Không có cơ chế chia sẻ rủi ro, không thể hấp dẫn được các nhà đầu tư
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chia sẻ rủi ro và phần tăng, giảm doanh thu là cơ chế mang tính cách mạng, hết sức đặc biệt của Luật PPP.
PPP là luật mới, rất khó, phức tạp
Giải trình thêm một số vấn đề còn thảo luận xung quanh Luật PPP, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là dự thảo Luật mới, rất khó, phức tạp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy mỗi một nước có một kiểu khác nhau, có nhiều nước không có luật nhưng hệ thống pháp luật của các nước rất đồng bộ và đầy đủ.
“Tuy nhiên, khi chúng ta chưa có hệ thống một cách đồng bộ và chặt chẽ, thì nên có một luật riêng để đảm bảo quản lý chặt chẽ và thu hút được nguồn lực này”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, việc xây dựng Luật phải đảm bảo được 3 yếu tố.
Thứ nhất, phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của nhà nước.
Thứ hai, đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn, hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư.
Thứ ba, phải tiệm cận, tiếp cận được các thông lệ tốt của quốc tế.
“Đây là yêu cầu đặt ra đối với Luật này bởi nếu chỉ nghiêng về vấn đề của Nhà nước thì không có nhà đầu tư nào sẵn sàng tham gia và nếu chỉ nghiêng nhà đầu tư mà không tính đến lợi ích của nhà nước, thì cũng không được. Do vậy, vấn đề này khi xây dựng Luật, cơ quan soạn thảo và các chuyên gia đã nghiên cứu rất kỹ để đảm bảo được các mục tiêu nêu trên”, thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Vì sao Luật chỉ thiết kế tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực
Giải trình về lĩnh vực đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, đây là một vấn đề rất khó và mới, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa đầy đủ và đồng bộ, nên chủ yếu tập trung thu hút vào những lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội đủ lớn, vì để chuẩn bị cho một dự án về PPP mất rất nhiều thời gian và công sức, không phải như một dự án đầu tư bình thường.
“Do vậy, nếu lĩnh vực nào cũng thực hiện theo hình thức PPP sẽ bị tràn lan và không tập trung, thiếu tính hiệu quả, khả thi và cũng phải đảm bảo được cả nguồn lực tham gia của nhà nước cũng như sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu dự án ở các lĩnh vực không có khả năng thu từ các dịch vụ, thì cũng không thể hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư”, Bộ trưởng giải trình thêm.
Trên cơ sở thực tiễn tổng kết của 20 năm qua, cũng như ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Dũng cho biết, dự thảo Luật cũng đã thiết kế tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Trong đó có cả dự án điện nhằm tiếp tục thực hiện thu hút 18 dự án đang triển khai cũng như 10 dự án đang được chuẩn bị.
“Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ngoài 5 lĩnh vực chính này Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép bổ sung một điều là Thủ tướng Chính phủ có quyền xem xét, quyết định một số trường hợp đặc biệt phát sinh trong quá trình triển khai để có thể bổ sung vào lĩnh vực đầu tư PPP, nếu thấy cần thiết với một quy trình hết sức chặt chẽ đã được quy định tại luật này để đảm bảo chủ động và linh hoạt trong quá trình điều hành.
Chia sẻ rủi ro và phần tăng, giảm doanh thu- cơ chế mang tính cách mạng
Về cơ chế chia sẻ rủi ro và phần tăng, giảm doanh thu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là cơ chế mang tính cách mạng, hết sức đặc biệt của Luật này và nếu không có được các cơ chế này sẽ không thể hấp dẫn được các nhà đầu tư.
Qua ý kiến của các đại biểu cho thấy cơ bản các đại biểu cũng thống nhất với phương án chia sẻ theo doanh thu chứ không phải chia sẻ theo lỗ, lãi. Điều này đã được nghiên cứu và thảo luận, phân tích, đánh giá hết sức kỹ lưỡng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, bảo đảm phản ánh và kiểm soát được tình hình tài chính của doanh nghiệp.
“Nếu chúng ta kiểm soát qua doanh thu thì chúng ta kiểm soát đảm bảo thuận lợi hơn. Nếu chúng ta kiểm soát bằng lỗ, lãi thì đây là một vấn đề rất khó, vì chúng ta không thể kiểm soát được quá trình hoạt động và lỗ, lãi của doanh nghiệp, do vậy Chính phủ kiến nghị tính theo phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm với Quốc hội.
Vì sao phải có kiểm toán nhà nước?
“Dự án PPP là một dự án có mục tiêu công và nguồn đầu tư là công tư, nên nó không hẳn là một dự án đầu tư công như chúng ta hiểu. Đây là một đặc thù rất khác nên chúng ta phải xây dựng một luật riêng như vậy. Do vậy, dự án này được thực hiện qua hợp đồng giữa một bên là nhà nước, cơ quan đại diện có thẩm quyền và một bên là doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng báo cáo.
Như vậy, theo Bộ trưởng, cần phải có Kiểm toán nhà nước, nhưng quan trọng là nội dung, thời điểm kiểm toán.
“Chúng tôi thống nhất là chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ.
Theo dự thảo Luật, quy định về việc kiểm toán gồm: kiểm toán nhà nước và chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước; tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công; Kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước; Kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu bật vấn đề liên quan đến dự án BT. Ông cho rằng, đây là vấn đề trong quá trình soạn thảo có rất nhiều các ý kiến khác nhau. Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ, nếu có thiết kế theo hình thức BT trong luật này thì phải bổ sung các điều khoản hết sức chặt chẽ./.
Bình luận