Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết: Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm đánh giá tình hình KTXH tháng 7 và 7 tháng; tình hình phân bổ giải ngân vốn đầu tư công; tình hình thực hiện 3 Chương trình MTQG cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.

Kết quả kinh tế - xã hội tháng 7 cao hơn tháng 6 và tính chung 7 tháng tốt hơn so với cùng kỳ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin tới báo chí tại buổi họp báo - Ảnh: VGP/Dương Tuấn

Ngay đầu Phiên họp, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc, lời thăm hỏi đến các gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai, lũ lụt, sạt lở vừa qua. Tiếp đó, trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chúc mừng đồng chí Tô Lâm vừa được Trung ương Đảng thống nhất cao bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực

Về bối cảnh, tình hình tháng 7 và 7 tháng đầu năm, nhiều tổ chức quốc tế nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, song tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; bất ổn chính trị ở một số khu vực leo thang; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; thiên tai, mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và của.

Trong bối cảnh tình hình nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, trong đó tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, xử lý linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh, bảo đảm hài hòa với các nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, Công điện, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo, trong đó tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lới của nền kinh tế; khắc phục hậu quả mưa lũ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thúc đẩy đầu tư công, đôn đốc tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường dây 500 kV mạch 3…

Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Tháng 7 và 7 tháng đầu năm, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng tích cực, nhìn chung kết quả tháng 7 cao hơn tháng 6 và tính chung 7 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, nổi bật là:

- Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Khu vực công nghiệp phục hồi tốt; tháng 7 tăng 0,7% so với tháng 6 và tăng 11,2% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 8,5%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4%; 7 tháng tăng 8,7%. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm - cao nhất kể từ tháng 11/2018 với sản lượng, đơn hàng mới tăng mạnh.

- Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6. Tỉ giá, lãi suất nhìn chung ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 5,18 triệu tấn, kim ngạch gần 3,3 tỷ USD); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

- Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tháng 7 tăng 6,7% so với tháng 6 và 19,1% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%; xuất siêu 14,08 tỷ USD.

- Thu NSNN tăng mạnh, tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện. Tổng NSNN 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ; trong khi đã thực hiện miễn, giảm 87,2 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi NSNN được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.

- Du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Trong 7 tháng, khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ và tăng 1,9% so với cùng kỳ 2019 trước khi có đại dịch COVID-19.

- Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Thu hút FDI đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua.

- Phát triển DN tiếp tục xu hướng tích cực. Tháng 7 có 14.700 DN đăng ký thành lập mới, tăng 7,3% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng có 139.500 DN thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 5,9% so với cùng kỳ.

- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tổ chức trang trọng, chu đáo, an toàn lễ Quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội theo tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.

- Thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ tháng 7/2024 đạt kết quả tốt, về cơ bản không làm tăng giá, nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước.

- Tập trung xây dựng và đã cơ bản hoàn thành việc ban các nghị định hướng dẫn các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

- Cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.

- Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được nâng lên.

- Kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị mất, có nhà ở, tài sản bị cuối trôi, vùi lấp.

Phải kiên định ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, nổi bật là: (i) Sức ép lạm phát còn cao; tình hình thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới còn nhiều rủi ro; (ii) Tình hình SXKD trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số DN rút khỏi thị trường còn cao; (iii) Tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; thị trường BĐS bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 140 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội còn chậm; (iv) Đời sống một bộ phận người dân khó khăn; thiên tai, dịch bệnh, nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi…

Kết luận phiên họp, trên cở sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu là phải kiên định ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo điều hành là tháng sau phải tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Đảng; kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; các nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung:

Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác. Tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; quyết liệt triển khai chuyển đổi số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong mọi tình huống.

Thứ hai, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó:

Về đầu tư: đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 03 CTMTQG; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc.

Về xuất khẩu: tập trung củng cố các thị trường lớn, truyền thống; mở rộng các thị trường mới; hỗ trợ DN đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiếp cận thị trường tiềm năng…

Về tiêu dùng: đẩy mạnh phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai hiệu quả việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Thứ ba, có cơ chế, chính sách hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực giá trị gia tăng, công nghệ như chíp bán dẫn, AI…).

- Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 CTMTQG. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia (nhất là dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối); hệ thống đường bộ cao tốc (phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km).

Thứ tư, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn để sửa đổi, bổ sung. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai các quy hoạch đã ban hành, đặc biệt là các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…

Thứ năm, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân; trong đó lưu ý theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại. Làm tốt công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm xuất cấp gạo kịp thời hỗ trợ người dân, không để ai bị đói, bị rét.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh vận động, ủng hộ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kiên quyết không để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Chuẩn bị tốt cho năm học mới; bảo đảm vệ sinh, an toàn học đường; phòng chống đuối nước ở trẻ em. Tăng cường nắm tình hình; chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động, nhất là ở các khu công nghiệp.

Thứ sáu, tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, trong đó lưu ý bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng, tội phạm ma tuý; tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán các FTA mới.

Thứ bảy, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội, của nhân dân.

Thứ tám, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội XIV của Đảng, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chuẩn bị chu đáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ 14 của Đảng./.