Đổi mới sáng tạo xanh giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường của DNNVV
Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Hội thảo "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam" được tổ chức sáng ngày 26/7/2024. Hội thảo trong khuôn khổ hợp tác giữa CIEM và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam,
ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu khai mạc |
Doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện ĐMST xanh
Trong những năm trở lại đây, thúc đẩy ĐMST xanh là xu hướng toàn cầu, được coi là giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. ĐMST xanh là xu hướng tất yếu, bao gồm các hoạt động: đổi mới thiết bị, sản phẩm, quy trình, chính sách và các dự án theo hướng xanh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, các hoạt động ĐMST xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị, giúp doanh nghiệp đáp ứng trước các tiêu chuẩn và các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, thu hút đầu tư và giúp doanh nghiệp tăng năng suất, năng lực công nghệ.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, ĐMST xanh đã được các doanh nghiệp, trong đó, có DNNVV, quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực, như: nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm…
Tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp cũng đã nhận thức được sự cần thiết phải ĐMST theo hướng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Nhiều mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được doanh nghiệp và chính quyền địa phương đẩy mạnh áp dụng như: kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh...
Bên cạnh đó, ĐMST xanh thông qua thực hành ESG (thực hiện ĐMST trong trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị), đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện.
Nhà nước cũng từng bước đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV trong thực hiện ĐMST xanh. Khung chính sách chung thúc đẩy ĐMST nói chung và ĐMST xanh đã được hình thành với nhiều cơ chế, chính sách pháp luật liên quan được ban hành và hoàn thiện; nhiều tổ chức hỗ trợ được hình thành, ví dụ như: NIC thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia thuộc Cục Phát triển thị trường và DN KHCN (Bộ Khoa học và công nghệ), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Huế Innovation Hub (Thừa Thiên Huế)...
Còn nhiều rào cản trong thực hiện ĐMST xanh tại các DNNVV Việt Nam
Mặc dù được quan tâm thực hiện, nhưng hoạt động ĐMST xanh trong DNNVV tại Việt Nam còn khá hạn chế.
Cụ thể, theo nghiên cứu của CIEM, mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong doanh nghiệp còn khá thấp, các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng không cao, sản phẩm mới với doanh nghiệp nhưng ít mới với thị trường. Phương thức ĐMST xanh phổ biến được nhiều DNNVV thực hiện chủ yếu là điều chỉnh những sản phẩm hiện có cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với điều kiện vận hành ở địa phương, hoặc thực hiện đổi mới quy trình dựa trên các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm khắc phục những lỗi kỹ thuật phát sinh từ thực tiễn sản xuất hay cải tiến hệ thống sản xuất hiện có.
Do hàm lượng công nghệ trong các DNNVV còn thấp, các doanh nghiệp chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào (đối với doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm), áp dụng quy trình tuần hoàn (doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản).
"Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ xanh hơn thực sự chưa nhiều", thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Luyến, đại diện nhóm nghiên cứu CIEM chỉ rõ.
Hệ thống giải pháp, chính sách liên quan đến thúc đẩy ĐMST, ĐMST xanh trong doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng còn thiếu nhất quán, chậm được hướng dẫn và vẫn còn những khoảng trống pháp lý. "Chẳng hạn như chưa có khái niệm, quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp ĐMST, doanh nghiệp ĐMST xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Các chính sách hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ DNNVV ĐMST, chuyển đổi xanh chủ yếu là các chương trình tập huấn và đào tạo, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu lớn về hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng", bà Luyến dẫn giải.
Các chính sách hỗ trợ phát triển xanh, hướng đến tiêu dùng xanh hiện nay còn chưa thực sự đồng bộ. Các chính sách thúc đẩy sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ để tạo ra những chuyển biến đáng kể về công nghệ và quy trình sản xuất. Tín dụng xanh chưa phổ biến, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng xanh còn ít. Việc phát triển thị trường tài chính xanh còn nhiều khó khăn…
Cần quan tâm huy động các nguồn lực tư nhân
TS. Nguyễn Thị Luyến, đại diện nhóm nghiên cứu CIEM nhấn mạnh, các giải pháp thúc đẩy DNNVV ĐMST xanh cần được triển khai linh hoạt dưới nhiều hình thức, công cụ; cần quan tâm tới cả các yếu tố/động lực bên trong, như: tính sáng tạo của người lao động, quy mô DN, nguồn lực của DN… lẫn các yếu tố/động lực bên ngoài, như: sự thay đổi của thị trường, áp lực từ người tiêu dùng…
Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, từ (i) các giải pháp chính sách nói chung; (ii) các giải pháp chính sách về tài chính, như: chi ngân sách nhà nước, hỗ trợ thuế, phí cho các hoạt động ĐMST xanh, thúc đẩy tiêu dùng theo hướng xanh, hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài trợ…; và (iii) các giải pháp chính sách phi tài chính, như: chính sách hỗ trợ kỹ thuật, chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất…
Mặc dù Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các DNNVV thực hiện ĐMST xanh, cũng cần quan tâm huy động các nguồn lực tư nhân, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng.
Đồng tình với các giải pháp do nhóm nghiên cứu đưa ra, nhìn ở góc độ doanh nghiệp và địa phương, TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, để thúc đẩy ĐMST xanh trong các doanh nghiệp, việc mô hình hóa một số kết quả đã được thực hiện trong thời gian qua tại các địa phương hoặc doanh nghiệp là cần thiết, nhằm xây dựng sổ tay, hoặc quy trình hướng dẫn về thực hành xanh, chuyển đổi xanh gắn với thực tiễn.
"Bên cạnh đó, việc xuất bản các tài liệu, nghiên cứu liên quan đến ĐMST xanh tại Việt Nam, và phổ biến rộng rãi các thông tin này tới cộng đồng doanh nghiệp, địa phương là cần thiết để các bên liên quan tham khảo, học hỏi mô hình", vị chuyên gia này đề xuất./.
Bình luận