EVN đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi vịnh Bắc Bộ
Đến năm 2025, cần đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500MW các nguồn điện tái tạo
Theo EVN, nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc hiện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước.
Năm 2022, nguồn điện ở miền Bắc dự kiến đưa vào vận hành rất ít. Các nguồn điện mới bổ sung ở miền Trung và miền Nam (chủ yếu là năng lượng tái tạo) vài năm gần đây cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho miền Bắc, do công suất truyền tải qua đường dây 500kV bị giới hạn về kỹ thuật.
EVN đề xuất đến năm 2025, cần đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500MW các nguồn điện tái tạo |
Trong khi đó, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống điện miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục thiếu công suất đỉnh trong các tháng nắng nóng.
Chính vì vậy, EVN đề xuất đến năm 2025, cần đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500MW các nguồn điện tái tạo, gồm 4.000MW điện gió ngoài khơi và khoảng 1.500MW điện mặt trời kèm theo hệ thống lưu trữ phù hợp.
Nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống đã gần đạt tới ngưỡng phát triển. Việc EVN phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là đi đầu triển khai điện gió ngoài khơi sẽ vừa phù hợp về chuyên môn kỹ thuật, vừa định hướng về đầu tư, đồng thời bảo đảm lợi ích và chủ quyền quốc gia ở khu vực vịnh Bắc Bộ.
Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức gồm cả EVNPECC1, tiềm năng gió ở vịnh Bắc Bộ được đánh giá khá tốt, phù hợp với phát triển điện gió ngoài khơi. Ở độ cao 100m, tốc độ gió khu vực này đạt trung bình khoảng 7,5-8,5m/s.
Theo Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA), tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi ở khu vực này khoảng 18GW. Hiện một số địa phương như: Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã trình đề xuất phát triển nguồn điện gió ngoài khơi.
Với đường bờ biển dài, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng gió vô cùng lớn. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện, Việt Nam dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng gần 4.000MW năm 2022 lên đến khoảng 16.121MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.
Các khu vực biển được phân vùng nhạy cảm phải được chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế, để tập đoàn nhà nước quản lý và khai thác
Để phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Điển hình, khung pháp lý cho lĩnh vực này vẫn còn vướng, vì ngoài việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan đến các ngành như: dầu khí, hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh, quốc phòng.
Hơn nữa, với loại hình nguồn điện gió ngoài khơi, Việt Nam chưa có kinh nghiệm phát triển. Do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn, nên việc thực hiện công suất theo quy hoạch lên tới 7.000MW vào năm 2030 thực sự là một thách thức lớn.
Theo EVN, nguồn điện gió ngoài khơi vịnh Bắc Bộ liên quan đến an ninh, quốc phòng và các mục đích khai thác, sử dụng biển khác như: thủy sản, du lịch, hàng hải, cũng như bảo tồn thiên nhiên... Các khu vực biển được phân vùng nhạy cảm phải được chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế, để tập đoàn nhà nước quản lý và khai thác.
Về quy hoạch điện, theo EVN, cần một kế hoạch đồng bộ và tổng thể cấp vùng/tỉnh về nguồn điện và truyền tải điện kèm thời gian huy động cụ thể sẽ tiết kiệm sử dụng nguồn lực và tài nguyên. Cùng với đó là một cơ quan cấp quốc gia tổ chức đánh giá sơ bộ sẽ tránh lãng phí, chồng chéo và khách quan khi tham vấn các bên liên quan.
Trước mắt, tiềm năng điện gió ngoài khơi cần sớm được đánh giá tổng thể và triển khai thực hiện, nhằm đáp ứng hai mục tiêu cấp bách là cấp điện và làm tiền đề cho hoàn thiện chính sách./.
Bình luận