Giải ngân vốn trong nước qua Kho bạc đạt 13,8% kế hoạch
Theo Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 31/3, vốn trong nước giải ngân là hơn 54.303 tỷ đồng, đạt 13,8% kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân là hơn 5.309 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu giải ngân là 5.309 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân là 0,3 tỷ đồng). Vốn ngân sách địa phương giải ngân là hơn 48.994 tỷ đồng, đạt 15,1% kế hoạch.
Vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua Kho bạc Nhà nước làm cơ sở rút vốn ngoài nước giải ngân hơn 3.204 tỷ đồng, đạt 5,7% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách trung ương kiểm soát, xác nhận là 635,4 tỷ đồng, đạt 3,5% kế hoạch. Vốn ngân sách địa phương kiểm soát, xác nhận là 2.569,3 tỷ đồng, đạt 6,7% kế hoạch.
Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước còn kiểm soát thanh toán vốn của các bộ, ngành địa phương phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 ngoài kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao là 1.317,9 tỷ đồng/8.306,9 tỷ đồng, đạt 15,9% kế hoạch bộ, ngành, địa phương phân bổ.
Có 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%)
Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2020 ngay từ những tháng đầu năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020; Kho bạc Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính có ý kiến với các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án đã được UBND tỉnh giao vốn năm 2020 đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Đồng thời, tiếp tục triển khai nhanh, quyết liệt công tác phân bổ, giao, nhập vào hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) kế hoạch vốn đầu tư công đến các chủ đầu tư để các chủ đầu tư có cơ sở triển khai, thực hiện dự án và gửi Kho bạc Nhà nước (nơi giao dịch) làm cơ sở kiểm soát, thanh toán.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước đề nghị Vụ Đầu tư báo cáo Bộ để tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ kịp thời phê duyệt dự toán trên hệ thống TABMIS đảm bảo theo đúng thời gian quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 123/2014/TT-BTC ngày 27/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức vận hành, khai thác hệ thống TABMIS.
Nhìn chung hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng tuy cao hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn chủ yếu giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 còn lại, nên tỷ lệ giải ngân năm 2020 còn thấp. Theo Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu năm, hầu hết các bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 còn lại; phân bổ kế hoạch, nhập dự toán chi cho các dự án được bố trí kế hoạch; đồng thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 vẫn còn thấp.
Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/3 là hơn 61.591 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó, vốn trong nước giải ngân là hơn 58.595 tỷ đồng, vốn nước ngoài là hơn 2.995 tỷ đồng.
Cụ thể: Các bộ, ngành Trung ương giải ngân đạt hơn 10.735 tỷ đồng, đạt 9,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 3,63% so với kế hoạch Quốc hội đã phân bổ và đạt 5,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Địa phương giải ngân đạt hơn 50.855 tỷ đồng, đạt hơn 14% kế hoạch Thủ tướng giao (xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2019).
Trong đó, có 8 bộ, ngành và 34 địa phương có số giải ngân đạt trên 15%. Tuy nhiên, có 29 bộ, ngành và 1 địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%. Trong đó, có 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm là do theo quy định tại Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài sang năm 2020, nên các chủ đầu tư tập trung giải ngân vốn kéo dài của năm 2019, như tại Lào Cai, Thừa Thiên Huế. Một số các dự án được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch, nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2020, do đó chưa thể giải ngân.
Bên cạnh đó, thời điểm nghỉ Tết Nguyên Đán trong quý I và diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thực hiện và thanh toán vốn. Một số dự án khởi công mới chưa hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án./.
Bình luận