Đóng góp của người Việt cho nghiên cứu về cơ chế của việc tấn công tự sát và xây dựng hòa bình thế giới
Hàng nghìn người thân của các nạn nhân trong cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đăng hình ảnh bạn bè và người thân trong tuyệt vọng
Các tôn giáo lớn trên thế giới ngày nay đều đề cao giá trị mạng sống con người, ngăn cấm tự sát, khuyên dạy về hòa bình và lên án giết chóc. Vậy thì lý do nào khiến một số người đi đến quyết định thực hiện những vụ đánh bom liều chết đẫm máu như thế?

Tấn công khủng bố luôn là vấn đề nhức nhối toàn cầu. Với mục tiêu gây sợ hãi hoảng loạn quy mô lớn, đánh bom liều chết thường được các tổ chức khủng bố xem là phương án tối ưu. Ngay trong đại dịch COVID-19, các vụ tấn công khủng bố, đặc biệt là đánh bom liều chết, vẫn xảy ra trên khắp các châu lục.

Thêm vào đó, chiến sự giữa Nga và Ukraine hiện đang làm gia tăng xung đột cấp quốc tế, đồng thời cũng ảnh hưởng xấu đến hệ thống kinh tế toàn cầu vẫn chưa kịp hồi phục từ tác động của đại dịch. Trong tình hình thế giới hiện nay, khi mà nhiều nhóm người đang lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, các mâu thuẫn về tư tưởng và niềm tin giữa các nhóm người ngày càng trở nên lớn hơn, nguy cơ khủng bố đang gia tăng một cách nhanh chóng.

Rất nhiều người trên thế giới biết đến và vẫn còn nhớ vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ của nhóm Hồi giáo cực đoan al-Qaeda. Sau sự kiện chấn động này, các cơ quan chống khủng bố, đặc biệt của các nước lớn, như: Mỹ, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, đã được tăng cường đầu tư và hoạt động ráo riết, bao gồm tấn công quân sự vào các tổ chức khủng bố. Qua hai thập kỷ, những chiến dịch chống khủng bố cực kỳ tốn kém và đẫm máu đã không thể triệt tiêu được mầm mống cực đoan và các vụ đánh bom liều chết vẫn tiếp tục xảy ra. Nhiều chuyên gia cố gắng đi tìm đặc tính nhân cách của những kẻ tấn công liều chết, nhưng không thành công và vẫn không biết chính xác được ai có nguy cơ cao sẽ trở nên cực đoan hóa. Một số cơ quan truyền thông đổ lỗi cho yếu tố tôn giáo, tuy nhiên, đây là ý kiến không có bằng chứng khoa học. Các tôn giáo lớn trên thế giới ngày nay đều đề cao giá trị mạng sống con người, ngăn cấm tự sát, khuyên dạy về hòa bình và lên án giết chóc. Vậy thì lý do nào khiến một số người đi đến quyết định thực hiện những vụ đánh bom liều chết đẫm máu như thế?

Để trả lời câu hỏi hóc búa này, 3 nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành (Trường Đại học Phenikaa, Hà Nội) - TS. Vương Quân Hoàng, ThS. Nguyễn Minh Hoàng và ThS. Lê Tâm Trí - đã đi sâu vào cơ chế xử lý thông tin mindsponge của suy nghĩ con người trong cuốn sách với tiêu đề “A Mindsponge-Based Investigation into the Psycho-Religious Mechanism Behind Suicide Attacks” [cuộc điều tra dựa trên quá trình mindsponge về cơ chế tâm lý-tôn giáo đằng sau các vụ tấn công tự sát]. Sách được xuất bản năm 2021 bởi Nhà xuất bản De Gruyter/Sciendo, Ba Lan [1]. Cuốn sách đặc biệt tìm hiểu về vai trò của niềm tin trong việc tiếp cận nguồn thông tin và đánh giá thông tin. Điều này cực kỳ quan trọng khi người theo tôn giáo nảy sinh ý định tự sát, vì đây là thời điểm họ rất cần được giúp đỡ về mặt thông tin (ví dụ như ý nghĩa của cái chết) từ những vị lãnh đạo tôn giáo mà họ tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong môi trường nhiều mâu thuẫn, xung đột, hoặc cảm xúc tiêu cực, các tổ chức cực đoan có thể lợi dụng cơ hội, bẻ cong giáo lý, thuyết phục người có ý định tự sát đi đến việc tấn công tự sát.

Dựa trên cơ chế mindsponge [2,3], cuốn sách chỉ rõ mối nguy hiểm của sự cô lập thông tin, phân biệt đối xử, và hậu quả tâm lý của xung đột đổ máu. Yếu tố cốt lõi của gìn giữ hòa bình là xây dựng niềm tin. Mọi người đều biết đến khái niệm vòng lặp của bạo lực và cuốn sách này, trên phương diện khoa học tâm lý, đưa ra cách giải thích rõ ràng cho lý do, cơ chế, và khả năng can thiệp hiệu quả đối với hành vi tấn công tự sát có yếu tố tôn giáo. Cuốn sách cũng cho thấy, tại sao một môi trường sinh hoạt đa văn hóa, giàu trao đổi thông tin, được quản lý một cách hệ thống và hợp lý (như ví dụ lấy từ Đại học Ritsumeikan APU, Nhật Bản) là cơ sở tốt cho việc tạo dựng và củng cố quan hệ quốc tế.

Đóng góp của người Việt cho nghiên cứu về cơ chế của việc tấn công tự sát và xây dựng hòa bình thế giới
Tình hình căng thẳng leo thang hiện nay trên thế giới có thể xem là cái nôi cho khủng bố trong tương lai gần

Tình hình căng thẳng leo thang hiện nay trên thế giới có thể xem là cái nôi cho khủng bố trong tương lai gần. Nhu cầu về việc hiểu rõ lý do, cơ chế, và khả năng can thiệp hiệu quả đối với hành vi tấn công tự sát có yếu tố tôn giáo đang ngày một gia tăng. Chính vì thế, cuốn sách trên đang được lưu trữ tại nhiều thư viện lớn trên thế giới, như: Thư viện Đại học Harvard, Viện Hàn lâm Khoa học Áo, Thư viện Hoàng gia Hà Lan, Đại học California - Berkeley, Thư viện Quốc gia Thụy Điển và nhiều thư viện khác ở Anh Quốc, Thụy Điển, Đức...

Hy vọng rằng, khi khoa học Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế, các nhà khoa học Việt Nam sẽ càng có nhiều đóng góp và cống hiến hơn cho công cuộc chống khủng bố và xây dựng nền hòa bình thế giới trên cơ sở tin tưởng và hợp tác./.

Tài liệu tham khảo

1. Vuong Q H, Nguyen M H, Le T T. (2021). A mindsponge-based investigation into the psycho-religious mechanism behind suicide attacks. Warsaw, Poland: De Gruyter / Sciendo.

2. Vuong Q H (2016). Global mindset as the integration of emerging socio-cultural values through mindsponge processes: A transition economy perspective. In J. Kuada (Ed.), Global Mindsets: Exploration and Perspectives (pp. 123-140), New York: Routledge.

3. Vuong Q H, Napier N K. (2015). Acculturation and global mindsponge: An emerging market perspective, International Journal of Intercultural Relations, 49, 354-367

Nguyễn Thanh Thanh Huyền

Trường Đại học Phenikaa