Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành y dược

Chia sẻ về các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành y dược tại phiên tọa đàm Hội thảo: “Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 25/9, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam hiện chỉ có khoảng 160 dự án, giá trị ký kết khoảng 1,8 tỷ USD và có mặt tại 13 tỉnh thành. Trong lĩnh vực dược, đa phần các doanh nghiệp đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), trong khi các trung tâm y tế hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu thì gần như chưa có.

Khơi thông chính sách tăng thu hút đầu tư để tạo đột phá trong phát triển ngành y dược
Các đại biểu thảo luận tại Phiên tọa đàm trong khuôn khổ Hội thảo

Các dự án đầu tư vào 13 địa bàn, nhưng chủ yếu tập trung vào các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội tốt như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Điều này cũng thể hiện điều kiện kinh tế xã hội tốt tác động tới đầu tư nước ngoài trong ngành y tế. Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết các ưu đãi dành cho đầu tư vào ngành y dược đều ở mức cao nhất. “Chúng tôi vẫn tiếp tục ghi nhận để có các ưu đãi chi tiết hơn, nhất là với các ngành đặc biệt khuyến khích. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng, khi hình thành các trung tâm phát triển y dược, thì sẽ nhận được các dự án đầu tư lớn. Trong thu hút đầu tư ngành dược, điều kiện kinh tế - xã hội có tác động lớn. Hiện tại, thu nhập của người dân đã bước sang giai đoạn thu nhập trung bình, các điều kiện được cải thiện, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng cao. Đáng chú ý gần đây xu thế đầu tư các dự án, tổ hợp, khu công nghiệp, chuyên thu hút đầu tư y dược đã hình thành. Các nguồn lực và điều kiện sẽ được rà soát và có thể tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư vào ngành y dược”, ông Chung chia sẻ.

Khơi thông chính sách tăng thu hút đầu tư để tạo đột phá trong phát triển ngành y dược
Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Hội thảo

Nhìn nhận vai trò quan trọng của thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành y dược, đứng ở góc độ nhà đầu tư ngoại, ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma Group, Eurocham cho rằng một trong những trọng tâm trong việc sửa đổi thể chế ngành dược là cần hướng tới mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo ông Darrell Oh, vấn đề quan trọng là yếu tố chính sách, không chỉ Bộ Y tế mà các cơ quan khác liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy hoạt động đầu tư. Nguồn lực quốc tế có thể giúp giảm gánh nặng về tiếp cận thuốc, tăng cường uy tín cho Việt Nam trong khu vực trong lĩnh vực y tế, thậm chí có thể giúp Việt Nam trở thành lựa chọn của người bệnh tại khu vực Đông Nam Á.

“Có nhiều quốc gia cũng đang sửa đổi các chính sách về dược để tăng cường đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư nước ngoài ngành dược. Ví dụ gần đây, Nhật Bản có chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp sự sẵn có của thuốc nhanh hơn phục vụ người bệnh, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Nhật Bản đầu tư 7 tỷ USD mỗi năm cho phát triển ngành dược.

Khơi thông chính sách tăng thu hút đầu tư để tạo đột phá trong phát triển ngành y dược
Ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma Group

Chủ tịch Pharma Group gọi mở 3 yếu tố chính mà Việt Nam có thể học hỏi: Thứ nhất là chiến lược rõ ràng, tập trung cụ thể vào đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm - dịch vụ giá trị cao. Thứ hai là đơn giản hoá thủ tục thông qua các chính sách và thu hút đầu tư. Thứ ba là thể chế cụ thể, có ban chỉ đạo cấp quốc gia, trước khối lượng công việc lớn thì các bộ ngành cần phối hợp với nhau.

Chú trọng 5 nhóm chính sách lớn trong sửa đổi Luật Dược

Cũng tại phiên tọa đàm, vấn đề sửa đổi khung pháp lý, thể chế để mở đường cho phát triển ngành y dược được các đại diện tập trung trao đổi và chia sẻ thông tin, trong đó có câu chuyện sửa đổi Luật Dược vốn đang được các doanh nghiệp và cơ quan quản lý ngành hết sức quan tâm. Đánh giá cao những định hướng sửa đổi trong Luật Dược, ông Trịnh Lương Ngọc, Luật sư thành viên Vilaf cho biết, Luật Dược sửa đổi có tác động tích cực theo 2 hướng. Trước hết, đó là việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, cấp giấy phép lưu hành... làm doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đăng ký sản phẩm dược, đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, điều này giúp giá thuốc có thể tốt hơn, người dân có thể tiếp cận thuốc chất lượng cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài có thể sản xuất, chuyển giao sản phẩm cho doanh nghiệp Việt, mang ý nghĩa khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài làm việc nhiều hơn với doanh nghiệp trong nước. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước học hỏi và sản xuất sản phẩm mới.

Khơi thông chính sách tăng thu hút đầu tư để tạo đột phá trong phát triển ngành y dược
Ông Trịnh Lương Ngọc, Luật sư thành viên Vilaf

“Nhà đầu tư nước ngoài không chỉ chú trọng tới ưu đãi đầu tư. Khi quyết định đầu tư, họ quan tâm tới việc phối hợp, tháo gỡ vướng mắc giữa các đơn vị, giữa trung ương và địa phương, bởi dự án có thể kéo dài hàng năm mới triển khai được”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, kể từ khi đưa Luật Dược 2016 vào thực thi, ngành dược đã có nhiều khởi sắc. Từ chỗ trước đây chủ yếu là các nhà máy của Nhà nước, đến nay trên cả nước đã có 200 nhà máy sản xuất thuốc, chủ yếu là của doanh nghiệp tư nhân. Đối với thị trường thuốc, từ chỗ nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, đến nay cơ bản đã cung ứng đủ thuốc cho công tác khám, chăm sóc sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và bối cảnh thay đổi, ông Hùng cho rằng qua 8 năm triển khai Luật Dược, nhất là qua đại dịch Covid vừa qua, đã nhận thấy có nhiều điều cần sửa đổi Luật cho phù hợp với tình hình mới.

Khơi thông chính sách tăng thu hút đầu tư để tạo đột phá trong phát triển ngành y dược
Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế

Chia sẻ thêm về việc giải quyết các tồn tại và quá trình sửa đổi Luật Dược, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết hiện tại, Dự thảo Luật Dược sửa đổi, bổ sung chú trọng vào sửa đổi 5 nhóm chính sách lớn, cụ thể đó là: Thứ nhất, tăng cường hơn nữa việc cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân; Thứ hai, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới; Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế; Thứ tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, ưu tiên nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, thuốc/nguyên liệu thuốc sinh học, thuốc dược liệu được tiêu chuẩn hóa, nguyên liệu từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước; Thứ năm, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

“Ngành dược rất đặc thù, liên quan trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng, nhiều ngành có thể cắt giảm thủ tục hành chính và thực hiện hậu kiểm…, nhưng thuốc thì không như vậy, việc cấp phép thuốc phải tuân thủ đầy đủ các quy trình. Việt Nam và các quốc gia đều làm như vậy, không thể cứ cấp phép sau đó thu hồi vì như vậy rất nguy hiểm. Với việc sửa luật chúng tôi muốn đơn giản thủ tục, đơn giản hồ sơ tài liệu, nhưng vẫn phải chặt chẽ, kỹ càng để đảm bảo chất lượng thuốc, đảm bảo sức khoẻ. Chúng tôi muốn tăng cường lưu hành thuốc nhưng đó là thuốc tốt, an toàn, hiệu quả, không phải là tập trung phát triển ồ ạt, không đảm bảo chất lượng”, ông Hùng chia sẻ./.