Không để “lỡ nhịp” chuyến tàu Cách mạng Công nghiệp 4.0
Sáng ngày 17/11 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phối hợp tổ chức Hội thảo Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với trung tâm là một thế giới siêu kết nối số đang làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi người dân, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và phát sinh ra những mô hình, cách thức kinh doanh mới và những người có thu nhập thấp cũng có thể tận dụng và thụ hưởng trực tiếp thành quả.
“Thực tế chứng minh, các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt các quốc gia phát triển trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Phó Thủ tướng nhận định khi đưa ra ví dụ đại đa số người dân ở châu Âu và Bắc Mỹ chưa có thói quen sử dụng thanh toán qua di động, thì 90% dân số trưởng thành ở Kenya, trên 40% dân số trưởng thành ở tại Tanzania, Zimbabwe, hay Namibia thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán thuận tiện này.
Uber, công ty thường được nhắc tới như ví dụ tiêu biểu trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, đã phải “quy phục” tại thị trường Trung Quốc cho Didi Chuxing - một đối thủ ở địa phương, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt bởi Grab tại Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Ngược lại, công ty thương mại điện tử Alibaba giúp hàng triệu hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc tham gia vào nền kinh tế số, tăng sức cạnh tranh của quốc gia này trên phạm vi toàn cầu. Ấn Độ cũng không nằm ngoài sự phát triển mới khi có nhiều doanh nghiệp thành danh trong nền kinh tế số.
Do vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Nhờ Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển bao trùm”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo
Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để tiệp cận và tham gia cuộc chơi công nghệ mới khi là thị trường trên 93 triệu dân, dân số trẻ, có trên 130 triệu thuê bao di động. Vùng phủ 4G lên đến 99% quận, huyện với gần 60 triệu kết nối di động băng thông rộng (3G, 4G). Hiện nay 55% dân số đã thường xuyên kết nối internet và con số này còn tiếp tục tăng nhanh. Đây là nền tảng thuận lợi để phát triển những mô hình kinh doanh mới dựa trên kết nối số.
Phó Thủ tướng cho rằng, do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã “lỡ nhịp” cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, song cơ hội của Việt Nam sẽ ở cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 này là rất lớn và phải chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng điểm để nắm bắt được cơ hội phát triển đất nước.
Đồng tình với nhận định trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tin tưởng, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với sự ra đời của nhiều công nghệ mới, như: trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ nano… đang làm thay đổi tư duy, phương thức con người tạo ra của cải vật chất tác động lan tỏa đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, cũng như doanh nghiệp và người dân. Với lực lượng lao động trẻ, cởi mở, thông minh tiếp cận nhanh với công nghệ mới, Việt Nam có nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất, cải thiện môi trường cạnh tranh của nền kinh tế.
Không để lỡ chuyến tàu Cách mạng 4.0
Tuy nhiên, Thứ trưởng Sơn cảnh báo, cuộc cách mạng này đang đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. “Nếu không nắm bắt kịp, thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ mới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ ngày càng suy giảm, nguy cơ tụt hậu sẽ càng nhanh hơn, khoảng cách phát triển giữa các tầng lớp trong dân cư trong quốc gia, cũng như Việt Nam với thế giới ngày càng lớn”, ông Sơn nói.
Chỉ rõ nguy cơ này, dẫn kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, ông Sơn cho biết, khoảng 56% lượng lao động của 5 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang đứng trước rủi ro cao bị thay thế bởi công nghệ mới trong 1-2 thập niên tiếp theo.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, nếu không tạo được việc làm, thu nhập cho lực lượng lao động, nhất là đội ngũ lao động trẻ thì phân hóa giàu nghèo trong cuộc cách mạnh này ngày càng sâu sắc hơn. Cùng với đó là liên kết kinh tế đa tầng nấc với các luật chơi mới mà Việt Nam đang tham gia, một mặt mở ra không gian phát triển mới, nhưng mặt khác đặt ra thách thức cạnh tranh gay gắt hơn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF, ông Justin Wood cũng cho rằng: “Cách mạng Công nghiệp 4.0 là vấn đề lớn và sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự bất bình đẳng. Chúng ta cần nhìn về tương lai để tìm ra cách thực hiện chính sách bảo đảm tăng trưởng sẽ mang tính bao trùm hơn. Đây không phải trách nhiệm của chính phủ, mà còn là trách nhiệm của các nhóm tư nhân”.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tập trung vào chất lượng của lao động thay vì giá thành của lao động. Mỗi người cần suy nghĩ đến những cách thức tương lai, con đường mà chúng ta sẽ đi và liệu Cách mạng Công nghiệp sẽ thay đổi Việt Nam như thế nào?
Đại diện WEF gợi ý, mọi người cần cùng nhau tư duy về năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm xuất phát từ quan điểm của Việt Nam, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Từ đó, đề ra những ý tưởng, lộ trình dài hạn.
Ông Justin Wood khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện tại, các nhóm nghiên cứu của WEF đang thực hiện nhiều chương trình hợp tác với cơ quan Hải quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…
Về phía chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cam kết, sẽ thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm hiểu và loại bỏ các rào cản, các vấn đề đã và có thể sẽ phát sinh, xây dựng các chương trình hành động cần thiết, tích cực khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp trên nền tảng khoa học công nghệ hướng tới cộng đồng.
Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối số bao gồm hạ tầng cứng giúp mọi cá nhân, mọi thiết bị, cảm biến được kết nối mọi lúc, mọi nơi, an toàn, với tốc độ cao, theo thời gian thực; và hạ tầng mềm bao gồm những vấn đề như các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp lý về giao dịch số, chữ ký số, thanh toán điện tử, các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech), sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực quản trị công, là điều kiện tiên quyết để đạt được một tầm nhìn thống nhất về chính phủ điện tử (e-government) với các công dân điện tử (e-citizen) trong một nền kinh tế kết nối số./.
Bình luận