Hành trình gian nan đưa phương pháp khoa học Việt Nam vào thực tiễn ứng dụng thế giới
Trong buổi gặp gỡ các đại biểu trí thức và nhà khoa học sáng 30/12 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ định hướng phát triển tầm vóc khoa học Việt Nam. Tổng Bí thư nhấn mạnh trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong việc giúp đất nước bắt kịp, tiến cùng và bứt phá, vượt qua chính mình, hướng tới mục tiêu đứng đầu khu vực và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Đây được xem là một quyết sách hợp với quy luật phát triển và nguyện vọng của nhân dân, tạo động lực đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới [1].
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức và nhà khoa học. Ảnh: nhandan.vn |
Để đi vào thực tiễn, quyết sách trên cần được thực thi và vượt qua nhiều thách thức. Quan trọng là phải từng bước đạt được những kết quả cụ thể, làm cơ sở để tiếp tục điều chỉnh, đầu tư và phát huy sức mạnh. Đối với nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành (ISR), Trường Đại học Phenikaa, thực tiễn này được thể hiện rõ qua việc phát triển và hoàn thiện chương trình bayesvl cùng Khung Phân tích Bayesian Mindsponge Framework (BMF) [2,3].
Chương trình bayesvl là một phần mềm trên môi trường lập trình và trực quan hóa dữ liệu R, được xây dựng dựa trên phương pháp thống kê Bayes, với mục tiêu mang lại hiệu quả sư phạm và sáng tạo tối ưu cho người dùng. Trong khi đó, Khung Phân tích BMF kết hợp sức mạnh của Lý thuyết Mindsponge với thống kê Bayes. Phương pháp luận này hỗ trợ các nhà nghiên cứu hình thành ý tưởng và thực hiện nghiên cứu, soạn thảo bài viết và phản biện một cách sáng tạo, đồng thời giảm thiểu chi phí làm khoa học đáng kể. Một số kết quả ban đầu của chương trình bayesvl và Khung Phân tích BMF, được trình bày trong bảng số liệu dưới đây, có thể giúp nói thay nhiều lời về tiềm năng, cũng như khả năng ứng dụng của phương pháp (xem Bảng 1).
Bảng 1: Thống kê số lượng công trình khoa học ứng dụng chương trình bayesvl/Khung Phân tích BMF hàng năm và tích lũy
Năm | Số công trình khoa học hàng năm | Tổng số lượng công trình tích lũy | Tổng số lượng tác giả tích lũy | Tổng số lượng tổ chức tích lũy | Tổng số lượng quốc gia tích lũy |
2024 | 27 | 69 | 133 | 162 | 16 |
2023 | 14 | 42 | 66 | 109 | 12 |
2022 | 7 | 28 | 49 | 82 | 7 |
2021 | 15 | 21 | 41 | 65 | 5 |
2020 | 4 | 6 | 25 | 41 | 4 |
2019 | 2 | 2 | 14 | 11 | 3 |
Sau 6 năm phát triển và hoàn thiện, phương pháp khoa học của Việt Nam đã hỗ trợ hơn 130 nhà nghiên cứu từ 16 quốc gia, bao gồm: Canada, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, Nam Phi, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Úc, và nhiều quốc gia khác, hoàn thành gần 70 công trình nghiên cứu khoa học. Trong đó, có nhiều nghiên cứu quan trọng mang tầm vóc quốc tế và quốc gia, được xuất bản ở các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới, như: Humanities and Social Sciences Communications (Nature Research), Heliyon (Cell Press), Research Evaluation (Oxford University Press), Marine Policy (Elsevier), Technology in Society (Elsevier)… Nhiều dự án trong số này đã đóng góp đáng kể vào việc đào tạo tiến sĩ ở các nước. Gần đây, Khung Phân tích BMF còn được áp dụng để hướng dẫn nghiên cứu sinh tại các trường đại học như: Đại học Nairobi (Kenya), Đại học Pretoria (Nam Phi), và Đại học Công nghệ Chinhoyi (Zimbabwe) [4].
