Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 22 (582)
Ở Việt Nam, việc lựa chọn theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh đang được triển khai mạnh mẽ từ cấp Trung ương đến địa phương và ở nhiều ngành, lĩnh vực. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong phát triển kinh tế, thu hút nguồn lực bên ngoài bổ sung cho phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua bài "Tăng trưởng xanh ở Việt Nam: Từ chiến lược đến hành động"của tác giả Phạm Hoàng Mai và Nguyễn Thị Diệu Trinh, bạn đọc sẽ được cập nhật những thông tin mới nhất trong tiến độ thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Thực hiện tăng trưởng xanh là một bước đi đúng. Việt Nam có nhiều cơ hội để thực hiện điều này, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn một số bất cập trong cơ cấu ngành kinh tế. Cơ hội và thách thức đó là gì sẽ được tác giả Nguyễn Thị Tuệ Anh và Hồ Công Hòa phân tích rõ hơn trong bài "Cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam".
Một trong những cái được khi thực hiện tăng trưởng xanh là nếu thực hiện thành công, Việt Nam sẽ rút ngắn được khoảng cách phát triển so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhưng muốn làm được, chúng ta phải thay đổi cách tiêu dùng sang “xanh” hơn, bởi đây mới thực sự là động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh. Với bài viết "Tiêu dùng xanh: Xu hướng cho Việt Nam", tác giả Nguyễn Thế Chinh và Đặng Quốc Thắng đã cho thấy thực tiễn của một số nước trong khu vực trong tiêu dùng xanh, từ đó đưa ra một số định hướng cho Việt Nam.
Việc huy động nguồn vốn cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả đang là bài toán nan giải đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do vậy, việc tìm kiếm và quản lý các nguồn tài chính đang trở thành một đòi hỏi khách quan trong lĩnh vực phòng, chống, giảm nhẹ tác hại do biến đổi khí hậu gây nên. Tác giả Trần Thanh Tùng với bài "Về nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam" sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn kinh phí cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam đang được huy động từ những nguồn nào, đồng thời tác giả cũng đề xuất một số giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Tái cấu trúc nền kinh tế là một trong 3 nhóm nhiệm vụ, mục tiêu được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Đây cũng là tiền đề quan trọng để đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp, hiện đại. Tác giả Hoàng Sỹ Động với bài "Tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng" sẽ đi sâu phân tích lý do tại sao phải thực hiện điều này. Bài viết cũng đề xuất một số giải pháp để thực hiện thành công tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh các bài viết về chủ đề "Tăng trưởng xanh", Tạp chí số này còn có các bài viết trong lĩnh vực nông nghiệp về các khía cạnh: thu hút FDI, nguồn lực, xuất khẩu... Chuyên đề về Đồng Nai và Quảng Ngãi trong số này cũng sẽ giới thiệu những thành tựu phát triển và tiềm năng đầu tư của hai địa phương. Cùng với đó là các bài viết phản ánh các khía cạnh trong phát triển kinh tế của các địa phương khác, như: Bắc Giang, Nghệ An, Phú Thọ...
Bình luận