Thiên kiến sẵn có trong đầu tư chứng khoán qua góc nhìn xử lý thông tin
Thiên kiến sẵn có (availability bias)
Thiên kiến sẵn có là một loại thiên lệch nhận thức, trong đó con người có xu hướng đánh giá xác suất hoặc tầm quan trọng của một sự việc dựa trên mức độ dễ dàng, mà các ví dụ liên quan đến sự việc đó xuất hiện trong trí nhớ của họ. Nói cách khác, nếu một sự việc hoặc thông tin dễ dàng được nhớ lại, con người có xu hướng coi nó là phổ biến hoặc có khả năng xảy ra cao hơn thực tế.
“Từ đó, sớm sớm, rợp trời Sẻ bay vào làng. Hè nhà, bếp ăn, sân vườn... đều sẵn cái ăn. Lại phát hiện cả những đống rác to đầy đồ ăn. Sẻ bảo nhau: - Ông Chim-Lợn quả là mưu trí. Từ khi vào xóm kiếm ăn đến giờ, chưa sai lời nào...”. Trích “Cái ăn”; Hoang dã, Khôn ngoan, Kỳ lạ (2024) |
Ví dụ, nếu bạn đã từng thấy hoặc nghe nhiều về các vụ tai nạn máy bay trong thời gian gần đây, bạn có thể đánh giá rằng, việc tai nạn máy bay xảy ra là khá phổ biến, mặc dù thống kê cho thấy, xác suất tai nạn máy bay là rất thấp so với nhiều loại hình tai nạn khác.
Một ví dụ kinh điển khác là xu hướng của hầu hết mọi người cho rằng, các vụ tấn công của cá mập gây tử vong thường xuyên hơn so với các mảnh máy bay rơi từ trên trời xuống gây tử vong. Tuy nhiên, dù khó tin, khả năng xảy ra trường hợp thứ hai thực tế lại cao hơn gấp 30 lần. Các vụ tấn công của cá mập có thể được cho là phổ biến hơn vì cá mập thường gợi lên nỗi sợ hãi lớn hơn, hoặc vì các vụ tấn công của cá mập nhận được mức độ chú ý không cân xứng từ truyền thông. Do đó, đối với hầu hết mọi người, cái chết do cá mập tấn công dễ hình dung hơn so với cái chết do mảnh máy bay rơi xuống.[1]
Nguyên tắc “sẵn có” là cơ sở cho các đánh giá về khả năng xảy ra hoặc tần suất của một sự kiện dựa trên thông tin dễ dàng có sẵn, chứ không nhất thiết dựa trên thông tin đầy đủ, khách quan hoặc thực tế.[1]
Trong đầu tư chứng khoán, thiên kiến sẵn có xảy ra khi các nhà đầu tư đưa ra quyết định dựa trên những thông tin dễ nhớ hoặc dễ tiếp cận, thay vì dựa trên phân tích toàn diện và dữ liệu khách quan. Điều này có thể dẫn đến các quyết định không chính xác hoặc thiếu hiệu quả. Theo nghiên cứu của Vuong và Phuc [2], số nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam có thiên kiến mâu thuẫn nhận thức chiếm 17.4% trong mẫu khảo sát.
Một số ví dụ minh họa cụ thể về thiên kiến sẵn có trong đầu tư
Tập trung vào các cổ phiếu nổi bật trên truyền thông: Nhà đầu tư có xu hướng mua cổ phiếu của các công ty thường xuyên xuất hiện trên tin tức hoặc nhận được nhiều sự chú ý từ báo chí, mặc dù các công ty này có thể không có nền tảng tài chính vững chắc hoặc mức giá cổ phiếu hợp lý.
Đánh giá quá cao rủi ro từ các sự kiện nổi bật: Sau khi chứng kiến hoặc nghe nói về một sự kiện kinh tế tiêu cực (như khủng hoảng tài chính, bong bóng bất động sản, hay sự phá sản của một công ty lớn), nhà đầu tư có thể đánh giá quá cao khả năng xảy ra các sự kiện tương tự trong tương lai và trở nên quá thận trọng, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Nhấn mạnh vào lợi nhuận trong quá khứ: Nhà đầu tư thường bị ảnh hưởng bởi các cổ phiếu hoặc quỹ đầu tư có hiệu suất vượt trội gần đây, nghĩ rằng xu hướng này sẽ tiếp tục, mà không đánh giá các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp hoặc quỹ đó.
Bỏ qua các thông tin khó tiếp cận hoặc khó hiểu: Nhà đầu tư có thể tránh những công ty ít được biết đến hoặc hoạt động trong lĩnh vực phức tạp (như công nghệ cao hoặc lĩnh vực mới…), mặc dù các công ty này có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Thay vào đó, họ chỉ đầu tư vào các công ty mà họ dễ dàng hình dung hoặc quen thuộc.
Giải pháp từ lý thuyết mindsponge để khắc phục thiên kiến sẵn có trong đầu tư chứng khoán
Lý thuyết mindsponge là một khung lý thuyết giúp giải thích cách con người tiếp nhận, xử lý và thay đổi niềm tin hoặc thông tin trong quá trình ra quyết định [3-5]. Áp dụng lý thuyết này, nhà đầu tư có thể khắc phục thiên kiến sẵn có trong đầu tư chứng khoán thông qua các giải pháp sau:
Xây dựng hệ thống lọc thông tin khách quan
Theo lý thuyết mindsponge, thông tin được "lọc" qua hệ thống niềm tin trước khi được chấp nhận hoặc bác bỏ. Để tránh bị ảnh hưởng bởi thông tin dễ tiếp cận, nhưng thiếu khách quan (như thông tin từ truyền thông hoặc các nguồn không đáng tin cậy), nhà đầu tư cần:
Phân loại thông tin: Xác định rõ nguồn gốc và chất lượng của thông tin (ví dụ: báo cáo tài chính chính thức, phân tích chuyên sâu từ tổ chức uy tín).
