Trong tháng 2/2021, từ thông tin công bố của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VBMA ghi nhận có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị là 1.040 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với tổng giá trị 1.515 tỷ đồng (chi tiết xem bảng). Đáng chú ý, trong tổng giá trị trái phiếu phát hành, thì nhóm doanh nghiệp bất động sản huy động được tới 1.915 tỷ đồng, tương đương 75% tổng giá trị phát hành.

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tháng 2/2021

STT

Tên công ty

Giá trị phát hành (tỷ đồng)

Kỳ hạn phát hành (năm

Hình thức phát hành

Ngành hoạt động

1

CTCP Chứng khoán Thành Công

190

6

Riêng lẻ

Chứng khoán

2

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt

400

3

Riêng lẻ

Bất động sản

3

CTCP INFINITY Land

450

3

Riêng lẻ

Khác

4

Tập đoàn Vingroup

1.515

3

Đại chung

Bất động sản

Theo cập nhật của VBMA, 2 tháng đầu năm nay, có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị 7.564 tỷ và 6 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với giá trị 4.134 tỷ đồng. Tương tự như diễn biến tháng 2 vừa qua, 2 tháng đầu năm nay, nhóm doanh nghiệp bất động sản ghi nhận giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường với tổng giá trị 7.291 tỷ đồng, tương đương 62% giá trị phát hành toàn thị trường.

Liên quan đến kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý I/2021, thông tin VBMA ghi nhận Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDS- HOSE) dự kiến phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, với lãi suất cố định cao nhất là 9,7%/năm.

Chứng khoán Rồng Việt tham vọng phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Ảnh: Internet

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc- CTCP (mã chứng khoán KBC- HOSE) đã thông qua kế hoạch phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi trong quý I năm nay, với lãi suất cố định là 10,5%/năm. Lợi tức sẽ được thanh toán 6 tháng/lần. KBC muốn sử dụng số tiền thu được để bổ sung vốn lưu động và đầu tư các dự án hiện có.

Với mức lãi suất mà các doanh nghiệp đang trả cho nhà đầu tư gần gấp đôi mặt bằng lãi suất gửi tiền tiết kiệm như hiện tại, dự báo kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục hút vốn của nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro.

Tuy nhiên, để kiểm soát rủi ro trong quá trình đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cảnh báo, nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý việc mua trái phiếu doanh nghiệp khác với gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Theo thông lệ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần lưu ý là lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, mà chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm của trái phiếu và những rủi ro có thể xảy ra. Nhà đầu tư cũng phải rất thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu do có rủi ro là các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết mua lại, do phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật hoặc không mua lại được do có khó khăn về tài chính.

Mặt khác, trước khi đưa ra quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu/tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các thông tin quan trọng như: Trái phiếu có tài sản đảm bảo hay không; kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.../.