Năm 2023, cơ hội cho xuất khẩu lao động vào các thị trường chất lượng cao
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến cuối tháng 11/2022, cả nước có 122.004 lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, đạt hơn 135% kế hoạch năm 2022. Trong số này, có 44.572 lao động nữ, chiếm tỷ lệ khoảng 36,5%.
Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nước ta nhất, với 60.105 lao động (27.359 lao động nữ). Tiếp đó là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 53.883 lao động (16.257 lao động nữ), Hàn Quốc: 1.732 lao động (43 lao động nữ), Singapore: 1.663 lao động.
Năm 2023, Việt Nam có cơ hội xuất khẩu lao động vào các thị trường chất lượng cao |
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngoài thị trường truyền thống chủ yếu dành cho lao động phổ thông, thị trường lao động chất lượng cao dành cho người lao động có tay nghề cũng hứa hẹn bùng nổ trong năm tới khi nhiều nước đưa ra hàng loạt biện pháp đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài. Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhân lực quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh), lĩnh vực xuất khẩu lao động sẽ bùng nổ trong năm 2023, bởi những tín hiệu khả quan từ các thị trường truyền thống đến những thị trường mới cao cấp hơn.
Ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á cho biết, nhiều nước châu Âu đang tăng cường mời gọi lao động Việt Nam bằng nhiều hình thức. Đơn cử như Đức, cuối tháng 11 vừa qua, Chính phủ nước này đã quyết định "những điểm chính" về cải cách việc nhập cư lao động có tay nghề. Theo đó, việc học tập hoặc đào tạo nghề của người nước ngoài tại Đức sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đây chính là cơ hội tốt cho người lao động Việt Nam với các ngành như: Điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí ôtô, chế biến thực phẩm...
"Việc nối lại các kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Đức là thuận lợi đầu tiên cho người lao động Việt Nam có dự định sang Đức học tập và làm việc. Các hình thức đến Đức làm việc cũng đa dạng hơn. Theo tôi, 2023 sẽ là năm bùng nổ người lao động Việt Nam sang châu Âu làm việc, trong đó có nước Đức", ông Du lạc quan.
Ngoài Đức, các nước châu Âu khác như: Đan Mạch, Phần Lan, Romania, Bulgaria, Hungary, Ý… cũng đang tìm cách để thu hút và tuyển dụng lao động Việt Nam. Nhiều nước ưu tiên tuyển lao động Việt Nam bởi đã được nhiều thị trường chấp nhận. Mới đây, vì đang thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, Phần Lan tập trung thu hút lao động đến từ Việt Nam cho những vị trí công việc này.
Các thị trường tiềm năng khác ngoài châu Âu cũng sẽ là tâm điểm chú ý của người lao động có tay nghề trong năm 2023. Đó là Úc, New Zealand và Canada, 3 nước phát triển này đang chạy đua trong nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống về nguồn nhân lực đang tác động tiêu cực tới tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Năm 2021, Chính phủ Úc đã công bố chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam là một trong 4 nước ưu tiên tham gia sớm chương trình này. Sau 1 năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kể từ năm 2023, người lao động Việt Nam có thể đến Úc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng.
Bộ Di trú Canada cũng vừa công bố kế hoạch nhập cư giai đoạn 2023-2025. Trước mắt, Canada đặt mục tiêu chào đón 465.000 lao động nhập cư vào năm sau, con số này sẽ tăng lên 485.000 người vào năm 2024 và 500.000 người vào năm 2025. Đây là một phần trong kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng và ứng phó với xu hướng già hóa dân số, đồng thời thu hút người nhập cư đến các vùng nông thôn ở Canada./.
Bình luận