Đứt gãy của chuỗi cung ứng ngành trong đại dịch

Doanh nghiệp logistic tìm đường vượt sóng Covid-19
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Western Pacific

Chia sẻ tại Talk show "Nguy cơ" tuần này ngày 12/8, bà Phạm Thị Bích Huệ, nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Western Pacific kiêm Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, ngành logistics trong nước đang chịu thiệt hại kép rất lớn từ sự biến động của ngành logistic toàn cầu, cũng như từ đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua.

Theo bà Huệ, một trong những thách thức hiện nay của ngành là thị phần logistics của Việt Nam đang ngày càng bị thu nhỏ lại, khi phải chia sẻ thị phần cho các tập đoàn đa quốc gia. Việt Nam không có đội tàu, vì vậy trong thời gian biến động vừa qua, việc đặt được một container được bà Huệ so sánh như “một phần thưởng rất lớn”, vì tất cả các đội tàu đều đang được chi phối bởi các tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài. “Việt Nam chưa tham gia vào thị trường đội tàu quốc tế nên việc tăng, giảm trong tổng chi phí logistics liên quan đến các cước phí vận chuyển của tàu rất cao. Chỉ cần có một quốc gia hay một chính phủ can thiệp vào đội tàu, thị phần giao thương hàng hóa của Việt Nam sẽ lập tức gặp khó khăn”, bà Huệ thẳng thắn nêu rõ vấn đề của ngành logistics hiện tại.

Nhận xét về hiện trạng của ngành logistics trong đại dịch Covid-19, bà Huệ cho rằng, đây là một bức tranh rõ nét về đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Cước phí đặt hàng hoàn toàn có thể tăng 1.000% chỉ sau một đêm, tức là tăng 10 lần. Điều đó làm ảnh hưởng đến những hợp đồng kinh doanh với đối tác và làm gãy toàn bộ những hoạch định và đàm phán trước đó. Vì vậy, doanh nghiệp logistics khó có thể đề ra những chiến lược lớn và ký kết các hợp đồng dài hạn với đối tác như trước đây, tất cả đều phải nghe ngóng, thăm dò thị trường và thích nghi với tính thực tế.

Không chỉ riêng câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp trong ngành như Western Pacific, khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phải "kêu Trời" vì chi phí logistics tăng mạnh từ năm 2020 tới nay, do cước vận tải và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng container. Thậm chí ở một số cảng, giá cước vận tải đã tăng 6 lần so với giá đầu năm 2020. Song ở giá đó, doanh nghiệp vẫn khó có thể thuê được container dẫn tới chậm trễ hoặc phải huỷ đơn hàng xuất khẩu, chi phí tăng mạnh do phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển.

Trong khi đó, sự bùng phát của làn sóng dịch Covid -19 lần thứ 4 với sự lây lan nhanh mạnh trên cả nước, nhất là trung tâm kinh tế lớn như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, ngoài miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang và nhiều địa phương khác, đã khiến sự đứt gãy chuỗi cung ứng càng thêm trầm trọng.

Theo số liệu do Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) tổng hợp nhanh về cung ứng, vận tải lưu chuyển hàng hóa, 100 % doanh nghiệp, hiệp hội được hỏi tại các tỉnh, thành cho biết việc cung ứng hàng hóa diễn ra đặc biệt khó khăn trong đợt bùng phát dịch lần này. Lý do là phải tuân thủ các yêu cầu mới về phòng chống, dịch bệnh, nhưng trên hết là do các yêu cầu khác nhau giữa các tỉnh, yêu cầu khác nhau giữa tỉnh với hướng dẫn từ trung ương.

Giao thông vận tải hàng hóa sụt giảm mạnh về hiệu suất trong 2 tháng qua do tắc các cung đường để chờ xét nghiệm, kiểm tra giấy tờ, phân luồng, hay do lái xe thành F0, F1, F2... Chưa kể các doanh nghiệp lĩnh vực này hoặc các chủ hàng phải gánh chịu thêm chi phí rất lớn để xét nghiệm cho lái xe vì hầu hết các tỉnh yêu cầu kết quả PCR có giá trị trong vòng 2-3 ngày.

