Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu năm 2023 giảm 12,6% so với bình quân năm 2022
Tính đến ngày 15/12/2023, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 17.624 tỷ đồng/phiên, giảm 12,6% so với bình quân năm 2022; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 6.114 tỷ đồng/phiên, giảm 20,4%; khối lượng giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 bình quân đạt 237.702 hợp đồng/phiên, giảm 13% so với bình quân năm 2022; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 32,23 triệu chứng quyền/phiên, giảm 0,6% và giá trị giao dịch đạt 28,67 tỷ đồng/phiên, tăng 35,2%, theo Tổng cục Thống kê.
Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu năm 2023 giảm 12,6% so với bình quân năm 2022 |
Để triển khai Chiến lược tài chính đến năm 2030 gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm giai đoạn 2021-2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 vào ngày 29/12/2030.
Theo đó, Chiến lược đã đưa ra mục tiêu và định hướng chung để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 là kiến tạo một thị trường phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam so với thị trường chứng khoán các nước phát triển.
Để thực hiện các mục tiêu chung này, Chiến lược đưa ra các mục tiêu rất cụ thể về quy mô vốn, số lượng tài khoản, cũng như nâng cao chất lượng thị trường, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể:
Về quy mô thị trường: Đến năm 2025: quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) và đến năm 2030 quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP). Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Về số lượng tài khoản của nhà đầu tư: số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Về nâng cao chất lượng thị trường: Chính phủ đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế. Đây là một xu hướng và thông lệ phổ biến trong phát triển thị trường chứng khoán các nước trên thế giới hiện nay. Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025 và phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế, nhằm nâng tầm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
Về hội nhập quốc tế: Thị trường chứng khoán Việt Nam tích cực hội nhập vào thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025./.
Bình luận