Đổi mới theo hướng tích cực

Không chỉ tỷ lệ chi thường xuyên còn cao, mà tính hiệu quả của chi tiêu cũng là vấn đề “nóng” được nhiều ý kiến tập trung “mổ xẻ” tại nhiều diễn đàn. Theo Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm nay, trong tổng chi ngân sách nhà nước 810.600 tỷ đồng, thì chiếm tỷ trọng cao nhất là chi thường xuyên tới 572.200 tỷ đồng.

Trước thực tế trên, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nói chung, cho chi tiêu thường xuyên nói riêng, theo Văn phòng Quốc hội, tờ trình của Chính phủ về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 vừa được Chính phủ trình Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thẩm tra, đã đề xuất tinh thần mới là: dự toán chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể đối với các bộ, cơ quan trung ương hàng năm được xây dựng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao; từng bước đổi mới phương thức quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.

Gặp khó với “làm mới” quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra
Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Ảnh: Quốc hội

Với điểm mới trên, dự toán ngân sách hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương sẽ bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế, thay vào đó, dự toán chi được xây dựng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, tính chất nhiệm vụ được giao để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.

Hướng đổi mới trên cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong nâng cao hiệu quả chi tiêu thường xuyên, vốn luôn chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng chi NSNN hàng năm. Bởi vậy, khi họp phiên mở rộng để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về ban hành Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022, để làm cơ sở cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, dự thảo Nghị quyết có điểm mới là xác định nguyên tắc từng bước đổi mới phương thức quản lý NSNN theo kết quả đầu ra. Đây là sự thay đổi phương pháp phân bổ theo hướng tích cực, hiệu quả, tiếp cận dần tới thông lệ quốc tế trong quản lý NSNN.

Cần gỡ nhiều cái khó

Nhìn nhận ở nước ta chủ trương về việc từng bước quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ đã có từ lâu, nhưng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, để triển khai trên thực tế đòi hỏi nhiều yếu tố, trong khi điều này lại chưa được thể hiện trong hồ sơ dự thảo, do đó cần phải cân nhắc...

“Hiện còn thiếu các căn cứ, cơ sở để quản lý ngân sách theo đầu ra. Quản lý ngân sách theo đầu ra phải gắn với kế hoạch chi tiêu trung hạn, nhưng kế hoạch này hiện chưa đầy đủ. Hiện còn thiếu bộ tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra, thiếu hệ thống thông tin và các mục tiêu căn bản, văn bản hướng dẫn cách làm, phương pháp, nguyên tắc và chế độ trách nhiệm. Cũng còn thiếu các quy định đối với quyết toán để bảo đảm đồng bộ. Do đó, chưa đủ căn cứ để triển khai cơ chế quản lý này. Bởi vậy, đề nghị trong năm 2022 vẫn nên thực hiện theo phương thức quản lý như hiện hành..”, bà Mai phân tích.

Để có cơ sở cho triển khai cơ chế phân bổ ngân sách theo tinh thần mới đảm bảo khả thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Bộ Tài chính có báo cáo đánh giá bước đầu về kết quả đầu ra của các bộ, ngành và địa phương; cần có sự so sánh, đối chiếu giữa dự toán và quyết toán của giai đoạn trước để thấy được tình hình thực hiện ở các bộ, đơn vị, địa phương.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, cần có đánh giá tác động của việc thay đổi tiêu chí so với quy định hiện hành; làm rõ hơn về cách thức cụ thể phân bổ NSNN theo tiêu chí chức năng, nhiệm vụ, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao. Cũng cần báo cáo kết quả xây dựng vị trí việc làm của các bộ, cơ quan Trung ương để làm căn cứ xây dựng và giao dự toán hàng năm.

Một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, cần làm rõ cách thức triển khai việc chuyển hướng phương thức quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao của các bộ, cơ quan trung ương cần dựa trên các định mức kinh tế - kỹ thuật cụ thể, chi tiết làm cơ sở xác định chi phí và kết quả theo đầu ra, bảo đảm việc phân bổ NSNN công khai, minh bạch, công bằng, tránh phân bố không có tiêu chí, định mức rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng “xin-cho”, thiếu minh bạch. Trong khi hiện chưa rõ về các nội dung này, nên đề nghị Chính phủ làm rõ sự khác biệt trong phương án xây dựng tiêu chí, định mức phân bổ mới so với giai đoạn trước.

Mặt khác, việc lượng hóa các chỉ tiêu kết quả thực hiện, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao là tương đối phức tạp, cần có sự nghiên cứu, đánh giá, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ trong những năm qua (bao gồm cả kinh phí thực hiện thí điểm tại 5 bộ, 5 địa phương giai đoạn 2003-2008), bảo đảm tránh bỏ sót hoặc phân bổ vượt quá nhu cầu thực hiện. Do đó, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm thí điểm tại một số bộ, cơ quan Trung ương có số chi NSNN lớn, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất công việc được giao, để trình Quốc hội xem xét quyết định. Trên cơ sở tổng kết, sẽ nghiên cứu áp dụng thống nhất đối với tất cả các bộ, ngành, cơ quan đảng và đoàn thể.../.