dựng thị trường tín chỉ các-bon; xem xét việc bán toàn bộ hay để lại một phần cho các doanh nghiệp trong nước.
Thứ bảy, phải phát triển mạnh du lịch, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương theo tiêu chí 4Đ: đẹp; độc đáo; đủ tiện nghi; đáng đến.
Nhấn mạnh việc xây dựng Báo cáo Kinh tế - Xã hội là một quá trình liên tục từ nay đến Đại hội XIV của Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các báo cáo; một mặt để xây dựng các văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, thành phố vào năm 2025; mặt khác để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, tổ chức các đoàn khảo sát chuyên đề tại các địa phương, đồng thời mong các địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Đại hội XIV.
Đồng thời Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đồng chí trong Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tổ Biên tập tiếp tục đào sâu suy nghĩ, tiến hành tổng kết, đánh giá một cách bài bản, khoa học từ cấp cơ sở để đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng các Văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng thành công tốt đẹp./.
Bình luận