Ưu tiên thông tin chất lượng cao: Tập trung vào các dữ liệu mang tính dài hạn, minh bạch và ít bị bóp méo.
Tự kiểm chứng thông tin: Không chấp nhận thông tin một cách thụ động, mà cần so sánh và đánh giá với các nguồn khác.
Tái cấu trúc niềm tin
Lý thuyết mindsponge nhấn mạnh rằng, niềm tin có thể được tái cấu trúc thông qua sự xung đột giữa thông tin cũ và thông tin mới. Để làm được điều này, nhà đầu tư cần:
Phản biện niềm tin hiện tại: Chủ động đặt câu hỏi về những quyết định đầu tư dựa trên các "thông tin dễ tiếp cận" (ví dụ: "Tại sao tôi tin cổ phiếu này tốt?").
So sánh với các mô hình đầu tư khác: Học hỏi và kiểm tra những mô hình hoặc chiến lược đầu tư khách quan, không dựa vào cảm tính.
Chấp nhận thay đổi niềm tin: Cởi mở với việc điều chỉnh chiến lược đầu tư dựa trên các phân tích mới và có cơ sở.
Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin đa dạng
Lý thuyết mindsponge nhấn mạnh vai trò của việc tiếp nhận thông tin đa dạng để mở rộng "vùng chấp nhận thông tin". Nhà đầu tư có thể làm điều này bằng cách:
Học hỏi từ nhiều nguồn: Tham gia các khóa học tài chính, đọc sách, hoặc nghiên cứu báo cáo từ các chuyên gia quốc tế.
Tăng cường trải nghiệm thực tế: Thực hiện đầu tư thử nghiệm để đánh giá kết quả dựa trên nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.
Phát triển mạng lưới thông tin: Kết nối với các nhà đầu tư, chuyên gia để học hỏi cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ.
Giảm ảnh hưởng của cảm xúc và truyền thông
Một phần lớn thiên kiến sẵn có đến từ cảm xúc hoặc sự ảnh hưởng quá mức của truyền thông. Lý thuyết mindsponge gợi ý việc kiểm soát "lõi trung tâm" (mindset) để đưa ra quyết định lý trí hơn:
Xác định giá trị cốt lõi trong đầu tư: Ví dụ, đầu tư dài hạn, ưu tiên giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Tránh bị cuốn theo xu hướng ngắn hạn: Giữ vững kỷ luật đầu tư và không bị ảnh hưởng bởi tin tức hoặc sự kiện giật gân.
Tách biệt cảm xúc: Sử dụng các công cụ tự động hóa (robot trading, phân tích dữ liệu) để giảm bớt yếu tố cảm xúc trong quyết định đầu tư.
Sử dụng vòng phản hồi và điều chỉnh
Lý thuyết mindsponge nhấn mạnh rằng, việc tiếp nhận và xử lý thông tin là một vòng lặp liên tục. Nhà đầu tư cần:
Đánh giá lại quyết định đầu tư: Thường xuyên kiểm tra lại hiệu quả của các quyết định đầu tư dựa trên thông tin đã sử dụng.
Cải thiện hệ thống niềm tin: Rút kinh nghiệm từ các sai lầm trong quá khứ để tinh chỉnh các tiêu chí ra quyết định.
Ghi chép và học hỏi: Lưu trữ và phân tích các quyết định đầu tư, so sánh giữa kỳ vọng và thực tế để cải thiện hiệu suất.
Tích hợp mindsponge vào mô hình ra quyết định đầu tư
Cuối cùng, nhà đầu tư có thể xây dựng một chiến lược đầu tư toàn diện dựa trên mindsponge:
Lập mô hình thông tin: Xây dựng các tiêu chí lọc thông tin để quyết định mua/bán cổ phiếu.
Đánh giá động lực niềm tin: Kiểm tra xem niềm tin nào đang ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và điều chỉnh nếu cần.
Theo dõi tâm lý đầu tư qua một số chỉ tiêu định lượng: Ghi nhận cảm xúc và thiên kiến cá nhân trong quá trình đầu tư để cải thiện hành vi.
Việc áp dụng lý thuyết mindsponge giúp nhà đầu tư có cách tiếp cận linh hoạt và khoa học hơn, giảm thiểu các quyết định dựa trên thiên kiến sẵn có, từ đó nâng cao hiệu quả và sự bền vững trong chiến lược đầu tư./.
Nguyễn Phương Tri, Nguyễn Minh Hoàng
* Bài viết nằm trong chuỗi bài tìm hiểu và lý giải các hiện tượng tâm lý hành vi đầu tư tài chính thông qua lăng kính lý thuyết mindsponge.
Tài liệu tham khảo
[1] Pompiam MM. (2011). Behavioral Finance and Wealth Management: How to Build Optimal Portfolios That Account for Investor Biases. John Wiley & Sons. https://www.google.com/books/edition/Behavioral_Finance_and_Wealth_Management/mC2q9tIJcCoC
[2] Vuong DHQ, Phuc DQ. (2012). An empirical study of individual investors’ behavioral biases in the Vietnamese stock market. Science and Technology Development Journal, 15, 5-13. https://vjol.info.vn/index.php/JSTD/article/view/8675
[3] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3
[4] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. https://www.amazon.com/dp/B0D98L5K44
[5] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on Informational Quanta, Interactions, and Entropy under the Granular View of Value Formation. https://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4922461
[6] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6
Bình luận