Khó khăn vẫn “bủa vây” khối kinh tế tư nhân
Ngày 26/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”.
Vẫn còn quá nhiều rào cản
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã làm nên sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, mạnh dạn đột phá và đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới.
Tuy nhiên, ông Phòng cũng cho rằng, khu vực kinh tế này vẫn chưa thực sự trở thành động lực của nền kinh tế, do có nhiều khó khăn, rào cản.
Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, có 3 rào cản với doanh nghiệp đó là: gánh nặng chi phí, thời gian để tuân thủ quy định pháp luật, rủi ro pháp lý và độ an toàn trong kinh doanh. Trong đó, ông Hiếu nhấn mạnh, hiện nay Chính phủ mới đang tập trung giải quyết các vấn đề chi phí kinh doanh, còn rủi ro pháp lý thì lại chưa được quan nhiều.
Về rào cản nội tại của doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng, sự yếu kém về quản trị doanh nghiệp là rào cản lớn nhất và mang tinh chất quyết định đến sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
Các đại biểu tại diễn đàn |
Ở góc độ khác, ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam lại nhấn mạnh đến rào cản về chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt thì lợi nhuận một năm chỉ 2%-4%, trong khi đó theo khảo sát của VCCI, thì chi phí không chính thức của doanh nghiệp lên tới 6%-8%. Như vậy, đây là khó khăn cực lớn cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Đoàn cho biết.
Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, các rào cản đối với khu vực này vẫn còn nhiều, bủa vây ở nhiều phía. Cụ thể như ông Thành nhắc đến là vấn đề về quyền tài sản.
“Quyền tài sản lớn hơn cả quyền sở hữu. Theo nghĩa rộng Việt Nam còn nhiều vấn đề: Tài sản gắn liền với đất đai, cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực, môi trường kinh doanh”, TS. Thành nói.
Thừa nhận nỗ lực của Chính phủ đối với kinh tế tư nhân, nhưng ông Thành cho rằng Chính phủ cơ bản mới xử lý được một vấn đề, đó là gia nhập thị trường, còn cạnh tranh – vốn, hay chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh hay việc rút lui khỏi thị trường vẫn còn chưa được cải thiện nhiều. Do đó, doanh nghiệp Việt vẫn khó có đủ năng lực cạnh tranh, khó tạo động lực thực sự.
Đánh giá dựa trên các số liệu khảo sát từ VCCI, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở rất nhiều phương diện, từ khách hàng, thị trường, tiếp cận vốn vay, lao động và chất lượng lao động đến thanh tra, kiểm tra, tiếp cận đất đai…
Nhấn mạnh về thủ tục hành chính, ông Tuấn nói rằng thuế, phí, lệ phí, đất đai, quản lý thị trường….vẫn là những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân. “Chỉ một cán bộ khó ở, doanh nghiệp cũng gặp rắc rối”, ông Tuấn cho biết.
Về thanh tra, kiểm tra thì các doanh nghiệp càng lớn thì bị thanh tra càng nhiều, khiến nhiều doanh nghiệp không muốn lớn, vì càng lớn, càng rủi ro, càng tốn chi phí.
Dưới góc độ chuyên gia tài chính, thì ông Vũ Đình Ánh lại đánh giá rằng, vốn và thuế là 2 vấn đề nan giải đối với khu vực kinh tế tư nhận, hạn chế sự phát triển của khối kinh tế này.
Đối với vốn, ông Ánh cho biết, do quy mô vốn nhỏ và khả năng tự tài trợ bị hạn chế, cùng với thị trường tài chính phi ngân hàng kém phát triển, nên khu vực kinh tế tư nhân trông cậy rất nhiều vào việc vay ngân hàng để bù đắp sự thiếu hụt vốn kinh doanh. Trong khi đó, theo số liệu chính thức, tỷ trọng tín dụng cho kinh tế tư nhân hiện nay trong tổng tín dụng ngân hàng còn thấp, cách xa so với nhu cầu của khu vực này cũng như không tương xứng với vai trò và vị thế của nó trong nền kinh tế.
Về vấn đề thuế, ông Ánh cho rằng, đây là vấn đề quan trọng thứ hai sau vốn, nhưng lại được các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân nói tới nhiều nhất.
“Hầu hết các ý kiến đều cho rằng thuế hiện nay quá cao do đó yêu cầu được ưu đãi, miễn giảm và chính sách thuế mang nặng tính tận thu... khiến doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Ánh cho biết.
Tạo mọi điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển
Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực của nền kinh tế, ông Phòng cho rằng, cần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Trước hết, cần bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô song song với việc nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân phát triển.
Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, thực hiện một Chính phủ kiến tạo bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tạo dựng minh bạch hệ thống thông tin quản lý, tạo dựng minh bạch hệ thống thông tin quản lý trong xã hội…
Còn theo bà Hoàng Thị Tư, chuyên viên cao cấp, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cần tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường đất đai, tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường.
Cụ thể, tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý; Phát triển đa dạng các định chế tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ bảo lãnh tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức tư vấn tài chính, dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm…
Riêng về góc độ tài chính, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, tài chính đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nên cần có những cơ chế và chính sách để giải quyết ngay những vướng mắc về tài chính cho kinh tế tư nhân.
Bên cạnh sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, thì chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho rằng về phía doanh nghiệp cũng cần phải cố gằng, trong đó lưu ý 3 điều.
“Thứ nhất là cách tạo lập các đơn hàng, như những doanh nghiệp Mỹ, đơn hàng lớn nhất của họ là về công nghệ và quân sự. Thứ hai là phải được hỗ trợ một cách hợp pháp. Và thứ ba là phải kết nối được những doanh nghiệp sáng tạo, bởi các liên kết này ở Việt Nam còn rất yếu”, TS. Thành cho biết./.
Bình luận