Khát vọng mang ngành y tế Việt Nam đến gần hơn với công nghệ
Ông Ngô Thanh Sơn cho rằng, thách thức và khó khăn lớn nhất trong ngành y tế là ở chỗ, đây là lĩnh vực cần kiến thức chuyên sâu, khó tiếp cận và thay đổi thói quen người dùng. Với vai trò là Trưởng làng Công nghệ y tế, VMED Group đang và sẽ tạo diễn đàn thảo luận về xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và ngành y tế Việt Nam. Bên cạnh đó là nhu cầu và tầm nhìn của các bệnh viện về chuyển đổi số, từ đó đề xuất cách thức khai thác tiềm năng, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành y Việt Nam để mang lại hiệu quả cụ thể trong thời gian tới.
Ông Ngô Thanh Sơn – Phó tổng giám đốc VMED Group, Trưởng làng Công nghệ Y tế phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy, Việt Nam sở hữu trí tuệ tuyệt vời cùng với sự sáng tạo và lòng đoàn kết. Đặc biệt trong ngành y tế, công nghệ góp phần rất lớn để tạo nên sức mạnh chiến thắng dịch bệnh. Đây là điểm cần phát huy mạnh mẽ để giúp nhiều người dân được tiếp cận nền y tế tiến tiến, vượt qua những biến cố về sức khỏe, biến nguy cơ thành cơ hội phát triển.
Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ - Bộ KH&CN, ông Phạm Hồng Quất mong muốn ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận nền y tế tiến tiến
Nhiều câu chuyện về xu hướng chuyển đổi số từ các chuyên gia trên thế giới bằng hình thức trực tuyến đã được chia sẻ để tìm ra con đường cho Việt Nam. Với kinh nghiệm triển khai sản phẩm tiêu biểu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo của Google Health cho hệ thống y tế tại Ấn Độ và Thái Lan, ông Dương Anh Quang, quản lý lãnh đạo công nghệ Google Health cho rằng, công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể giúp ngành y tế giải rất nhiều bài toán khó. Tuy nhiên, để ứng dụng hiệu quả thì ngoài tri thức, tiềm lực tài chính, nhất định cần phải có sự tìm tòi chuyên sâu về thị trường và kinh nghiệm triển khai thực tế.
Ominext Group là doanh nghiệp công nghệ thông tin duy nhất của Việt Nam làm chuyên sâu về giải pháp hệ thống thông tin trong y tế và chăm sóc sức khoẻ cho thị trường Nhật Bản. Từng triển khai chuyển đổi số tại 5.000 cơ sở y tế và 3.000 nhà thuốc tại Nhật Bản, ông Trần Quốc Dũng, Tổng giám đốc Ominext Group cho rằng, có điểm các bệnh viện cần thực hiện để tạo nên sự thay đổi, nhưng trước hết phải lập chiến lược số, kế hoạch chuyển đổi số. Cùng với đó, cần có một đội ngũ chuyên gia tư vấn, chuyên môn hóa từng hạng mục và sự góp sức của truyền thông để tạo nên sự hiểu biết chung của cộng đồng về định hướng này.
Tại sự kiện, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), ông Doãn Ngọc Hải cùng một số chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ cơ hội để các startup vận dụng trí tuệ, năng lực và sức mạnh của công nghệ đưa ra những “lời giải” phù hợp, hiệu quả cho “bài toán” chuyển đổi số y tế tại Việt Nam. Thời đại số cần tập trung vào sản phẩm người dùng yêu cầu và thị trường tìm kiếm. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ đang khởi nghiệp, cần chủ động hơn, sáng tạo hơn, tham gia các cuộc thi, trải nghiệm nhiều hơn để rèn cách mình suy nghĩ về cách giải quyết các vấn đề hiện hữu.
VMED Group định vị mình là Công ty cung cấp các giải pháp và dịch vụ y tế đứng đầu Việt Nam với các sản phẩm, hệ thống có chất lượng vượt trội và được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Mục tiêu của VMED Group là cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng bằng cách đưa công nghệ tiên tiến nhất vào hệ thống chăm sóc sức khỏe Việt Nam.
Chuyển đổi số trong y tế là xu hướng tất yếu và là con đường mang lại những đổi thay vượt bậc trong hoạt động quản trị, công tác khám chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung. Với vai trò Trưởng làng Công nghệ Y tế, lãnh đạo VMED Group cho biết, sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện sứ mệnh liên kết “5 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà khoa học – Doanh nghiệp - Cộng đồng, nhằm góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành y tế, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững trong xu thế “chuyển đổi số” của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng./.
Bình luận