Đưa ra các cơ chế bảo lãnh vào dự Luật PPP để thu hút nhà đầu tư
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 diễn ra tối 4/9/2019, phóng viên Báo điện tử VnEconomy hỏi:
"Hiện nay Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật PPP, dự luật được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế.
Nhưng, vừa qua, phát biểu tại phiên thẩm tra dự án luật này của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói suốt 10 năm qua chính sách cho PPP loay hoay vì bước đi đầu tiên đã rất sai khi dự án thí điểm theo hình thức PPP Dầu Giây – Phan Thiết, Chính phủ vay vốn của nhà tài trợ, bảo lãnh để đưa cho một doanh nghiệp tư nhân là Bitexco đầu tư.
Và hậu quả của bước đi đầu tiên sai lệch đó là người ta đổ xô làm PPP bằng các nhận thức khác nhau kiểu thầy bói xem voi, để rồi nó ra thứ BOT lộn xộn, lổn nhổn như hiện nay.
Xin hỏi những thông tin ông Đông đưa ra có chính xác hay không? lý do để Chính phủ vay vốn sau đó bảo lãnh hoàn toàn cho nhà đầu tư tư tư nhân là gì? dự thảo Luật PPP lần này có đi theo hướng này nữa hay không?".
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng mức đầu tư khá lớn khoảng 750 triệu USD, trong đó Nhà nước hỗ trợ 250 triệu USD từ phần vốn bảo lãnh vốn vay của Ngân hàng Thế giới, dự kiến là phần vốn tham gia dự án của nhà nước. Nhà đầu tư Bitexco và một nhà đầu tư khác bỏ ra 500 triệu USD, trong đó riêng Bitexco sẽ bố trí 60%, tương đương 300 triệu USD. Tuy nhiên, quá trình đàm phán đã không thành công.
Theo kế hoạch, Dự án Luật PPP sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). |
Đến tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chấm dứt thí điểm dự án theo cơ chế này.
"Dự án Dầu Giây - Phan Thiết sau khi dừng thực hiện đã đưa vào thành phần thực hiện theo hình thức BOT thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam theo Nghị quyết 52 của Quốc hội. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 14.300 tỷ đồng, Nhà nước sẽ tham gia khoảng 3.000 tỷ đồng để đảm bảo phương án tài chính cho dự án", Thứ trưởng Trung cung cấp thêm thông tin.
Về nội dung Dự án Luật PPP, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội để thông qua dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019 và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 9, tháng 5/2020.
Dự luật này trên cơ sở được kế thừa các quy định đang có để thực hiện các dự án PPP, như Nghị định 78/1997/NĐ-CP, Nghị định 108/2009/NĐ-CP; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP; Nghị định số 63/2018/NĐ-CP. Các nghị định này là khung khổ pháp lý để thực hiện các dự án PPP thời gian qua.
Đến nay, đã thực hiện 336 dự án PPP, trong đó có 140 dự án BOT, 188 dự án BT và các dự án theo hình thức khác.
"Mặc dù còn nhiều vấn đề tồn tại, nhưng các dự án PPP được thực hiện trong thời gian qua đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển đất nước và phục vụ cuộc sống của nhân dân", Thứ trưởng Trung nhận định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cũng cho biết, Chính phủ cũng nhận thấy rằng, hiện nay các quy định pháp lý mới dừng ở mức Nghị định, chưa đảm bảo khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến PPP. Trong khi đó, các dự án PPP có quy mô vốn lớn, thời gian đầu tư kéo dài nên phải có khung pháp lý cao để đảm bảo ổn định đối với các dự án.
Nhấn mạnh rằng, dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công, nhưng do hạn chế về nguồn lực nên chúng ta kêu gọi nhà đầu tư tư nhân thực hiện, Thứ trưởng chỉ rõ, trong tất cả các dự án, Chính phủ đều có phần tham gia để đảm bảo khả năng đảm bảo thực hiện dự án hiệu quả.
"Các dự án PPP hiện nay chưa có sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nên trong dự luật có đưa ra các cơ chế bảo lãnh, ví dụ như cơ chế chuyển đổi ngoại tệ, cơ chế chia sẻ rủi ro... Đây là cơ chế thực sự cần thiết để thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án PPP”, Thứ trưởng chỉ rõ./.
Bình luận