Đồng ý chủ trương đầu tư dự án Cảng biển Mỹ Thủy
UBND tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai các bước tiếp theo theo đúng các quy định của pháp luật.
Theo Quyết định 1037/QĐ-TTg, ngày 24/6/2014 điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu bến Mỹ Thủy là khu bến cảng biển tiềm năng, phát triển có điều kiện với chức năng chính là chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp và tiếp chuyển hàng quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan. Quy mô và tiến trình phát triển phải phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của chủ đầu tư, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối đến cảng (đặc biệt là luồng vào, đê chắn sóng, ngăn cát...).
Trước đó vào cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án này. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về quy mô và công năng của bến cảng Mỹ Thủy trước khi quyết định đầu tư Dự án.
Khu quy hoạch tổng thể cảng nước sâu Mỹ Thủy
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, khẳng định vị trí và ưu thế về kinh tế biển, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Hình thành những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng với quốc tế làm động lực phát triển các khu kinh tế, đô thị - công nghiệp ven biển.
Quy hoạch đưa ra mục tiêu cụ thể bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng xuất nhập khẩu và giao lưu giữa các vùng, miền trong nước bằng đường biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với năng lực theo quy hoạch của hệ thống cảng biển tại các thời điểm quy hoạch. Cụ thể, khoảng từ 400 đến 410 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 275 đến 280 triệu tấn/năm) vào năm 2015; khoảng từ 640 đến 680 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 375 đến 400 triệu tấn/năm) vào năm 2020; khoảng từ 1.040 đến 1.160 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 630 đến 715 triệu tấn/năm) vào năm 2030./.
Bình luận