Nhà đầu tư nước ngoài tăng cường "rót" vốn

Từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tiếp tăng trưởng qua các tháng. Qua đó làm nền tảng, tạo đà cho sản xuất của doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế khởi sắc đã giúp cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2024 ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.487,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,9%; may mặc tăng 8,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 5,6%.

Từ những con số thống kê về mức tăng trưởng, thị trường bán lẻ nội địa nước ta tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Lũy kế đến tháng 11/2024, ngành bán buôn bán lẻ có tổng vốn đăng ký đạt gần 1,37 tỷ USD, đứng thứ 3 về thu hút FDI trong số các ngành. Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,3%) và số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 42,4%).

Nhiều đại gia đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore đã hiện thực hóa mục tiêu mở rộng tại thị trường Việt Nam. Trong đó, phải kể đến những công ty lớn như: BRG, Aeon (Nhật Bản)… Điển hình có thể kể đến sự kiện ngày 1/6/2024, Tập đoàn BRG phối hợp với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) khai trương siêu thị FujiMart tại phố Giảng Võ (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), đưa tổng số điểm bán của hệ thống FujiMart tại Hà Nội lên 11 điểm. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Aeon Việt Nam) vừa tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm thương mại Aeon Tân An, tại tỉnh Long An. Đây là trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam của Aeon Việt Nam và là trung tâm thương mại Aeon đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025. Aeon Việt Nam có kế hoạch mở mới đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau; mở rộng và phát triển thêm các điểm mua sắm Aeon tại các trung tâm thương mại của các đối tác khác.

Nhà đầu tư nước ngoài liên tục rót vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam
Khai trương siêu thị FujiMart tại phố Giảng Võ

Doanh nghiệp nội cần tăng khả năng cạnh tranh

Việc các nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào thị trường Việt Nam gây nên sức ép nhất định đến thị phần cho doanh nghiệp nội địa do có lợi thế về năng lực cạnh tranh, về quy mô và chuỗi liên kết toàn cầu với các nhà sản xuất.

Trong tương lai, khi thị trường bán lẻ hoàn toàn mở cửa, nếu không có chiến lược phát triển phù hợp, doanh nghiệp trong nước có thể đối diện với nguy cơ mất thị phần, cũng như “vị trí” trên thị trường khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài liên tục rót vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam

Nếu không có chiến lược phát triển phù hợp, doanh nghiệp trong nước có thể đối diện với nguy cơ mất thị phần

Do đó, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng đầu trong nước cần đạt được các mối liên kết đủ mạnh để tạo ra chuỗi cung ứng bán lẻ khép kín từ sản xuất, chế biến, vận chuyển... cho đến khâu phân phối bán lẻ tới người tiêu dùng, đảm bảo được sự liên kết chặt chẽ và linh hoạt trong toàn chuỗi cung ứng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hàng hóa, các dịch vụ bán hàng và sau bán hàng và quan trọng nhất là giá bán cạnh tranh.

Các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng đầu trong nước cần đạt được các mối liên kết đủ mạnh để tạo ra chuỗi cung ứng bán lẻ khép kín từ sản xuất, chế biến, vận chuyển... cho đến khâu phân phối bán lẻ.

Khẩn trương nâng cao chất lượng cung ứng, hạ giá bán hàng hóa, thông qua chính sách liên kết với các nhà sản xuất, chế biến, hoặc đầu tư sản xuất sản phẩm, hàng hóa cho hệ thống cung ứng của mình, mặt khác liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng.

Nhanh chóng tạo lập và phát triển hệ thống chuỗi, chân rết ở các địa phương, tìm kiếm vị trí kinh doanh thuận lợi và đầu tư bài bản. Vượt qua các thách thức và chuyển đổi từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới.

Đồng thời, xây dựng thương hiệu và tham gia mạnh mẽ vào các mô hình bán hàng thông qua thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên truyền hình, điện thoại. Hướng tới phát triển bền vững thông qua chú trọng tới yếu tố cốt lõi như lợi ích của người tiêu dùng và những đóng góp tích cực cho xã hội./.