Lê Hoàng Công

Khởi nghiệp từ số vốn 5 triệu đồng

“Chẳng có con đường thành công nào nếu chúng ta không chịu dấn thân”. Lê Hoàng Công mở đầu câu chuyện khi tôi hỏi về quá trình khởi nghiệp của anh.

Cũng như bao chàng trai khác, năm 2004, Lê Hoàng Công bước chân vào giảng đường Đại học với với hành trang duy nhất là lời dặn dò của cha mẹ cố gắng học hành cho tốt. Nhưng con đường học hành như đã định ban đầu cùng với bao nhiêu thời gian, công sức bỏ ra đã không giữ được chân Công. Sau 2 năm miệt mài ở Đại học Thể dục thể thao Trung ương 2, Công phải chấp nhận bỏ học vì gia cảnh khó khăn. Công nói: “Đó là sự dấn thân đầu tiên của tôi vào cuộc sống mưu sinh. Để đưa ra quyết định ấy không phải là điều dễ dàng khi tôi phải nghĩ học đánh đổi một tương lai mơ hồ. Tôi muốn tự mình nhanh chóng kiếm tiền thay vì nhìn cảnh cha mẹ mình khổ cực”.

Rời Đại học, Công lên Bình Phước học kế toán và đi làm cho một công ty phân phối xi măng. Năm 2009, Công nghỉ việc, nhảy ra tự thành lập một công ty chuyên xây dựng cầu đường. Nhưng chuyện gì cũng đã đến, anh thất bại, phá sản. “Chuỗi thời gian đó vô cùng khó khăn khi giấc mơ bị bóp chết vì sự khắc nghiệt của thương trường. Tôi trở về con số 0 và buộc phải chấp nhận điều đó”, Công nhớ lại quãng thời gian khốn khó.

Nếm “trái đắng” đầu tiên trong kinh doanh, Công nhận ra áp lực lớn sẽ làm con người trở nên mạnh mẽ hoặc lụi tàn. Và giữa lằn ranh bước tiếp, buông xuôi, Công quyết tâm không thể gục ngã. Anh chấp nhận làm đủ thứ nghề từ tiếp thị gạch, thủ kho, thậm chí là bốc vác. Với quan điểm “Ngã chỗ nào đứng lên chỗ ấy”, Công vừa đi làm thuê vừa tự học hỏi để tích lũy kinh nghiệm kinh doanh.

“Năm 2012, khi báo chí liên tục phanh phui về những sản phẩm cà phê có pha trộn và tẩm hóa chất, cũng là lúc tôi thấy cơ hội mở ra cho mình. Thời điểm ấy tôi nghĩ, nếu cho ra đời một sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng sẽ dễ dàng gặt hái thành công hơn. Tôi quyết định xin vào làm việc tại các xưởng chế biến cà phê ở TP.HCM để vừa học nghề, vừa tìm tài liệu để trau dồi kiến thức chế biến cà phê”, Công chia sẻ về cơ duyên đến với nghề.


Rang cà phê không khó... cái khó là có đam mê hay không....

Với số vốn 5 triệu đồng được lãnh từ tiền lương làm thủ kho mỗi tháng, năm 2013, một lần nữa Công quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh bằng giấc mơ cà phê sạch. Vốn ít, không có tiền mua máy rang nên năm đầu Công phải tự mình chạy lên Sài Gòn thuê máy. Để đảm bảo sản phẩm của mình 100% sạch, Công tự chọn sản phẩm, tự đứng máy rang và tự mình giao cho khách hàng.

Để có nguyên liệu làm cà phê, Công không lấy cà phê ở các xứ sở khác, mà anh chọn hạt cà phê được trồng trên đất Bình Phước để sản xuất cà phê sạch. Bởi hạt cà phê tỉnh nhà tuy nhỏ nhưng có một hương vị đặc trưng riêng, uống xong rồi vẫn cảm thấy thơm ngon và vị ngọt đọng lại trong miệng. “Càng làm tôi càng say mê và yêu hương vị của giọt cà phê. Thay vì chỉ tạo lợi nhuận, tôi còn có một khát vọng là đem thương hiệu cà phê Bình Phước để mọi người biết đến. Có lời, tôi mạnh dạn đầu tư máy móc và đề ra chiến lược phát triển dài hơi hơn”, Công chia sẻ.

Để có được sự tin tưởng và yêu thích của khách hàng Lê Hoàng Công không ngừng tìm tòi nghiên cứu để cho ra những hương vị đặc biệt và cuốn người người dùng. Ông chủ của thương hiệu Công coffe cho biết, bao giờ cũng phải luôn đặt mình vào vị trí của một khách hàng thưởng thức cà phê, từ đó mới cảm nhận được sản phẩm của mình ngon hay dở.

Công khẳng định, đảm bảo lợi ích, sức khỏe và thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng chính là sự thành công của thương hiệu. Từng hạt cà phê của anh đều được tuyển chọn kỹ, đảm bảo không pha lẫn tạp chất độc hại. Những người kinh doanh mô hình cà phê “sạch” phải giữ vững lập trường, dù có áp lực về doanh thu cũng không phá vỡ nguyên tắc này.

Nhờ trải nghiệm qua tất cả các khâu sản xuất, Công luôn có sự nhận diện tinh tế thế nào là cà phê sạch. Công cho hay, cà phê sạch có mùi thơm dịu, khi rót nước sôi vào phin thì bột cà phê nở bung, đặc biệt khi uống có vị đắng thanh, chua nhẹ, cảm giác miệng và lưỡi sạch.

Ước mơ bay cao, bay xa

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, Lê Hoàng Công đã tạo nên một thương hiệu cà phê của riêng mình, mang đậm mùi vị của vùng đất đỏ Bazan Bình Phước. Bằng sự nỗ lực, cố gắng và không chấp nhận đầu hàng trước khó khăn, giám đốc Lê Hoàng Công đã đưa thương hiệu cà phê Công coffe bứt phá một cách ngoạn mục và thuyết phục được người tiêu dùng.


Bao bì sản phẩm của Café Công

Đầu năm 2015, sản phẩm cà phê của doanh nhân trẻ Lê Hoàng Công đã được tỉnh Bình Phước đề cử tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê lần thứ 5 trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột tại tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay sản phẩm cà phê của anh Công đã có mặt trên 20 tỉnh, thành phố trong cả nước và có 8 đại lý trải dài khắp tỉnh, thành cả nước, sắp tới anh dự tính sẽ mở thêm một chi nhánh ở Cần Thơ để mở rộng thị trường xuống các tỉnh miền Tây.

Đầu năm 2016, công ty Công Phát đã ký được hợp đồng xuất khẩu cà phê sang thị trường Hàn Quốc với số lượng lớn và thường xuyên. Hiện tại, ngoài việc làm cà phê sạch, Công còn đầu tư vào sản phẩm “Hạt điều rang muối Bom Bo” và thời gian tới anh sẽ phát triển thị trường ca cao mang thương hiệu Bình Phước.

Ở cái tuổi 30, Lê Hoàng Công đang tiến từng bước một, chậm nhưng chắc chắn. Đối với anh, thất bại và thành công như những giọt cà phê. Lúc đầu sẽ có vị đắng nhưng rồi sẽ có hậu ngọt. Với phương châm phát triển “Luôn luôn hướng đến lợi ích sức khỏe người tiêu dùng”, Lê Hoàng Công đã và đang đưa thương hiệu cà phê Bình Phước đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.