Giáo dục của Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề trong bối cảnh hiện nay. Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nội dung Nghị quyết có gì mới sẽ được tóm lược trong bài “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Cũng trong giáo dục, sau 20 năm thực hiện xã hội hóa, các trường đại học ngoài công lập Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc tạo thêm nhiều cơ hội học tập và việc làm cho người dân. Tuy nhiên, đại học ngoài công lập cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, khiến các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách băn khoăn: Nên dừng hay tiếp tục? Tiếp tục thì phải như thế nào? Với tiêu đề “Đại học ngoài công lập:“Thời bung ra” đã hết?”, tác giả Thanh Loan sẽ đi sâu phân tích vấn đề.

Trong chủ đề giáo dục, Tạp chí số này còn nhiều bài với nội dung phong phú, như: “Một số vấn đề về cơ cấu đào tạo nhân lực trình độ đại học, cao đẳng hiện nay”; “Tự chủ tài chính trong giáo dục đại học công lập ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra”

Chinh sách tài khóa và chính sách tiền tệ là hai công cụ vĩ mô quan trọng trong điều hành một nền kinh tế. Việc phối hợp hai công cụ này ở Việt Nam hiện ra sao? Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch sẽ cho chúng ta rõ hơn qua bài “Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong bối cảnh hiện nay”. Và cụ thể trong năm 2014, cần phải điều hòa linh hoạt hai chính sách này như thế nào để tránh lạm phát cao trở lại, đồng thời ngăn chặn tình trạng đình đốn sản xuất đang diễn ra nghiêm trọng và tình trạng phá sản của nhiều doanh nghiệp, tác giả Phạm Đỗ Chí và Phan Thanh Hà sẽ phân tích chi tiết trong bài “Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ cho kế hoạch năm 2014”.

Tính cấp thiết phải đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta hiện nay đã được bàn thảo. Nhiều vấn đề đã được thống nhất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận về các nguyên tắc của đổi mới mô hình này. Qua bài viết “Nguyên tắc của đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”, tác giả

Nguyễn Thị Thơm và An Thị Thu Hà sẽ phân tích một số nguyên tắc, góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề.

Không thể phủ nhận vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong sự phát triển của đất nước. Song, thực tế cho thấy, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động còn yếu kém, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng trên là do còn nhiều bất cập trong chiến lược kinh doanh của các tập đoàn. “Vấn đề chiến lược kinh doanh của tập đoàn kinh tế nhà nước” là nội dung mà tác giả Nguyễn Hoàng Long và Nguyễn Quang Huy muốn nói đến và cũng sẽ đưa ra một số giải pháp “hóa giải”.

Tạp chí số này còn nhiều bài viết phong phú về vấn đề nguồn nhân lực, phát triển bền vững trong đô thị hóa và phát triển nông thôn, tình hình kinh tế xã hội các tỉnh, thành trong cả nước…