Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Việt Nam cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế. |
Qua gần 40 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã có các doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện xu hướng bảo hộ mới gắn với các yêu cầu kĩ thuật - thương mại mới, Việt Nam cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm quốc gia cũng như các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Gần 4 năm của nhiệm kỳ 2021-2026, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao, kịp thời chỉ đạo, chủ động điều hành linh hoạt các chính sách vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, niềm tin được củng cố, nội lực được tăng cường; nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao so với các quốc gia khác.
Ảnh hưởng của bão Yagi, doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn đăng ký
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng đầu năm 2024 là 121.898 doanh nghiệp, tăng 3,42% cùng kỳ năm 2023; số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.158.536 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023; số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 735.097 lao động, giảm 3,37% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 9/2024, có 11.216 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 92.818 tỷ đồng, giảm 5,03% về số doanh nghiệp và giảm 5,81% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 2.310.525 tỷ đồng (giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2023). Quy mô vốn đăng ký bình quân/một doanh nghiệp đạt 9,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 9 tháng đầu năm trong 5 năm 2019-2023 (12 tỷ đồng).
Số liệu cũng cho thấy, các vùng chịu thiệt hại trực tiếp từ cơn bão Yagi có số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9 giảm so với tháng trước đó là Đồng bằng Sông Hồng (giảm 16,7%), Trung du và miền núi phía Bắc (giảm 33,3%).
Trong đó, các địa phương có mức giảm mạnh so với tháng 8 là Thái Nguyên (giảm 41,2%), Bắc Giang (giảm 36,5%), Vĩnh Phúc (giảm 36,0%), Quảng Ninh (giảm 31,5%), Tuyên Quang (giảm 28,6%) và Lào Cai (giảm 28,3%).
Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2024 có 163.761 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 53,1%). Tính riêng tháng 9 có 13.248 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường chủ yếu tập trung vào tháng 1/2024 (doanh nghiệp thường lựa chọn thời gian tạm ngừng vào thời điểm đầu năm tài chính).
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2024 là 86.904 doanh nghiệp. Phần lớn là doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 36.753 doanh nghiệp (chiếm 42,3%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 77.745 doanh nghiệp (chiếm 89,5%). Riêng trong tháng 9/2024 có 4.233 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 20,6% so với tháng 8/2024.
Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2024 là 61.491 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 53.378 doanh nghiệp (chiếm 86,8%). Riêng trong tháng 9/2024 có 7.410 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 43,6% so với tháng 8/2024.
Số doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng đầu năm 2024 là 15.366 doanh nghiệp, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 14/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng năm 2024 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 10.326 doanh nghiệp (chiếm 67,2%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 13.482 doanh nghiệp (chiếm 87,7%, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023). Riêng trong tháng 9 có 1.605 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Công điện nêu rõ, dự báo cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quyết liệt, kịp thời chỉ đạo, điều hành với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chủ thể, duy trì đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi chính sách, nhằm củng cố niềm tin, cải thiện đời sống cho người dân, nâng cao năng lực của doanh nghiệp.
Bối cảnh thế giới chuyển trọng tâm sang phát triển bền vững, Việt Nam với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 và mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính (Net Zero) vào năm 2050, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển nhanh và bền vững, hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo để tạo ra cơ hội đột phá cho phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cấp dưới trực thuộc tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện theo thẩm quyền các giải pháp, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng, năm tới.
Đối với các Bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển. Khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa các khu vực; nghiên cứu việc hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm thực thi của các cơ quan, đơn vị; cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí tuân thủ.
Đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư, đồng thời nghiên cứu một số sáng kiến mang tính đột phá để chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế xanh như: (i) Phát triển năng lượng tái tạo nhờ tận dụng lợi thế địa lý gần xích đạo, khí hậu nhiệt đới gió mùa; (ii) Phát triển các cụm, khu công nghiệp - dịch vụ xanh; (iii) Phát triển và sản xuất hydro, ammonia xanh có giá trị cạnh tranh.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế đã ban hành; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhanh, toàn diện, bền vững, nhất là các cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp, đóng góp cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số. Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng thể chế quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, trước mắt tập trung vào quy tắc đạo đức, khung quản trị, quản lý rủi ro, khung thẩm định, đánh giá sản phẩm và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về AI.
Bộ Công Thương cần tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại để đa dạng hóa sản xuất, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng… thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Nghiên cứu tổ chức các chương trình hội chợ, ngày hội tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng và các hình thức khác để tăng sức mua của thị trường nội địa.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về tuần hoàn tài nguyên để thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu carbon.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới).
Khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản,…
Đối với các địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, cần chủ động tích cực theo thẩm quyền, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tại địa phương, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bão lũ, về tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng,… theo các quy định; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền./.
Bình luận