Huyện Gia Lâm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Huyện Gia Lâm có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao |
Nhiều xã nỗ lực hoàn thành nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Năm 2015, xã Bát Tràng đã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Từ đó đến nay, Bát Tràng tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, để thực hiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ngoài 2 tiêu chí bắt buộc là thu nhập và thôn thông minh, xã lựa chọn tiêu chí an ninh trật tự và tiêu chí du lịch.
Đến thời điểm này, công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Bát Tràng đã cơ bản hoàn thành. Kinh tế của Xã tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - thương mại – dịch vụ - du lịch. Xã đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, cải tạo các tuyến đường trục thôn, liên thôn; trùng tu, tôn tạo di tích. Hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư; xây dựng mới 3 trường (THCS, tiểu học, mầm non); xây dựng mới trụ sở UBND xã, 4 nhà văn hóa, trụ sở công an xã. Đời sống của nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Một số tiêu chí đạt kết quả cao như: 100% đường ngõ xóm có điện chiếu sáng; 100% trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia và trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; trạm y tế xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Xã có 5 nơi sinh hoạt văn hóa phục vụ cộng đồng để các thôn hội họp, sinh hoạt văn hóa phục vụ cộng đồng. 5/5 thôn đạt danh hiệu “thôn văn hóa”; trên 96% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo QCVN. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 86,54 triệu đồng/người/năm, đặc biệt xã không còn hộ nghèo. Qua đánh giá chấm điểm của Xã và Huyện, kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Bát Tràng đạt 100 điểm; Xã đang hoàn thiện hồ sơ để đoàn thẩm định nông thôn mới của Thành phố về thẩm định.
Không nhiều thuận lợi như xã Bát Tràng, Dương Quang là xã nằm ở phía Đông của huyện Gia Lâm, ngành nghề chủ yếu là phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Năm 2016, xã Dương Quang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Dương Quang đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao; tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt, hoàn thiện tiêu chí cơ bản đạt.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này, công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Dương Quang đã đạt được những kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã từng bước được nâng lên. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm y tế, trụ sở làm việc, công trình văn hóa... được đầu tư nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 71,06 triệu đồng/người. Toàn xã không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 0,33%. 100% số hộ được dùng điện an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; số hộ có nhà kiên cố đạt 100%. 100% tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn và đường ngõ xóm được bê tông hóa, nhựa hóa phục vụ cho nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương. Hệ thống đường trục chính nội đồng, kênh mương, các công trình thủy lợi thường xuyên được cứng hóa, nâng cấp cải tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 85,1%. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đạt 100% khối lượng; 100% số dân sử dụng nước hợp vệ sinh.
Đến nay, 9/9 thôn trong Xã có nhà văn hóa và đạt, duy trì danh hiệu "Làng văn hóa”; tỷ lệ hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa là 96,6%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên; toàn Xã có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Qua đánh giá chấm điểm của xã và huyện, kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Dương Quang đạt trên 95 điểm; hiện xã đang hoàn thiện hồ sơ để đoàn thẩm định nông thôn mới của TP. Hà Nội về thẩm định.
Tương tự, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Thường, huyện Gia Lâm đã bắt tay xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã đã tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp các trường học trên địa bàn, xây dựng nâng cấp, cải tạo các Nhà văn hóa, khu di tích, các tuyến giao thông liên thôn, trục được chính, đường giao thông ngõ, xóm. Đến nay, một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã đạt kết quả cao: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, rải nhựa apphal; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng; 2 trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ 1, 2 trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2; Trạm Y tế xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt 77,95 triệu đồng/người/năm …
Ngoài ra, trong năm 2023, các xã thuộc huyện Gia Lâm, như: Trung Mầu, Ninh Hiệp… cũng cơ bản hoàn thành các tiêu thí nông thôn mới nâng cao.
Săn sàng về đích nông thôn mới nâng cao
Ngày 17/10/2023, Đoàn thẩm định nông thôn mới TP. Hà Nội tiến hành thẩm định huyện Gia Lâm về thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, đến hết năm 2022, Huyện đã có 15 xã, chiếm 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 15% số xã; 2 thị trấn: Trâu Quỳ và Yên Viên được UBND Huyện công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Đối với 9 tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao, Huyện đều đạt mức điểm tự chấm 98/100 điểm. Đời sống nhân dân trên địa bàn Huyện ngày một nâng cao. Gia Lâm không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân đạt 71,7 triệu đồng/người/năm; huyện có 20.038/27.450 lao động được đào tạo; hầu hết lao động đều có việc làm.
Bên cạnh đó, Gia Lâm cũng có 95,1% người dân tham gia bảo hiểm y tế; có 122 thôn làng được công nhận làng văn hóa; 100% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển; 100% số hộ được sử dụng nước sạch. Huyện có 1 bệnh viện đa khoa, 1 trung tâm y tế; 20/20 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 75/78 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 96,1%...
Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với thực hiện tiêu chí quận, UBND Huyện xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng, đến nay, 5/5 dự án đã được phê duyệt, toàn bộ hệ thống sẽ được hạ ngầm, chiếu sáng được sử dụng bóng đèn led. Huyện thực hiện duy trì thường xuyên, bảo đảm 100% hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường được thắp sáng... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội, Gia Lâm đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Thành phố trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Mới đây nhất, trong hai ngày 23 và 24/11/2023, Đoàn thẩm định nông thôn mới Thành phố đã thẩm định xong 7 xã của huyện Gia Lâm, trong đó có 5 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Với kết quả đạt được, lũy kế đến nay, huyện Gia Lâm có 20 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, chiếm 100% số xã trên địa bàn; 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu./.
Bình luận