Doanh nghiệp vẫn “kêu” vì thanh tra, kiểm tra quá nhiều!
Thanh tra, kiểm tra vẫn chưa được kiểm soát
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 diễn ra giữa tháng 5/2017, nhiều doanh nghiệp phản án trong một năm bị hơn chục đoàn thanh tra, kiểm tra với một nội dung. Trước những bức xúc này, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kí Chỉ thị số 20 yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần trong năm đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau gần nửa năm thực hiện, việc thanh tra, kiểm tra quá nhiều vẫn gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Mới nhất, ngày 07/12/2017, Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh (có trụ sở ở TX. Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã gửi công văn “cầu cứu” đến chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh về việc công ty này bị quá nhiều cơ quan ban ngành vào kiểm tra, như: công tác bảo vệ môi trường, bảo hiểm xã hội, lao động thương binh xã hội....
Cụ thể, từ tháng 04/2017-12/2017 (8 tháng) đã có 8 đoàn kiểm tra, thanh tra Công ty XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh. Trong đó, từ 13/04/2017-30/06/2017 công ty này tiếp 4 đoàn thanh kiểm tra; theo lịch đã thông báo thì từ ngày 08/12-13/12/2017, công ty này tiếp tục phải tiếp 4 đoàn thanh tra khác.
Không chỉ riêng doanh nghiệp này, mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng gặp phải vấn đề nêu trên, trước đó, phản ánh tại Diễn đàn doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”, ngày 26/10/2017, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, mặc dù chủ trương hỗ trợ giảm kinh phí cho doanh nghiệp, nhưng thực tiễn các cơ quan vẫn thanh tra, kiểm tra vẫn hành doanh nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách cũ.
“Chính phủ đã quy định không kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần, nhưng hiện vẫn thanh tra kiểm tra 4 lần, mỗi lần như vậy phải làm thủ tục, tăng chi phí. Công tác phòng cháy chữa cháy cũng bị kiểm tra 4 lần mà doanh nghiệp kêu không được. Phần lớn cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về rào cản, đặc biệt là những chính sách đi vào cuộc sống đang bị hạn chế”, ông Đệ khẩn thiết.
Chính vì tình trạng thanh tra, kiểm tra vẫn chưa được kiểm soát, cùng với những hạn chế khác trong môi trường kinh doanh chưa được giải quyết triệt để, nên có đến trên 60% doanh nghiệp hiện nay vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên (11 tháng năm 2017 có 116 ngàn doanh nghiệp thành lập mới), nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng chưa giảm như kỳ vọng. Hiện nay cứ 3 doanh nghiệp mới, thì lại có 2 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động.
Cần phải đi vào thực chất!
Trước thực trạng trên, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cho rằng, hoạt động thanh, kiểm tra cần phải đi vào thực chất thay vì hô hào chung chung. Thanh tra, kiểm tra là công tác bắt buộc. Nếu không thanh tra, kiểm tra thì tức là buông công cụ quản lý nhà nước. Do đó, trong cách làm cần chấn chỉnh, yêu cầu các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra phải làm đúng luật, nếu kết luận sai phải chịu trách nhiệm và bồi thường.
Luật sư Đức cũng cho biết, có doanh nghiệp bức xúc, nhưng không phản ứng, thậm chí phải chiều thanh tra, mềm mỏng hết sức, hài hòa cho được việc. Nếu chống lại cũng chỉ gặp tai họa, nên nhiều khi họ chỉ đi "kêu gào" chung chung. Theo đó, ông Đức cho rằng, các doanh nghiệp cần phải trách các việc này để có thể bảo vệ mình.
Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trước yêu cầu nóng bỏng về cải cách hành chính và cải cách tư pháp như hiện nay, thì việc quan tâm gỡ bỏ hạn chế, vướng mắc trong công tác thanh tra phải là một trong những ưu tiên nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
“Việc thanh tra theo kế hoạch và thanh tra thường xuyên phải áp dụng trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, hậu quả lớn thì tần suất thanh tra cao hơn. Đối tượng có nguy cơ thấp thì có tần suất thanh tra thấp hơn. Việc xác định nguy cơ cao hay thấp phải dựa trên tiêu chí rõ ràng, công khai”, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị.
Mới đây, trong Hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra và 3 năm thi hành Luật Tiếp công dân ngày 12/12/2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu, các bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, đồng thời đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra từ Thanh tra Chính phủ tới thanh tra bộ, ngành, địa phương theo hướng nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện kế hoạch cho từng cuộc thanh tra.
Hy vọng, với những động thái tích cực này của Chính phủ, tình hình thanh, kiểm tra trong thời gian tới sẽ không còn là vấn đề gây "bức xúc" cho doanh nghiệp nữa!
Tham khảo từ:
Bảo Ngọc (2017). Doanh nghiệp kêu vẫn bị kiểm tra 4 lần một năm, truy cập từ http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-keu-van-bi-kiem-tra-4-lan-moi-nam-688682.vov
Trung Hiếu (2017). Vấn nạn thanh, kiểm tra chồng chéo, truy cập từ http://baodauthau.vn/phap-luat/van-nan-thanh-kiem-tra-chong-cheo-25125.html
Phương Nhung (2017). Doanh nghiệp vẫn sợ thanh, kiểm tra, truy cập từ http://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-van-so-thanh-kiem-tra-2017102121050867.htm
Bình luận