Đổi mới tư duy, xây Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới
Nắm bắt thời cơ, mở rộng hợp tác với các tập đoàn lớn
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Đề án Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trong tháng 6/2021
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành trong Tổ công tác đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của Tổ công tác đề ra tại Phiên họp lần thứ nhất. Các bộ, ngành đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm nắm bắt thời cơ, cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới với các tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị toàn cầu…
Về công tác xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương cập nhật, tổng hợp, xây dựng danh sách tập đoàn, doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng, đầu tư mới, đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam, gửi các cơ quan liên quan, chủ động tìm hiểu, hợp tác đầu tư. Về truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và địa phương chủ động triển khai theo kế hoạch.
Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài có chất lượng hơn nữa, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục triển khai có hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 97/TB-VPCP ngày 27/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Phiên họp lần thứ nhất Tổ công tác, trong đó lưu ý 03 nhóm nhiệm vụ chính là tham mưu, đề xuất chính sách; xúc tiến đầu tư; truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và ý kiến của các bộ, ngành, khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030, các đề án và báo cáo nêu tại Công văn số 1350/VPCP-QHQT ngày 03/3/2021 trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2021.
Liên quan đến một số nội dung, đề xuất kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương xem xét, giải quyết và đề xuất các giải pháp tiếp cận và thúc đẩy xúc tiến đầu tư.
Đổi mới tư duy trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Dịch bệnh đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn, nhà đầu tư chiến lược về hình thành trung tâm sản xuất và họ có định hướng mới trong chiến lược kinh doanh là đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phân tán chuỗi cung ứng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ như vậy tại cuộc tọa đàm cuối tháng 5/2021 và cho biết, chính điều này tác động rất nhiều đến các địa bàn hấp dẫn thu hút đầu tư khi các nhà đầu tư lớn thay đổi chiến lược, trong đó có Việt Nam.
Nhiều nhà đầu tư không nhất thiết phải đến Việt Nam vẫn có thể đầu tư một lượng tiền lớn vào Việt Nam, nên cách tiếp cận của chúng ta cũng phải thay đổi. Cái khó nhất là đổi mới trong tư duy để kịp thời nắm bắt cơ hội trong tình hình mới. Thứ trưởng Trần Quốc Phương |
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết mua vaccine có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt y tế, mặt khác thể hiện sự kịp thời trong sự phản ứng của Chính phủ đối với công tác phòng chống Covid-19 năm 2021. Về mặt kinh tế, việc tiêm Vaccine nhanh nhất trên diện rộng đem lại niềm tin cho cộng đồng người dân và doanh nghiệp. Trong thời điểm hiện nay, đây là biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng cho biết, mục tiêu phải kiên định, nhưng giải pháp cần linh hoạt, tuỳ theo diễn biến của dịch bệnh cũng như diễn biễn của kinh tế trong nước và thế giới. Dịch bệnh đang làm thay đổi suy nghĩ của nhà đầu tư nước ngoài lớn, Thứ trưởng chia sẻ và cho biết, hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài không cần đến Việt Nam vẫn có thể đầu tư một lượng tiền lớn vào Việt Nam và hoàn toàn tin tưởng vào doanh nghiệp mà họ đầu tư. “Nhà đầu tư không nhất thiết phải đến Việt Nam thì cách tiếp cận của chúng ta cũng phải thay đổi. Chúng ta không thể tổ chức các cuộc roadshow, xúc tiến đầu tư theo từng đoàn ra nước ngoài. Cái khó nhất là đổi mới trong suy nghĩ và tư duy, kịp thời nắm bắt cơ hội trong tình hình mới”, ông chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng, năm 2020, có thể thấy rõ niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, uy tín của Việt Nam tăng lên từ thành công trong việc chống dịch, môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn. Theo đó, Việt Nam phải duy trì được môi trường đầu tư, kinh doanh không những ổn định mà còn mà càng ngày càng thông thoáng hơn. Bài học thứ hai là ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài khi họ tìm đến Việt Nam. Thứ ba là nhanh nhưng phải hiệu quả: vấn đề về lao động, công nghệ, môi trường... được đặt lên bàn để chúng ta lựa chọn phương án tối ưu nhất, không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả trong trung và dài hạn.
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỉ USD, chiếm gần 39,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỉ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,5 tỉ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư...
Trong 4 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn lạc quan với vốn đầu tư thực hiện dự án FDI tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp, báo cáo dòng vốn đầu tư toàn cầu của Công ty Chứng khoán SSI phát hành ngày 7/6/2021 cho biết, trong tháng 5/2021, các quỹ cổ phiếu có thêm 75 tỷ USD vốn vào, tăng 12% so với vốn vào trong tháng 4. Vốn đầu tư toàn cầu chảy mạnh vào các thị trường phát triển, chiếm 67 tỷ USD, tương đương 91% tổng vốn vào cổ phiếu và hầu hết là thông qua các quỹ ETF.
Quỹ ETF là loại hình quỹ đầu tư thụ động, thu hút vốn đầu tư đại chúng và đầu tư nương theo chỉ số chứng khoán của các thị trường. Quy mô tổng tài sản các quỹ ETF trên toàn cầu lên đến trên 11.000 tỷ USD vào cuối năm 2019. Tại Việt Nam, loại hình này cũng có sự phát triển mạnh trong vài năm gần đây, trong đó, riêng 2 quỹ ngoại FTSE Vietnam ETF và V.N.M ETF có quy mô dao động từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD. Các quỹ ETF nội địa có giá trị khoảng 500 triệu USD.
Trên thị trường cổ phiếu Việt Nam, thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho biết, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 18,5%-20% tổng số cổ phiếu toàn thị trường. Một số chuyên gia cho rằng, Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới cần đề ra giải pháp mang tính tổng thể, thu hút cả vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam trong thập niên mới./.
Bình luận