Quá trình phát triển và hoàn thiện chương trình bayesvl cùng Khung Phân tích BMF mang lại một số đúc rút thực tiễn quý giá, có giá trị tham khảo, giúp hỗ trợ các nhà khoa học và trí thức thực hiện thành công định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển tầm vóc khoa học Việt Nam.
Trước khi triển khai dự án, các nhà nghiên cứu cần xác định vấn đề một cách kỹ lưỡng, đánh giá khả năng của bản thân trung thực, nhìn kỹ vào khó khăn, thách thức, không né tránh. Điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu xác định được liệu dự án triển khai có mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng và xã hội, cũng như khả năng hoàn thành của dự án. Khi đã xác định được việc đáng làm, thì cần có ý chí và sự kiên định hoàn thành các mục tiêu đã được đặt ra, kể cả chấp nhận rủi ro gây kéo dài, tốn công sức, hoặc thậm chí thất bại.
Trên thực tế, để chương trình bayesvl của Việt Nam được xuất bản chính thức trên CRAN – hệ thống thư viện chuẩn của R – vào ngày 14/05/2019, cũng cần 2 năm để phát triển, từ lúc lên ý tưởng từ cuối năm 2017 [5]. Ngay cả khi phần mềm đã được phát triển thành công, việc cải tiến và hoàn thiện phương pháp, nhằm nâng cao năng lực phân tích và hiệu quả nghiên cứu khoa học vẫn được tiếp tục. Điều này đã giúp cho ra đời Khung Phân tích BMF vào đầu năm 2021 và sau đó là sách phương pháp luận BMF được xuất bản năm 2022. Hiện nay, sách phương pháp luận của Việt Nam đã được lưu trữ trong các thư viện lớn trên thế giới như: thư viện của Đại học Harvard, thư viện hệ thống trường của Đại học California, Đại học Bonn, Đại học New York… [6].
Để phương pháp được lan tỏa rộng rãi, sự chủ động và bền bỉ của đội ngũ phát triển trong việc tự mình áp dụng phương pháp cho đến khi đạt được kết quả thực tiễn là yếu tố then chốt. Chính điều này không chỉ chứng minh công năng, tính hữu dụng và khả năng tiết kiệm chi phí, mà còn giúp các nhà nghiên cứu khác nhận thấy và tự đánh giá giá trị của phương pháp [7]. Trong giai đoạn đầu ứng dụng chương trình bayesvl, số lượng công trình nghiên cứu được xuất bản còn khá khiêm tốn, với 2 công trình trong năm 2019 và 4 công trình trong năm 2020. Khi độ hữu dụng của chương trình đã được chứng minh, số lượng nghiên cứu tăng vọt vào năm 2021, gấp 3 lần so với năm 2020. Năm 2022 chứng kiến sự chững lại, với 7 công trình được xuất bản, do đội ngũ phát triển tập trung vào hoàn thiện và xuất bản sách phương pháp luận BMF. Tuy nhiên, sự đầu tư dài hạn này đã tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm 2023 và 2024, khi số lượng công trình ứng dụng chương trình bayesvl và Khung Phân tích BMF tăng gấp đôi mỗi năm. Đến năm 2024, tổng số lượng nhà nghiên cứu và quốc gia áp dụng phương pháp này cũng đã tăng khoảng 3 lần so với năm 2021.
