Dừng doanh nghiệp niêm yết mới trên HOSE, khả thi không?
Seabank là ngân hàng thứ 2 thực hiện niêm yết trên HOSE kể từ đầu năm 2021 và là ngân hàng thứ 16 niêm yết tại HOSE
Thêm doanh nghiệp mới niêm yết, HOSE thêm nguy cơ nghẽn lệnh
Thực trạng này khiến nhiều người đặt câu hỏi, nên chăng nhà quản lý có thông điệp tạm dừng việc niêm yết mới tại HOSE trong thời gian sửa chữa và nâng cấp hệ thống giao dịch, để bảo toàn giao dịch cho nhà đầu tư hiện hữu tham gia thị trường.
Không một doanh nghiệp nào muốn chuyển giao dịch cổ phiếu của mình từ sàn HOSE sang sàn HNX trong bối cảnh thị trường hoạt động bình thường. “Tuy nhiên, TTCK đã ở tình trạng bất thường 3 tháng nay, khiến chúng tôi phải tính đến giải pháp tình thế (chuyển sàn), với hy vọng góp sức giải tỏa áp lực cho toàn hệ thống trong ngắn hạn”, Tổng giám đốc PAN Group, bà Nguyễn Trà My từng chia sẻ. Bà Trà My mong rằng, các cổ đông đại chúng cũng sẽ hiểu và ủng hộ, đồng thời mong hệ thống công nghệ mới cho TTCK Việt Nam sẽ sớm được vận hành, giao dịch trở lại thông suốt và ngay sau đó, cổ phiếu chuyển sàn sẽ “trở về nhà”, tức là về sàn HOSE niêm yết trở lại.
Chia sẻ của bà Trà My cũng là chia sẻ chung của lãnh đạo một số doanh nghiệp xung phong chuyển sàn. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, quyền Tổng giám đốc VNDirect cho biết, thêm doanh nghiệp mới lên sàn HOSE lúc này là chất thêm lệnh vào hệ thống đã cũ và dung lượng có hạn. Thực tế này sẽ khiến nguy cơ nghẽn lệnh tại sàn HOSE cao hơn. Trong khi đó, giải pháp xử lý tình trạng này, cho đến nay mới chỉ dừng ở việc hướng dẫn các doanh nghiệp đang niêm yết trên HOSE chuyển cổ phiếu sang giao dịch tạm thời tại sàn HNX.
Hai giải pháp căn cơ khác là giao cho FPT chủ trì, tìm phương án xây mới một nền tảng công nghệ tại HOSE thay cho nền tảng hiện tại và chờ đợi sự vận hành của hệ thống KRX (công nghệ Hàn Quốc), còn cần nhiều thời gian, chưa thể chốt theo tháng hay theo năm, để hoàn thành. Bối cảnh này khiến nhà đầu tư sốt ruột, nhiều người ở tình trạng mất kiên nhẫn. Về phía doanh nghiệp, việc chuyển sàn là bất đắc dĩ, nhưng vẫn phải làm vì mong muốn góp sức giữ an toàn chung hệ thống và cũng là giải pháp bảo vệ cổ đông của chính mình có cơ hội giao dịch thông suốt. Khi hệ thống nghẽn lệnh, người thiệt hại nhất chính là các cổ đông cá nhân, nhỏ lẻ, bởi nhà đầu tư lớn, cổ đông nội bộ thường không giao dịch hàng ngày, họ có thể giữ cổ phiếu nhiều năm và tài sản không bị tổn thương bởi tình trạng nghẽn lệnh.
Cùng ngày 24/3/2021, Công ty cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa cũng đưa cổ phiếu vào giao dịch trên HOSE
HOSE có quyền từ chối doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn hay không?