Ví dụ điển hình được các hiệp hội, doanh nghiệp thống kê như trên cung đường Hà Nội - Hải Phòng cho thấy, thời gian đi lại của doanh nghiệp vận tải đã tăng từ 2h/1 lượt chạy thành 15-20h/1 lượt những ngày qua. Tức là 1 xe chở hàng đi và về Hà Nội - Hải Phòng giờ mất 2 ngày/1 chuyến hàng thay vì 1 ngày 2 chuyến như mọi khi. Trong khi đó, trên các cung đường bộ ngắn cho hoạt động xuất nhập khẩu, từ các tuyến tiêu biểu như cửa khẩu Hữu Nghị/Tân Thanh/Chi Ma/Móng Cái tới các khu công nghiệp ở Bắc Ninh/Bắc Giang/Hà Nội/ Phú Thọ/ Hải Phòng/Hải Dương/Nam Định..., thời gian đi lại mất thêm 0,5- 1 ngày/chuyến, cùng với chi phí trực tiếp tăng khoảng 20%- 30%/chuyến.

Tại các cung đường ngắn, thời gian và chi phí đã tăng như vậy, thì tại các cung đường bộ dài cho xuất nhập khẩu, quá cảnh từ cửa khẩu Hữu Nghị/Tân Thanh/Chi Ma/Móng Cái đi ChaLo/Lao Bảo/Mộc Bài/Bình Dương/ TP.HCM…, thời gian đi lại mất thêm từ 1-2 ngày/chuyến, cùng với chi phí trực tiếp cũng tăng thêm khoảng 15%, càng gia tăng thêm sức ép khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đã kiệt quệ vì dịch kéo dài.

Doanh nghiệp chủ động đối diện thách thức

Doanh nghiệp logistic tìm đường vượt sóng Covid-19
Bà Huệ tin rằng, Western Pacific của thời điểm hiện tại đã vượt qua thử thách, tạo được “kháng thể” để đối mặt với đại dịch

Trở lại với câu chuyện của Western Pacific, bà Bích Huệ cho biết, doanh nghiệp logistics của mình cũng không nằm ngoài "nỗi đau chung" toàn ngành. Chưa hết, doanh nghiệp trước đó lại còn phải gánh thêm nỗi đau mất mát do rủi ro hỏa hoạn đã thiêu hủy toàn bộ hệ thống kho 30.000m2 của Western Pacific vào năm 2019. Đối diện với khủng hoảng kép với một tâm thế bình tĩnh, nữ doanh nhân cho rằng, trong nguy luôn có cơ, coi đây là rủi ro nhưng ngược lại cũng là cơ hội để “khởi động lại” một trung tâm mới, hoàn thiện hơn và khắc phục những điều thiếu sót trước đây chưa tính toán được. Với góc nhìn thực tế của một doanh nhân, bà Huệ đã tái cấu trúc hệ thống và tự tin cho rằng, doanh nghiệp Western Pacific của thời điểm hiện tại đã vượt qua thử thách, tạo được “kháng thể” cần thiết để đối mặt với đại dịch.

Nhận định về khả năng phục hồi và triển vọng tăng trưởng của ngành trước cơn bão đại dịch, bà Huệ cho rằng, mặc dù là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch, nhưng logistics cũng là một ngành thích nghi rất nhanh, nếu có khả năng tái cấu trúc ngành một cách hiệu quả. Chia sẻ về những giải pháp khả thi cho ngành, Chủ tịch Western Pacific cho rằng, nếu chỉ xét về góc độ cung ứng cho xuất nhập khẩu thì logistics đang gặp rất nhiều khó khăn và thử thách, các chỉ số đều giảm. Dù vậy, nếu các doanh nghiệp nghiêm túc chuyển hướng phục vụ cho thị trường tiêu thụ nội địa thông qua thương mại điện tử thì các chỉ số sẽ có sự tăng trưởng.

Theo phân tích của bà Huệ, trong 10 năm trở lại đây, mọi người đều nghĩ khái niệm logistics là một ngành phục vụ cho hàng hóa giao thương, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, ngành logistics đã dần chuyển dịch khi có đến trên 50% phục vụ cho thị phần tiêu thụ nội địa, theo xu hướng tăng trưởng đột biến của thương mại điện tử. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, vì nó đặt ra những bài toán như tốc độ đổi mới công nghệ, chi phí vốn, chi phí đầu tư các trung tâm logistics phát triển cùng với các trung tâm thương mại điện tử.