Thêm vào đó, sự lan tỏa của phương pháp còn bắt nguồn từ tinh thần sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các nhà nghiên cứu khác. Trung tâm ISR đã xây dựng nền tảng Cổng thông tin SM3D, nhằm hỗ trợ đào tạo phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội cho các nhà khoa học trẻ và các nhà khoa học ở những nước đang phát triển. Từ lúc chính thức đưa vào hoạt động ngày 22/06/2022, hơn 100 dự án hợp tác nghiên cứu đã và đang được triển khai trên nền tảng của Việt Nam, qua đó đào tạo hơn 100 nhà nghiên cứu đến từ 66 tổ chức ở 18 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong đó, khoảng 85% thành viên là các nhà nghiên cứu đến từ các nước đang phát triển. Một số tổ chức tiêu biểu liên kết với các nhà khoa học trên nền tảng bao gồm: Đại học Calcutta (Ấn Độ), Đại học Chính Pháp Trung Quốc, Đại học Monash (Úc), Đại học Pretoria (Nam Phi), Đại học Pepperdine (Hoa Kỳ), Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Pháp), Đại học Công giáo Widya Mandala Surabaya (Indonesia)…
Việc cùng nhau hoàn thành công việc không chỉ giúp các nhà nghiên cứu đạt được mục tiêu chung, mà còn tạo cơ hội để đội ngũ phát triển phương pháp nhận diện các điểm cần cải thiện, đồng thời điều chỉnh phương pháp truyền thông và đào tạo sao cho hiệu quả hơn. Điều này mở ra cơ hội cho nhiều nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp để đóng góp tích cực vào khoa học. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp của nhà nghiên cứu Trần Thiên Vũ (Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn), người biết đến phương pháp BMF qua Hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy môn toán trong lĩnh vực khoa học xã hội”, do Viện Toán Cao cấp (VIASM) và Trường Đại học Hà Nội tổ chức vào tháng 11/2023. Sau đó, ông cùng nhà khoa học Lê Mạnh Tân (Công ty Royal HaskoningDHV) đã tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu trên Cổng thông tin SM3D. Trước khi năm 2024 kết thúc, cả hai nhà khoa học đã nhận tin vui khi công trình nghiên cứu hợp tác cùng nhà khoa học Amancio M. Melad III (Đại học De La Salle, Philippines), sử dụng phương pháp BMF, được chính thức xuất bản trên tạp chí Discover Sustainability (Springer) [8].
Trong hành trình nghiên cứu khoa học, việc đối mặt với định kiến – từ chính bản thân nhà nghiên cứu, ngành nghiên cứu đến xã hội – là điều không thể tránh khỏi. Những định kiến này có thể được ví như những sợi xích vô hình, tạo ra lực cản tâm lý, kìm hãm khả năng tư duy, sự tò mò trí tuệ thuần khiết và tự do suy nghĩ của nhà khoa học. Do đó, việc nhận diện, giải tỏa và vượt qua các định kiến là yếu tố then chốt để các nhà khoa học có thể phát triển ý tưởng sáng tạo và thực hiện những nghiên cứu mang tính đột phá. Một hệ tư duy và văn hóa khoa học cởi mở sẽ khuyến khích các nhà nghiên cứu bước ra khỏi vùng an toàn, mở rộng hiểu biết, học hỏi tri thức mới, và không ngừng thử nghiệm ý tưởng của mình. Chính nhờ được thiết kế dựa trên nền tảng tư duy và văn hóa này, mà phương pháp BMF cho phép các nhà khoa học thực hiện những dự án nghiên cứu liên ngành phức tạp, có giá trị và tác động sâu rộng. Thực tế cho thấy, chính cách tiếp cận liên ngành cũng tạo ra các điều kiện cần thiết cho đổi mới sáng tạo, bởi những tri thức tưởng chừng không có giá trị trong một lĩnh vực lại có thể là chìa khóa để giải quyết những thách thức lớn trong lĩnh vực khác.