Nếu như 2 doanh nghiệp vừa lên sàn sáng 24/3 (Ngân hàng TMCP Đông Nam Á và CTCP Tiên Sơn Thanh Hóa) đều là những doanh nghiệp đã nộp hồ sơ từ năm 2020, khi tình trạng nghẽn lệnh chưa căng thẳng, thì các doanh nghiệp đang có ý định niêm yết nên có sự cân nhắc kỹ hơn với việc chọn nơi niêm yết cổ phiếu của mình.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Luật Chứng khoán hiện nay chỉ quy định 1 điều kiện niêm yết duy nhất, thay cho Luật cũ là có 2 điều kiện khác nhau giữa 2 sàn (sàn HOSE điều kiện cao hơn sàn HNX). Vì vậy, việc tồn tại 2 sàn chỉ là thời kỳ quá độ, chờ hoạt động tái cấu trúc tổng thể TTCK Việt Nam. Theo định hướng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Quyết định thành lập Sở GDCK Việt Nam ban hành đầu năm 2021, sàn HOSE sẽ là nơi tổ chức giao dịch tập trung cổ phiếu, còn sàn HNX là nơi giao dịch trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường phái sinh. Trong vòng 2 năm, hoạt động tái cấu trúc sẽ phải hoàn tất. Các cổ phiếu đang giao dịch trên HNX sẽ tập trung về sàn HOSE.
Tuy nhiên, định hướng trên chỉ có thể thành hiện thực nếu năng lực xử lý lệnh tại HOSE được giải phóng khỏi cái ngưỡng tối đa 900.000 lệnh như hiện nay. Đây là bài toán cần ưu tiên giải trước, để giữ sự an toàn chung của hệ thống giao dịch, giữ niềm tin của nhà đầu tư. Các hoạt động khác, như đón nhận doanh nghiệp niêm yết mới lên HOSE nên nhường ưu tiên cho câu chuyện hệ thống.
Vậy HOSE có quyền từ chối doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn hay không, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết? Đây là vấn đề chưa được quy định cụ thể trong Luật Chứng khoán mới.
Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định cấu trúc TTCK Việt Nam có thêm Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, được tổ chức theo mô hình công ty mẹ, 2 sở hiện nay (HOSE, HNX) là công ty con. Theo đó, Luật trao quyền cho Sở GDCK Việt Nam ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin…. Đồng thời, Sở GDCK Việt Nam có quyền chấp thuận, thay đổi, hủy bỏ niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán và giám sát việc duy trì điều kiện niêm yết của các tổ chức niêm yết. Điều đáng nói là hiện nay Sở GDCK Việt Nam chưa hoạt động. Luật Chứng khoán cho phép thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phải hoạt động theo quy định của Luật.
Về 2 cổ phiếu mới lên sàn, HOSE cho biết, ngày 24/03/2021 đã tổ chức lễ trao quyết định niêm yết và đưa 1.208.744.208 cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (mã chứng khoán: SSB) vào giao dịch. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu SSB đạt 12.087.442.080.000 đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 16.800 đồng/cổ phiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, Seabank là ngân hàng thứ 2 thực hiện niêm yết trên HOSE kể từ đầu năm 2021 và là ngân hàng thứ 16 niêm yết tại HOSE.
Cùng ngày, Công ty cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa (mã chứng khoán: AAT) cũng đưa cổ phiếu vào giao dịch trên HOSE. Tổng giá trị niêm yết của cổ phiếu AAT là 348.000.000.000 đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.600 đồng/cổ phiếu.
Tính đến ngày 26/02/2021 tại HOSE có 399 cổ phiếu, 3 chứng chỉ quỹ đóng, 7 chứng chỉ quỹ ETF, 118 chứng quyền có bảo đảm và 33 trái phiếu doanh nghiệp giao dịch. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết đạt hơn 101,5 tỷ cổ phiếu, giá trị vốn hóa cổ phiếu đạt hơn 4,36 triệu tỷ đồng tương đương gần 93,86% giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu niêm yết; đạt khoảng 69,37% GDP năm 2020 (GDP hiện hành).
Với quy mô trên 400 mã cổ phiếu và hiện trạng hệ thống công nghệ không đáp ứng hết khả năng giao dịch của nhà đầu tư, nhiều ý kiến mong rằng, sàn HOSE cần từ chối doanh nghiệp có nhu cầu niêm yết mới trên HOSE tới đây. Nhưng ai có quyền quyết việc này lại là câu hỏi ngỏ trong cấu trúc TTCK theo Luật Chứng khoán mới./.
Bình luận