“Các trung tâm logistics và thương mại điện tử đang nổi lên đều đòi hỏi các vị trí đất đẹp để hình thành hạ tầng thiết yếu cho ngành. Nếu các doanh nghiệp logistics và thương mại điện tử liên kết được với nhau và có kiến nghị với Chính phủ để tiếp cận các quy hoạch sớm nhất và đồng bộ từ ban đầu, Việt Nam có thể đi nhanh hơn các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài, vì chúng ta đang có thế mạnh trong khâu thực hiện thủ tục pháp lý, các thủ tục để tiếp cận với đất đai, với các nguồn tài nguyên”, bà Huệ phân tích. Vị doanh nhân này cũng đồng tình cho rằng, cần phải có những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để tạo ra những hiệu ứng, những trung tâm mới để điều tiết thị phần, thị trường một cách thích hợp nhất.

Trước mắt, để hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải và logistic vượt qua được cơn hoạn nạn đại dịch, ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) kiến nghị, Chính phủ, đặc biệt là các địa phương, cần khẩn trương tháo gỡ toàn bộ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu. “Các quy định về hàng hóa được vận chuyển lưu thông cần được áp dụng thống nhất trong cả nước, ưu tiên "luồng xanh" cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất”. Ông Khoa nhấn mạnh. Đại diện VLA đặc biệt đề xuất cần ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho người lao động trực tiếp làm dịch vụ logistics tại cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, xếp dỡ hàng..., để hoạt động logistics được liên tục, duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa. Dài hơi hơn, nhằm giảm khó khăn cho DN trong bối cảnh dịch kéo dài, VLA tiếp tục đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như việc áp dụng chính sách thu phí hạ tầng cảng biển ở TP. HCM từ 1/10, vốn đã khiến doanh nghiệp khó khăn lại càng thêm khó.

Doanh nghiệp logistic tìm đường vượt sóng Covid-19
Doanh nhân Trương Gia Bình mới đây đưa ra khái niệm "Doanh nghiệp vận tải/logistics xanh” như một giải pháp để phục hồi tăng trưởng ngành

Đáng chú ý, một khái niệm mới đi cùng chiến lược thoát dịch một cách bài bản đã được doanh nhân Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, đồng thời là Trưởng Ban nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp mới đây, đó là “Doanh nghiệp vận tải/logistics xanh”. Theo đó, "Doanh nghiệp vận tải/logistics xanh" là doanh nghiệp có lái xe, nhân viên logistics làm việc tại hiện trường (kho, bãi, cảng...) được tiêm đủ vắc xin, được cấp QR code về tình trạng tiêm chủng kèm tuân thủ quy định 5K trong thực hiện lưu thông hàng hóa. Theo ông Bình, cùng với việc hình thành các loại hình doanh nghiệp sản xuất xanh, vận tải/logistics xanh, đây sẽ là nền tảng quan trọng để tới đây tiếp tục phát triển doanh nghiệp du lịch xanh, doanh nghiệp hàng không xanh, các trang trại xanh..., giúp phục hồi những lĩnh vực kinh tế đặc biệt quan trọng này, từ đó tạo nguồn lực phục hồi mạnh mẽ cho nền kinh tế hậu đại dịch.

Chuyển đổi số và tái cấu trúc ngành, chìa khóa tăng trưởng tương lai

Nói về triển vọng trong trung và dài hạn của ngành khi đại dịch không còn là mối lo đè nặng cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, doanh nhân Bích Huệ tin vào tương lai tươi sáng của ngành logistics. “Chính phủ đang đặt nhiều sự quan tâm cho ngành. Bên cạnh đó, các lãnh đạo địa phương khi quy hoạch các vùng, các khu công nghiệp đều có đặt vấn đề cho logistics đồng hành. Nhìn chung, mọi người đã nhìn nhận và đánh giá được vai trò quan trọng của logistics trong nền kinh tế. Nhu cầu thuê dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam ngày càng tăng. Rõ ràng logistics đang phát triển theo một chiều hướng sâu hơn”, Chủ tịch Bích Huệ nhìn nhận.

Theo bà Huệ, Việt Nam có một chuỗi logistics từ mức thấp nhất đến mức cao nhất. Nếu các startup công nghệ có được các giải pháp kết nối tất cả các chuỗi cung ứng, chuỗi logistics thì đây sẽ là một tín hiệu tốt cho tương lai của ngành. Ngoài ra, cảng biển là một trong những ngành cốt lõi của mọi quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, nhưng hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một doanh nghiệp công nghệ nào phát triển được một hệ thống phần mềm quản lý cảng biển quốc tế. Nếu startup công nghệ có thể khai thác được vấn đề này, “đo ni đóng giày’’ sản phẩm cho từng chuỗi cung ứng, liên kết các chuỗi lại với nhau và bắt kịp xu thế mới, thì hoạt động logistics có đủ tiềm năng cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia./.