Hợp tác song phương Việt Nam - Lào có những chuyển biến mạnh mẽ
Việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp được Chính phủ hai nước chỉ đạo quyết liệt
Hội nghị giữa kỳ Ủy ban hợp tác hai nước Việt Nam - Lào vừa diễn ra, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khăm-chên Vông-phô-sỷ, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Khăm-chên Vông-phô-sỷ đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Hội nghị lần này, hai bên tập trung rà soát, đánh giá giữa kỳ về tình hình triển khai thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Lào năm 2023 và Hiệp định hợp tác song phương giai đoạn 2021-2025; xác định các nội dung trọng tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong những tháng cuối năm 2023 và đến hết giai đoạn 2021-2025. Đây là những nội dung có ý nghĩa và quan trọng.
Đánh giá khái quát kết quả hợp tác Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh, tính bất ổn, khó lường, song dưới sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của hai Đảng, hai Nhà nước, trực tiếp là Bộ Chính trị, Chính phủ hai nước, các nội dung Thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Lào đã được các cấp, các ngành, địa phương của hai Bên phối hợp triển khai tích cực, đạt hiệu quả thiết thực; hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2023 có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của mỗi nước, củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2023 có những chuyển biến mạnh mẽ... Ảnh: MPI |
Việc thực hiện Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025, các Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa hai nước các năm 2021, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra.
Hợp tác đầu tư tiếp tục có chuyển biến tích cực, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa.
Việc tập trung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp được Chính phủ hai nước quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đã được các bộ, ngành hai nước triển khai thực hiện rất tích cực. Trong thời gian vừa qua, một số dự án đầu tư trọng điểm, quan trọng đã được cơ quan hữu quan của hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Hai bên đã ký kết “Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào”; phối hợp sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, cũng như cơ quan chức năng hai nước trong quá trình thực hiện.
Theo Bộ trưởng Khăm-chên Vông-phô-sỷ, dù tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng kinh tế của mỗi bên đều được phát triển theo hướng đề ra. Ảnh: MPI |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khăm-chên Vông-phô-sỷ, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Lào trong 8 tháng đầu năm 2023; tình hình tổ chức thực hiện kế hoạch hợp tác năm 2023 và hiệp định về kế hoạch hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào giai đoạn 2021-2023.
Các chuyến thăm, cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao và trao đổi đoàn đại biểu các cấp từ trung ương đến địa phương, bao gồm cả trao đổi bài học kinh nghiệm trong giải quyết vấn đề khó khăn về kinh tế - tài chính của Việt Nam dành cho Lào tiếp tục được tổ chức thực hiện thường xuyên. Các dự án hợp tác, viện trợ và đầu từ của các thành phần doanh nghiệp, nhất là của Việt Nam tổ chức thực hiện tại Lào phần lớn được hoàn thành tốt, trong đó, có một số dự án được bàn giao. Điều này góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và xây dựng phát triển nước Lào.
Tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước
Về định hướng hợp tác hai nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, coi đó là tài sản vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.
Cũng tại Hội nghị lần này, hai bên thống nhất, trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan phấn đấu hoàn thành tốt Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2023 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025 |
Trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục quán triệt nội dung Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, các Biên bản Cuộc gặp thường niên giữa hai Bộ Chính trị; thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác hàng năm giữa hai Chính phủ; phối hợp, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan phấn đấu hoàn thành tốt Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2023 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, thúc đẩy hợp tác, kết nối kinh tế; nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hợp tác; tập trung và ưu tiên nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục, đào tạo nhân lực; thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế hợp tác thông qua cơ chế Ủy ban hợp tác hai nước để phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước.../.
Bình luận