Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Tổng thầu được tự quyết định định mức, đơn giá
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn chậm tiến độ
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về dự toán: tổng thầu tự quyết định và chịu trách nhiệm việc áp dụng định mức, đơn giá; triển khai theo hình thức giá hợp đồng trọn gói bảo đảm không vượt giá hợp đồng trọn gói đã được ký kết và không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được phê duyệt.
Về quản lý chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Về lựa chọn nhà thầu nước ngoài thực hiện gói thầu tư vấn đánh giá an toàn hệ thống trước khi đưa Dự án vào khai thác, sử dụng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu, bảo đảm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và đáp ứng các yêu cầu của gói thầu.
Về việc ký phụ lục hợp đồng EPC, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tự chịu trách nhiệm đối với những nội dung đã thực hiện; đồng thời, tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ đạo việc đàm phán và ký kết phụ lục hợp đồng EPC theo hình thức hợp đồng trọn gói, bảo đảm không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, phát sinh chi phí và không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được phê duyệt.
Đối với việc mua sắm thiết bị, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giá trọn gói mua sắm thiết bị giảm tối thiểu 5% so với dự toán phần thiết bị. Giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, đàm phán với tổng thầu và chịu trách nhiệm toàn diện về giá trọn gói mua sắm thiết bị, bảo đảm chặt chẽ, đạt hiệu quả tối ưu, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát.
Về chi phí đào tạo và mua sắm đoàn tàu, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Về nguồn vốn vay bổ sung và giải ngân của Dự án: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để sớm ký kết Hiệp định vay vốn ưu đãi bổ sung cho Dự án. Trong thời gian chờ đợi, đồng ý về nguyên tắc Bộ Giao thông vận tải sử dụng số tiền còn lại từ Hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua để giải ngân theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký kết (khối lượng và tạm ứng bổ sung). Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Tài chính trước khi thực hiện giải ngân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá lại việc chuẩn bị, thực hiện Dự án cho tới nay để nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc triển khai tiếp theo của Dự án và các dự án khác sau này thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC nhằm quản lý dự án chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng công trình, tuyệt đối an toàn cho công trình và cộng đồng.
Trước đó, trả lời phóng viên VOV, ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã lý giải vì sao phải xin cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Cụ thể, theo ông Dũng, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã ký cam kết đặt ra cuối năm 2016 sẽ hoàn thành, song hiện đang chậm tiến độ.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, đến thời điểm này, khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 74%. Trong đó, hoàn thành 100% trụ cầu khu gian (419 trụ) và 100% xà mũ các nhà ga (112 xà mũ), hoàn thành 100% công tác đúc dầm (806 phiến) và lao lắp được 778/806 phiến; 10/12 nhà ga cơ bản hoàn thành đến tầng ke ga đang lắp đặt dàn mái thép và xây dựng trang trí nội thất, ga Cát Linh và ga vành đai 3 đang thi công cột và sàn tầng 2.
Đến nay, dự án đã giải ngân vốn ODA được 241,76/419 triệu USD (58%), giá trị giải ngân vốn đối ứng đạt 1.786/2.123 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án đường sắt, công tác xây lắp chậm tiến độ nguyên nhân chủ yếu từ năng lực của Tổng thầu EPC, từ thiết kế bản vẽ thi công chậm đến chuẩn bị lực lượng (ký hợp đồng thầu phụ) và vốn lưu động thực hiện thiếu.
Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ và các vấn đề tồn tại phải xử lý là về kinh phí. Phía tổng thầu Trung Quốc cũng đang có những khó khăn chuyển kinh phí ra nước ngoài đang bị rà soát và kiểm tra. Con số báo cáo ở cuộc họp là hơn 400 tỷ đồng nhưng thực tế các nhà thầu phụ nói là 500 tỷ đồng.
Từ cuối năm 2015, tổng thầu Trung Quốc đã phải dùng phần vốn lưu động xử lý một phần. Tuy nhiên, mấu chốt là phải giải quyết được để dòng tiền. Trình tự thủ tục theo hợp đồng ký trước đây khi làm các thủ tục thanh toán từ ngân hàng Trung Quốc chuyển sang tổng thầu rồi chuyển qua cho các nhà thầu phụ trong nước rất dài..
Một nguyên nhân khác dẫn đến chậm tiến độ của Dự án theo ông Dũng là do những quy định khác nhau về hình thức PMC (chìa khóa trao tay) giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Dự án được sử dụng hình thức PMC, nhưng những quy định do phía Việt Nam phải phê duyệt. Trong điều kiện là quy trình, quy phạm, đơn giá, định mức của Việt Nam và Trung Quốc là khác nhau. Do đó, việc duyệt các hạng mục của Dự án này kéo rất dài, thậm chí cho tới thời điểm này còn có hạng mục chưa phê duyệt được do gặp khó khăn khi tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của hai nước có khác nhau tồn tại.
Điều này nằm trong báo cáo Thủ tướng của Bộ Giao thông vận tải.
“Kể cả phần bản vẽ của Trung Quốc cũng khác của Việt Nam, bên trình và bên duyệt không theo tiêu chuẩn chung nhau nên dẫn đến khó khăn. Các cơ quan theo dõi về kỹ thuật của Việt Nam cũng xem xét phản hồi, tranh luận kéo dài, đây là một nguyên nhân khiến việc thực hiện dự án bị chậm”, ông Dũng cho biết thêm./..
Bình luận