IIP tháng 2/2023 ước tính tăng 5,1%
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%).
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,1%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), làm giảm 5,3 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
IIP 2 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/02/2023 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Năm 2023, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên |
Để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2023, theo Bộ Công Thương, Bộ sẽ triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương.
Trên cơ sở đó, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.
Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa
Cụ thể, theo Tờ trình của Bộ Công Thương về Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030 gửi Chính phủ, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030.
Tờ trình cũng nêu, tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. Chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ cũng chỉ đạo, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng ưu tiên đã được xác lập: Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như: Cơ khí, thép, thiết bị điện...
Năm 2023, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh trong những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên./.
Bình luận