Kết nối giao thương sản phẩm thời trang Việt Nam với thị trường Nam Mỹ
Hội nghị thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ (Thương vụ Việt Nam tại Braxin, Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp đồng tổ chức trong hai ngày 9-10/5/2022.
Hội nghị bao gồm phiên toàn thể và và các phiên giao thương doanh nghiệp. Tại phiên toàn thể, các chuyên gia từ Việt Nam, Chi Lê và Braxin sẽ giới thiệu những cơ hội hợp tác kinh doanh triển vọng và mới nổi trong lĩnh vực thời trang giữa Việt Nam với các nước Nam Mỹ trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, đại diện đến từ Chi Lê, bà Salka Tennen - Công ty Té verde sẽ chia sẻ về thực tế và cơ hội xuất khẩu mặt hàng thời trang vào thị trường Chi Lê. Từ Braxin, ông Sergio Arevalo, Công ty Villalobos Modas (Braxin) sẽ giới thiệu tới Hội nghị về tiềm năng thị trường thời trang tại Braxin.
Khu vực Nam Mỹ là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu nhiều loại hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng thời trang.
Hội nghị sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam kết nôi đối tác tiềm năng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu sản phẩm thời trang và hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường thương mại quan trọng khu vực Nam Mỹ.
Hiện nhiều nước Nam Mỹ đánh giá Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng ở khu vực Châu Á. Tại khu vực Nam Mỹ, Braxin là thị trường tiêu thụ lớn nhất với quy mô dân số lên đến 200 triệu người. Trung bình mỗi năm, Braxin nhập khẩu hơn 236 tỷ USD hàng hóa; trong đó có 30% hàng hóa đến từ khu vực Châu Á.
Đến nay, Việt Nam đã thành lập cơ chế đối thoại với nhiều nước khu vực Nam Mỹ, bao gồm Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như Ủy ban hỗn hợp kinh tế thương mại và kỹ thuật với Braxin. Đây là các kênh trao đổi thông tin, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Braxin đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Braxin tại Đông Nam Á.
Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có hàng thời trang rất được người tiêu dùng Braxin quan tâm. Mặc dù vậy, thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Braxin.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Braxin đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2021.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Braxin đạt 533,2 triệu USD, tăng 3,5%; Việt Nam nhập khẩu từ Braxin đạt 1,175 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Braxin trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu giày dép các loại đạt 33,18 triệu USD, giảm 15,11% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu hàng dệt may đạt 12,73 triệu USD, tăng 13,1%; xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù đạt 3,33 triệu USD, giảm 31,13%.
Đối với Chi Lê, hiện dệt may và giày dép là hai nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Chi Lê nhưng kim ngạch còn khiêm tốn. Rào cản xuất khẩu các mặt hàng này sang Chi Lê chủ yếu còn do giá cả do phải cạnh tranh mạnh với hàng Trung Quốc.
Các Thương vụ Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ cho rằng, sau dịch Covid-19 các quốc gia trong khu vực đều có xu hướng định hình lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là ở các quốc gia giữ được sự ổn định trong dịch bệnh. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam, trong đó có hàng thời trang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gia tăng sự hiện diện tại khu vực Nam Mỹ nhằm nâng cao thị phần và giá trị xuất khẩu trong thời gian tới./.
Bình luận