Đừng để… hiểu lầm Luật Dầu khí dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
“Mặc dù Ban soạn thảo có nghiên cứu, tham khảo các luật của Malaysia, Indonesia…, nhưng còn một số tồn tại, đó là khó khăn trong xây dựng luật là làm sao tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân, nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng...”, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) trăn trở tại phiên Quốc hội thảo luận về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), diễn ra sáng nay (ngày 15/6), theo Văn phòng Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nêu "nút thắt": làm sao tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia? (ảnh Quốc hội) |
Đại biểu Quốc hội Tống Văn Băng (Hải Phòng) đề nghị, cần nghiên cứu để xác định địa vị pháp lý cụ thể của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… |
“Việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng chưa rõ ràng. Trong dự thảo Luật dành một chương đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có tới 86 cụm từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam xuất hiện trong dự thảo luật. Quy định như vậy dễ dẫn đến sự hiểu lầm là luật này dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…”, ông Ngân nhìn nhận.
Ông Ngân đề nghị bổ sung thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí, bởi dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn đề xuất làm rõ trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (ảnh: Quốc hội) |
Liên quan đến trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (Hà Nội), cho rằng, điểm a khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật quy định: Tập đoàn dầu khí Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch đấu thầu; hoặc đề nghị áp dụng hình thức chào thầu cạnh tranh; hoặc chỉ định thầu hoặc đề xuất phương án lựa chọn nhà thầu theo quy định, trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Công thương thẩm định trình Chính phủ phê duyệt.
Cho rằng quy đình trên không phù hợp, nên ông Ấn đề nghị sửa lại theo hướng: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch, lựa chọn nhà thầu và báo cáo Bộ Công thương thẩm định trình Chính phủ phê duyệt. Bởi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu sẽ phải có đề xuất lựa chọn hình thức nào, đấu thầu chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu hoặc phương án đặc biệt. Quy định như vậy vừa đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu, nhưng cũng không ảnh hưởng đến hoạt động đặc thù của lĩnh vực dầu khí…
Theo Đại biểu Quốc hội Lê Mạnh Hùng, Luật Dầu khí cần phản ánh tính đặc thù của hoạt động dầu khí (ảnh: Quốc hội) |
Ở góc nhìn của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, các quy định trong Luật Dầu khí cần phản ánh tính đặc thù của hoạt động dầu khí như: đầu tư lớn, rủi ro cao, công nghệ hiện đại, chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng, gắn với an ninh quốc phòng...
“Việc áp dụng Luật Dầu khí trong đầu tư, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng, về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cần được quy định rõ tại khoản 2 Điều 4 và Điều 14 của dự thảo, để tránh chồng chéo, hiểu nhầm khi áp dụng. Cần bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu, cung cấp hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho hoạt động dầu khí để dự thảo Luật chặt chẽ, hoàn thiện hơn nữa…”, ông Hùng đề xuất./.
Bình luận