Cuối cùng, việc duy trì thái độ khiêm cung và tận tụy, luôn lấy phục vụ khoa học và cộng đồng làm mục tiêu cao đẹp nhất, không chỉ là điều kiện quan trọng để đạt thành công trong nghiên cứu, mà còn là yếu tố cốt lõi đảm bảo tính bền vững của các thành quả đạt được. Với tinh thần xem khoa học là công cụ phục vụ cộng đồng thông qua việc sản xuất tri thức, các thành viên ISR luôn sẵn sàng dấn thân, hoàn thành mọi nhiệm vụ dù lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, không câu nệ loại hình công việc hay phương hướng tiếp cận, miễn là công việc đó mang lại giá trị cho khoa học và cộng đồng. Chính tinh thần này tạo nên sự kiên nhẫn và bền bỉ trong đội ngũ, như những chú kiến cần mẫn xây tổ, đồng thời tránh được tư duy tự mãn, để từ đó nuôi dưỡng năng lực hoàn thành những mục tiêu khó khăn và dài hạn.
Đứng trước cơ hội vươn mình của dân tộc, Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn lên trở thành nước dẫn đầu về khoa học và công nghệ trong khu vực, thậm chí cạnh tranh trên trường quốc tế, nếu các nhà khoa học và trí thức nuôi dưỡng quyết tâm lớn, ý chí sắt đá, tinh thần chủ động, thái độ cầu thị cởi mở và xây dựng một văn hóa khoa học hướng thượng, luôn lấy phục vụ khoa học và cộng đồng làm trọng tâm. Cùng với đó, nhà nước và xã hội cần tập trung hỗ trợ đầy đủ về nguồn lực và cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển các đội ngũ, trung tâm nghiên cứu vững mạnh, cũng như các hệ thống lý thuyết và phương pháp luận do nhà khoa học, trí thức Việt phát triển. Những yếu tố này sẽ là nền tảng thúc đẩy sự phát triển khoa học bền vững và mang tính cách mạng./.
References
[1] Tổng Bí thư Tô Lâm. (2024). Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt trí thức, nhà khoa học. https://vnexpress.net/tong-bi-thu-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-la-con-duong-de-but-pha-4833611-p2.html
[2] La, V. P., & Vuong, Q. H. (2019). bayesvl: Visually Learning the Graphical Structure of Bayesian Networks and Performing MCMC with ‘Stan’. The Comprehensive R Archive Network. https://cran.r-project.org/web/packages/bayesvl/index.html
[3] Vuong, Q. H., Nguyen, M. H., & La, V. P. (2022). The mindsponge and BMF analytics for innovative thinking in social sciences and humanities. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/8367405102/
[4] Thường, C. (2024). “Xuất khẩu” BMF sang châu Phi qua “ngả đường” Indonesia. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/10145/xuat-khau-bmf-sang-chau-phi-qua-nga-duong-indonesia.aspx
[5] Hạnh, H. P. (2019). Chương trình máy tính bayesvl trong môi trường R: Đóng góp Việt cho khoa học thế giới. https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/chuong-trinh-may-tinh-bayesvl-trong-moi-truong-r-dong-gop-viet-cho-khoa-hoc-the-gioi/20190613093044113p1c160.htm
[6] Huệ, N. T. H. (2024). Nhìn lại 5 năm phát triển chương trình phân tích thống kê Bayes của người Việt. https://kinhtevadubao.vn/nhin-lai-5-nam-phat-trien-chuong-trinh-phan-tich-thong-ke-bayes-cua-nguoi-viet-28667.html
[7] Hoàng, V. Q., Sơn, N. H., & Hoàng, N. M. (2024). Mối quan hệ biện chứng giữa tiết kiệm, chống lãng phí và phát triển trong mục tiêu kỷ nguyên mới của đất nước. https://hdll.vn/vi/ky-nguyen-moi-cua-dan-toc/moi-quan-he-bien-chung-giua-tiet-kiem-chong-lang-phi-va-phat-trien-trong-muc-tieu-ky-nguyen-moi-cua-dat-nuoc.html
[8] Tran, T. V., Le, M. T., & Melad, A. M. (2024). Intention to use reusable shopping bags in an emerging economy: a Bayesian Mindsponge framework analysis. Discover Sustainability, 5, 529. https://doi.org/10.1007/s43621-024-00763-9
Bình luận