KIỀU HỐI GIA TĂNG TÍCH CỰC

Quốc gia nào cũng cần ngoại tệ (ngoại tệ mạnh) để vừa xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vừa ngày một nâng cao vị thế quốc tế… Để tăng ngoại tệ, trước hết và quan trọng nhất là tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, thu hút vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài...

Kiều hối là số ngoại tệ do người của một quốc gia và vùng lãnh thổ sinh sống và làm việc, học tập tại nước ngoài gửi về cho gia đình và người thân ở trong nước. Kiều hối có vai trò ngày càng quan trọng không chỉ với Việt Nam, mà còn ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước đang phát triển, các nước có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2021 tổng kiều hối của các nước này lên tới 869 tỷ USD. Kiều hối tăng nhanh ở các nước Mỹ Latinh, tiếp đó là các nước ở Trung Đông và Bắc Phi.

Dòng kiều hối tăng tích cực nhờ xuất khẩu lao động
Với Việt Nan, kiều hối có vai trò rất quan trọng trên nhiều phương diện (ảnh: sbv)

Với Việt Nam, sau Đổi mới (1986), nhiều chính sách, quyết định khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài gửi ngoại tệ về nước đã được đưa ra với 3 hình thức: Các tổ chức tín dụng được phép, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế; mang ngoại tế theo người vào Việt Nam. Cùng với đó là số lượng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài năm sau nhiều hơn năm trước, thu nhập của họ tăng do chất lượng lao động ngày càng được cải thiện, nên kiều hối hàng năm gửi về Việt Nam ngày một tăng (xem bảng).

Giá trị kiều hối gửi về Việt Nam giai đoạn 2005-2021

Năm

Tỷ USD

Năm

Tỷ USD

Năm

Tỷ USD

2005

3,15

2011

8,6

2017

15

2006

3,8

2012

10

2018

16

2007

6,18

2013

11

2019

17

2008

6,0

2014

12

2020

17

2009

6,02

2015

13

2021

18,1

2010

8,26

2016

14

Tác giả tổng hợp

Riêng TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển qua hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế chi trả kiều hối trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 7,1 tỷ USD trong năm 2021, tăng 16% so với năm 2020, chiếm khoảng 12% GRDP của Thành phố...

Xét về lượng kiều hối, Việt Nam luôn xếp trong nhóm 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Năm 2021, Việt Nam là một trong ba nước đứng đầu trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương về lượng kiều hồi. Theo World Development Indicators (WB) năm 2021, kiều hối của Trung Quốc là 53 tỷ USD (nhiều nhất thế giới) tiếp đến là Philippines: 36,2 tỷ USD; Việt Nam: 18,1 tỷ USD; Indonesia: 9,2 tỷ USD; Thái Lan: 7,7 tỷ USD; Campuchia 1,2 tỷ USD...

Vai trò của kiều hồi với nền kinh tế của các quốc gia khác nhau, nhưng với Việt Nam nó rất quan trọng. Năm 2021, bình quân mỗi người Việt Nam “nhận” kiều hồi 185 USD, chỉ đứng sau Philippines (khoảng trên 330 USD/người), Thái Lan (hơn 110 USD/người), Campuchia (khoảng 77 USD/người), Trung Quốc (dưới 4 USD/người).

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CÓ ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CHO TĂNG KIỀU HỐI

Hiện kiều hồi chuyển về Việt Nam với trên một nửa là từ bà con người Việt ở Mỹ (nước có nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc nhất, tiếp sau là ở các nước châu Âu) gửi về.

Đặc biệt, thực tiễn cho thấy, đẩy mạnh xuất khẩu lao động là một giải pháp tích cực không chỉ nhằm giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, mà còn gia tăng lượng kiều hồi gửi về nước. Hiện nay, lượng kiều hồi từ nguồn này mỗi năm khoảng 3-3,5 tỷ USD.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hôi, hiện có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề.

Số lượng lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng

Năm

Người

Năm

Người

Năm

Người

Năm

Người

2012

80.320

2015

115.980

2018

142.860

2021

45.058

2013

88.155

2016

116.289

2019

147.387

2022

90.000

2014

106.840

2017

134.751

2020

78.641

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Riêng năm 2021, số lượng người lao động làm việc ở Đài Loan là 19.531; Nhật Bản: 19.510 người; Hàn Quốc: 1.036 người... 6 tháng đầu năm 2022, có 51.677 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó đến Nhật Bản: 32.053 người, Đài Loan: 15.634 người, Hàn Quốc: 1.209 người… Giá trị tiền mà người đi xuất khẩu lao động gửi về nước ngày càng tăng.

Dòng kiều hối tăng tích cực nhờ xuất khẩu lao động
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động là một giải pháp quan trọng giúp gia tăng lượng kiều hồi

Tuy nhiên, xuất khẩu lao động còn nhiều hạn chế, nên ảnh hưởng không tích cực đến tốc độ gia tăng kiều hối.

Theo đó, người lao động xuất khẩu của nước ta chủ yếu là từ nông thôn, lao động thủ công, nên sức cạnh tranh của hàng hóa sức lao động nước ta còn kém so với nhiều nước khác.

Trình độ nghề nghiệp, kỹ năng làm việc, tác phong và kỷ luật làm việc, cũng như trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam còn kém, nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động. Điều này dẫn đến mức thu nhập của người lao động Việt Nam ở các thị trường còn thấp so với người lao động ở các quốc gia khác. Nguy hiểm hơn là không ít lao động Việt Nam tự phá bỏ hợp đồng lao động, bỏ đi làm nơi và ngành khác. Nhiều người lao động Việt Nam sau khi hết thời gian làm việc theo hợp đồng đã trốn không về nước và trở thành lao động bất hợp pháp. Điều này diễn ra khá phổ biến ở nhiều thị trường lao động, đến mức nhiều nước đã đóng cửa hay đóng cửa một phần không tiếp nhận lao động Việt Nam trong một thời gian nhất định. Theo Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tính đến tháng 6/2022, Thanh Hóa có gần 900 lao động bất hợp pháp trong tổng số 6.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm tới 8,77% tổng số lao động cả nước đang làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Đầu tháng 7/2022, Hàn Quốc đã thông báo cho đến hết năm 2022 tạm dừng nhận người lao động ở 8 huyện, thị thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, vì có quá nhiều lao động bất hợp pháp.

Cùng với đó là nhiều văn bản, chính sách chưa ban hành đầy đủ hoặc không điều chỉnh, bổ sung kịp thời, nên gây khó khăn cho thúc đẩy xuất khẩu lao động. Hoạt động xuất khẩu lao động một số khâu, nhất là khâu tuyển chọn, đào tạo, chi phí của người lao động để đi lao động nước ngoài… tại một số địa phương và các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động chưa minh bạch, công khai…, nên tạo ra rào cản cho thúc đẩy xuất khẩu lao động.

Việc sớm khắc phục hiệu quả những bất cập trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, qua đó giúp họ gia tăng thu nhập cũng như nguồn kiều hối gửi về Việt Nam trong thời gian tới./.